6 bài học thiết lập kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam nhìn từ Nhật Bản

Nhanh chóng áp dụng các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; loại bỏ dần các nhà máy đốt rác; tận dụng triệt để rác hữu cơ để ủ phân vi sinh là một số điều Việt Nam cần thực hiện để quản lý hiệu quả rác thải rắn và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản.

Đốt rác ở một khu tập kết rác Đà Nẵng (ảnh: Quách Thị Xuân, 5/2020)

Đốt rác ở một khu tập kết rác Đà Nẵng (ảnh: Quách Thị Xuân, 5/2020)

Là quốc gia châu Á có nền công nghiệp hóa từ rất sớm, khủng hoảng chất thải rắn đến với Nhật Bản cũng tương đối sớm. Từ những năm 1980, các bãi chôn lấp rác thải tại Nhật đã rơi vào tình trạng quá tải.

Giải pháp tức thời được đưa ra để thay thế việc chôn lấp là đốt rác thải. Tuy nhiên, giải pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của người dân Nhật Bản, do lo ngại việc đốt rác, đặc biệt là đốt rác nhựa sẽ là nguồn phát sinh chất thải dioxin gây hại cho sức khỏe của con người.

Trước áp lực từ phía dư luận cũng như áp lực từ lượng chất thải rắn ngày càng vượt quá mức kiểm soát, chính phủ Nhật Bản đã chuyển trọng tâm chính sách sang kiểm soát nguồn phát thải để giảm rác từ nguồn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn thế nào khi các nguồn lực còn hạn chế?

Các văn bản chính sách như Đạo luật Quản lý chất thải được ban hành năm 1991; Đạo luật Tái chế cơ bản được ban hành năm 2000 đã từng bước cụ thể hóa trọng tâm này, thông qua việc thực hiện các nguyên tắc thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhật Bản xác định thứ tự ưu tiên bắt buộc là giảm phát sinh; tái sử dụng; tái chế; thu hồi nhiệt và thải bỏ hợp lý.

Song song với đó, Nhật Bản cũng từng bước kiểm soát phát thải dioxin từ những lò đốt rác. Số lượng lò đốt rác tại Nhật Bản giảm dần, từ hơn 1.300 lò vào năm 2005 xuống chỉ còn khoảng 700 lò vào năm 2019.

Những nỗ lực thực hành kiểm soát rác thải tại nguồn và hạn chế phát thải dioxin đã nhận được kết quả ấn tượng. Cụ thể, lượng rác thải phải xử lý cuối cùng tại Nhật từ 20 triệu tấn năm 1980 giảm xuống còn 4,6 triệu tấn năm 2012, tính riêng rác thải đô thị. Rác thải công nghiệp cũng giảm từ 91 triệu tấn năm 1985 xuống còn 12 triệu tấn năm 2011. Lượng phát thải dioxin cũng giảm 98%, từ khoảng 5kg năm 1997 xuống chỉ còn 0,064kg năm 2004.

Hiệu quả quản lý rác thải rắn tại Nhật Bản.

Hiệu quả quản lý rác thải rắn tại Nhật Bản.

Bài học cho Việt Nam

Với tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng rác thải rắn, tương tự như những gì Nhật Bản đã gặp phải hàng chục năm trước. Trong bối cảnh đó, khung pháp lý về quản lý chất thải rắn của Việt Nam cũng liên tục được sửa đổi cập nhật, đặc biệt là luật bảo vệ môi trường được ban hành và sửa đổi vào các năm 1993, 2005, 2014 và 2020.

TS. Quách Thị Xuân

TS. Quách Thị Xuân

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra nhiều quy định tiến bộ như bắt buộc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; thu phí rác thải theo khối lượng; giảm sử dụng nhựa dùng một lần; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); kinh tế tuần hoàn...

Chính sách về quản lý chất thải rắn tại Việt Nam đi sau những chính sách tương tự của Nhật Bản khoảng vài chục năm. Ví dụ, luật bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1993, muộn hơn 41 năm so với Nhật Bản. Tuy nhiên, khoảng cách này đang dần được rút ngắn.

Cụ thể, quy định xử lý rác thải hữu cơ hoặc thực phẩm đã được giải quyết ở Nhật Bản vào năm 2000, còn Việt Nam bắt đầu đề cập đến việc giải quyết vấn đề trong lần sửa đổi thứ 4 của Luật Bảo vệ Môi trường, tức là chỉ sau 20 năm. Đặc biệt, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam đã được ban hành, quy định này đối với thiết bị điện, điện tử chỉ sau Nhật 12 năm, còn quy định đối với phương tiện giao thông thì chỉ ra sau Nhật 5 năm.

Mặc dù có nhiều nỗ lực từ phía chính sách trong việc quản lý hiệu quả chất thải rắn nhưng hiện trạng rác thải Việt Nam vẫn còn nhiều tồn đọng.

Thứ nhất, lượng chất thải rắn phát sinh bình quân đầu người lớn, lên đến 1kg rác/ngày với mỗi người. Điều này là do các chính sách khuyến khích giảm xả rác, thu phí rác thải trên khối lượng chưa được áp dụng nên người dân không có động cơ để giảm lượng rác thải.

Thứ hai, phân loại tại nguồn chưa được thực hành khiến hầu hết rác được thu gom và xử lý tập trung bằng cách chôn lấp. Cùng với đó, thói quen sử dụng nhựa dùng một lần đã ăn sâu vào văn hóa tiêu dùng.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất chưa dủ để hỗ trợ việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sau phân loại. Tại một số địa phương, việc phân loại rác thải đã được thực hiện thí điểm, tuy nhiên sau đó lại được thu gom chung, dẫn đến người dân mất niềm tin vào giải pháp này.

Có thể Việt Nam phải mất hàng chục năm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm để quản lý chất thải rắn một cách tối ưu.

Cuối cùng, khung pháp lý mới dù rất tiến bộ nhưng chỉ mới được ban hành, cần thêm nhiều thời gian hơn để đi vào cuộc sống. Có thể Việt Nam phải mất hàng chục năm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm để quản lý chất thải rắn một cách tối ưu.

Cuộc khủng hoảng rác thải Việt Nam đang phải đối mặt có nhiều điểm tương đồng với thực trạng những năm 1980 tại Nhật Bản. Nhìn từ những nỗ lực giải quyết ô nhiễm và thiết lập kinh tế tuần hoàn của đất nước mặt trời mọc, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho Việt Nam.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” cũng như chính sách 3R. Có thể áp dụng các công cụ chính sách hạn chế rác thải thông qua hạn chế hoặc cấm đồ nhựa dùng một lần; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); hạn chế nhập khẩu phế liệu; khuyến khích kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với chất thải hữu cơ.

Thứ hai, sớm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; thu phí rác thải theo khối lượng đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thứ ba, tận dụng triệt để rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, theo đó hỗ trợ người dân cũng như các cơ sở xử lý ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, tiến tới ban hành quy định cấm vận chuyển rác thải hữu cơ ra bãi rác.

Gian nan tìm lời giải cho bài toán công nghệ xử lý rác thải

Thứ tư, không xây dựng lò đốt rác, kể cả lò đốt rác phát điện. Việc đốt rác lộ thiên và đốt rác trong lò đốt mini cần bị nghiêm cấm. Song song với đó, loại bỏ dần các lò đốt rác không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Mặt khác, tăng cường giám sát phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn, theo dõi phát thải dioxin từ những lò đốt rác.

Thứ năm, huy động sự đồng thuận và tham gia của người dân cũng như doanh nghiệp và các bên liên quan để thực hiện hiệu quả chính sách về quản lý chất thải rắn.

Cuối cùng, xây dựng và củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn và chất thải nhựa. Đề nghị các nhà sản xuất công khai dữ liệu về lượng nhựa đã được sử dụng và kết quả của những giải pháp giảm sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần.

Tóm lại, các nước đang phát triển như Việt Nam nên áp dụng các thực hành tốt đã được minh chứng thành công, nên tránh lặp lại các sai lầm mà các nước phát triển như Nhật Bản đã phải trả giá.

Bài viết này được lược trích từ nghiên cứu về “đốt chất thải và quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Sumitomo.

(*) TS. Quách Thị Xuân là Điều phối viên của Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA).

TS. Quách Thị Xuân

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/6-bai-hoc-thiet-lap-kinh-te-tuan-hoan-cho-viet-nam-nhin-tu-nhat-ban-1659872279141.htm