5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động tại Việt Nam vào năm 2029
Thông tin trên được bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, đưa ra tại hội thảo 'Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam', diễn ra ngày 30/9.
Phát biểu tại sự kiện, bà Rita Mokbel nhận định, 5G đang phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên toàn cầu, chiếm 22% tổng số thuê bao di động toàn cầu. Từ 1,9 tỷ thuê bao hiện nay, con số này dự báo tăng lên 5,6 tỷ thuê bao vào cuối năm 2029, chiếm 60% thuê bao di động toàn cầu.
Tại Việt Nam, đại diện Ericsson dự báo, 5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động vào năm 2029. Công nghệ 5G sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việc Nam thúc đẩy hạ tầng số, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Theo bà Rita Mokbel, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến đóng góp 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025.
Bà Rita Mokbel đánh giá Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại với dấu ấn quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước đã tổ chức đấu giá và cấp phép các băng tần 5G. Vào tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz và 3700 MHz. Hai cuộc đấu giá quan trọng này đánh dấu việc triển khai 5G diện rộng tại Việt Nam.
“Việc cấp phép các băng tần này là một cột mốc quan trọng và là một bước thiết yếu để đạt được chuyển đổi số. 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, hạ tầng mạng 5G dùng riêng sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời, mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông”. Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tuấn, đại diện MobiFone cho biết: “Các thế hệ băng tần trước kia như 3G, 4G chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại, dữ liệu di động. Nhưng 5G với những tính năng đột phá như tốc độ trao đổi thông tin lớn, độ trễ thấp và đặc biệt khả năng kết nối thiết bị IoT phục vụ công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh, sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới và nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng khi triển khai công nghệ này".
Tuy nhiên, việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam cũng đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp viễn thông. Một trong những trở ngại lớn nhất là yêu cầu phủ sóng.
Đại diện MobiFone cho biết, so với các thế hệ trước, số lượng trạm BTS cần thiết cho 5G là rất lớn, lên đến vài trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu trạm. Trong khi 2G chỉ cần 20.000 trạm BTS là có thể phủ 100% diện tích Việt Nam. 3G cần 30.000-35.000 trạm và 4G cần 40.000-60.000 trạm.
Không triển khai 5G ồ ạt
Tại hội thảo do báo Đầu tư tổ chức, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nếu 4G tập trung vào dịch vụ cá nhân, hộ gia đình thì 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh…
“Việc triển khai 5G phụ thuộc vào nguồn lực của doanh nghiệp, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để triển khai sao cho hiệu quả, không phải triển khai một cách ồ ạt," ông Tuấn nói.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc tính của 5G là hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy…giúp các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh, cũng như kiểm soát chất lượng, giám sát công việc trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, việc phủ sóng rộng phải có lộ trình bởi doanh nghiệp viễn thông khi triển khai có thể tốn hàng tỷ USD để đầu tư, trong khi nhu cầu chưa gấp rút, mức độ sử dụng cũng chưa rộng rãi.
Để ứng dụng 5G hiệu quả, ông Trần Minh Tuấn kiến nghị, doanh nghiệp cần xây dựng hạ tầng số đồng bộ để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khi có hạ tầng tốt, các công nghệ mới sẽ được áp dụng một cách hiệu quả. Bởi thực chất, 5G cũng chỉ là một công nghệ cho phép kết nối nhanh, độ trễ thấp và phía sau công nghệ này còn là các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data)...
Đồng thời, doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong quy trình vận hành, hoạt động. Với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc ứng dụng 5G cần ở triển khai ở từng công đoạn.
Về phía doanh nghiệp, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam cho rằng, công nghệ và kinh tế số phát triển rất nhanh. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hoặc tạo ra các môi trường sandbox (thử nghiệm) để doanh nghiệp đón nhận tiềm năng mới.
Cùng với đó, cần thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có để đảm bảo quy định pháp luật phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và thực tiễn. Gắn với việc có chính sách hỗ trợ, các giải pháp giúp cho các doanh nghiệp trong thực hiện số hóa.