6 bài học từ thực tiễn doanh nghiệp công nghệ số Việt chinh phục thị trường toàn cầu
Sếp Rikkeisoft chia sẻ, khi ra thị trường quốc tế, rất cần một 'khát vọng Việt' đủ lớn - là khát vọng cống hiến, làm thế nào để sản phẩm, công nghệ Make in Vietnam được hiện diện nhiều trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị Tổng kết Bộ Thông tin và Truyền Thông năm 2022 (diễn ra ngày 18/12), Rikkeisoft đã đại diện doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chia sẻ thực tiễn chinh phục thị trường quốc tế. 10 năm chinh phục thị trường toàn cầu, hiện Rikkeisoft đã trở thành doanh nghiệp công nghệ số quy mô 1.600 nhân sự đến từ 10 quốc gia, có 8 chi nhánh tại ở các thành phố lớn tại Việt Nam và Nhật Bản và có 200 người đang trực tiếp làm việc và sinh sống ở nước ngoài.
Chia sẻ trước Thủ tướng và đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành, ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng Giám đốc Rikkeisoft – cho biết, Rikkeisoft đã xác định “Go Global” ngay khi khởi sự kinh doanh, thay vì bắt đầu từ thị trường trong nước – như các doanh nghiệp khác.
Ông Lâm cho rằng, khi ra quốc tế, rất cần một “khát vọng Việt” đủ lớn có thể tập hợp được nguồn lực và những mục tiêu, hành động thiết thực. “Khát vọng Việt chính là trách nhiệm với cộng đồng, làm thế nào để sản phẩm, công nghệ Make in Vietnam được hiện diện nhiều trên quốc tế” - ông Lâm nói.
Minh chứng cho những hành động, mục tiêu thiết thực đã thực hiện trong năm 2022, ông Lâm cho biết việc Rikkeisoft thành lập công ty con Rikkei Digital để cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp (nhờ việc R&D các giải pháp ứng dụng công nghệ cao). Đây là việc thiết thực tham gia Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Ngoài ra, Rikkeisoft cũng thành lập công ty con Rikkei Academy để đào tạo lập trình viên “tương lai”, giải quyết bài toán nhân lực IT Việt Nam.
Với mong muốn cùng doanh nghiệp IT Việt nâng cao chất lượng công nghệ thông tin Việt Nam, tại hội nghị, đại diện Rikkeisoft cũng đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế.
Cụ thể, tạo các diễn đàn xúc tiến hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài để trao cơ hội “thực chiến” cho các doanh nghiệp trẻ trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, hỗ trợ khâu mở các văn phòng đầu tư ở nước ngoài, có bộ phận hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp.
Ông Lâm đề xuất, bên cạnh việc doanh nghiệp tự đào tạo và tuyển dụng như hiện nay, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược chính sách kết nối doanh nghiệp với hệ đào tạo chính quy, kiến tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho thị trường Global.
Bài học từ kinh nghiệm thực chiến
“Chúng tôi nhận thấy người Việt Nam thông minh, chăm chỉ, học tập tốt, thích nghi rất cao, nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể thì chúng ta không được coi trọng bằng các bạn du học sinh đến từ các nước phát triển” – ông Lâm nói và chia sẻ 6 bài học đúc rút được từ quá trình thực chiến tại thị trường nước ngoài sau 10 năm thăng trầm.
Điều cần đầu tiên là ý chí, khát vọng rất cao. Ông Lâm cho rằng, chỉ khi có ý chí, có khát vọng nâng tầm giá trị và kiên định với khát vọng này thì doanh nghiệp mới có thể tập hợp anh em có ước mơ lớn cùng tham gia.
Thứ hai, yêu cầu về ngoại ngữ - việc này là đương nhiên.
Thứ ba, “nhập gia tùy tục” là yếu tố then chốt. Trước khi khai phá thị trường mới, việc am hiểu văn hóa, thị trường bản địa là điều quan trọng hơn cả. Không làm được việc này thì gần như chắc chắn thất bại. Người Ấn Độ, Nhật Bản Âu, Mỹ,... đều có văn hóa riêng. Và việc am hiểu văn hóa phải được truyền tải ngay vào trong cách đi, cách làm của các doanh nghiệp khi ra toàn cầu
Thứ tư, sự tự tin. Ông Nguyễn Viết Lâm cho rằng, người Việt học giỏi, làm giỏi nhưng so với các bạn Ấn Độ, Âu Mỹ - Trung Quốc, thì người Việt giao tiếp với khách hàng còn có phần thiếu tự tin. Điều này đã được cải thiện hơn trong thế hệ trẻ. Phong thái tự tin là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển đồng ý, đồng thuận với mình.
Thứ năm, thay đổi tư duy trong quản trị. Khách hàng sẽ đánh giá cao về tư duy của doanh nghiệp khi có hệ thống vận hành quản trị khoa học, mang tính chất quốc tế. Điều này cũng giúp thực hiện quản trị rủi ro khi vận hành hệ thống lớn.
Và điều sau cùng, cần cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với thị trường mà doanh nghiệp cần chinh phục. Ví dụ, doanh nghiệp nào làm việc với Nhật Bản thì cần phải xây dựng nét văn hóa của Nhật.
“Rikkeisoft có định nghĩa hai giá trị văn hóa là ‘cầu tiến’ và ‘tận tâm’. Khi xây dựng văn hóa này, Rikkeisoft rất phù hợp với người Nhật Bản và trong quá trình làm việc, người Nhật Bản cảm nhận được và đồng hành với doanh nghiệp” – ông Lâm dẫn thực tế tại Rikkeisoft.