Đồng minh của Nga theo quan niệm cũ chỉ bao gồm hai đối tượng đó là Lục quân và Hải quân, tuy nhiên tờ báo Sohu của Trung Quốc mới đây đã đưa ra một khái niệm khác biệt hoàn toàn.
Theo các chuyên gia phân tích của tờ Sohu, hiện tại Mỹ có nhiều quốc gia được xem là đồng minh hơn Nga. Tuy nhiên, Liên bang Nga luôn có sẵn "át chủ bài" để trả lời, ngay cả khi nước này bị tấn công bởi toàn bộ quân đội NATO.
Ấn phẩm tiếng Trung đánh giá, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự tổng lực giữa Mỹ và Liên bang Nga, một số quốc gia đồng minh của các bên tham chiến chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào cuộc.
Hoa Kỳ có một số đối tác quan trọng chắc chắn sẽ tham gia vào cuộc khủng hoảng như vậy, bao gồm Anh, Úc và Canada. Trong khi đó, Nga cũng có một đồng minh đáng tin cậy đó là Belarus.
Bài phân tích của tờ Sohu cho biết: “Điều quan trọng là phải xem xét đến thực tế Mỹ nằm trong liên minh quân sự NATO, nơi có gần 30 thành viên. Trong khi đó Nga nằm trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm 6 quốc gia thuộc Liên Xô”.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào các liên minh chính thức thì rõ ràng là Mỹ có nhiều đối tác quân sự hơn Nga. Tuy nhiên điều này không khiến cho Washington được xem là mạnh mẽ hơn Moskva.
Như ấn bản tiếng Trung đã lưu ý, không phải vô cớ mà phương Tây ngại phải lên tiếng chống lại Moskva một cách công khai, trực tiếp và họ chỉ gây ra những cuộc chiến hỗn hợp nhằm kiềm chế nước này, bao gồm cả việc sử dụng tình hình Ukraine.
“Trong khi Mỹ có nhiều đối tác, Nga vẫn có sở hữu tới 6.000 'đồng minh' rất đặc biệt, vượt ra ngoài khái niệm chỉ có Lục quân và Hải quân khi xưa, đó chính là các đầu đạn hạt nhân đang nằm trong thành phần tác chiến".
"Chính vì vậy, không thể mơ hồ đoán trước được phần thắng của bên này hay bên khác". Bài phân tích của tờ Sohu viết rõ: "Kho vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga đủ sức biến toàn bộ quân đội NATO thành con số không".
Tờ Sohu nói thêm: nhờ sức mạnh hạt nhân của Moskva, không phải tất cả các nước NATO sẽ dám giúp đỡ Washington nếu xung đột quân sự Nga - Mỹ nổ ra. Đại đa số các quốc gia phương Tây chắc chắn sẽ không dám can thiệp vì sợ bị hủy diệt.
Mặc dù vậy, thực tế những gì diễn ra có thể rất khác so với những gì được ấn phẩm Sohu nêu ra, thứ nhất số lượng vũ khí hạt nhân của Nga theo đánh giá hiện nay chỉ ở mức 1.500 đơn vị, tức là bằng 25% ước tính của tờ Sohu.
Nếu so sánh về tiềm lực hạt nhân, Nga không có sự vượt trội so với Mỹ, trong khi Washington sẽ nhận được sự trợ giúp từ hai cường quốc hạt nhân khác trong Liên minh quân sự NATO là Anh và Pháp.
Cần nhắc lại, NATO đã đưa ra "ranh giới đỏ" cho Nga trong cuộc chiến Ukraine đó là việc sử dụng vũ khí hạt nhân, họ khẳng định sẽ đáp trả ngay lập tức nếu Moskva cố tình bước chân qua giới hạn này.
Như vậy có thể thấy "6.000 đồng minh của Nga" như tờ Sohu vừa nhắc tới chưa thể xem là công cụ tối ưu, khiến nước Nga đứng ngoài mọi nguy cơ bị kẻ địch xâm nhập hay dùng vũ khí mạnh mẽ để chống lại.
Bạch Dương