6 bộ và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 0%
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành chỉ đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng số vốn giải ngân tại các địa phương cũng đạt tỷ lệ rất thấp.
Năm 2023, mục tiêu Chính phủ đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch. Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó bao gồm cả vốn vay nước ngoài.
Tuy nhiên, ước tính 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tỷ lệ này có sự tiến bộ so với tỷ lệ giải ngân của năm 2021 và năm 2022. Trong khi đó, giải ngân của các địa phương lại đạt thấp.
Cụ thể, chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân, tập trung chủ yếu ở Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,4%), Bộ Giao thông Vận tải (30,9%) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,6%)... Hai bộ còn lại có số giải ngân rất ít là Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,2%) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,3%).
Đáng chú ý, hiện nay, 6 bộ, cơ quan Trung ương còn lại chưa có giải ngân là Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội (mới được phê duyệt điều kiện cho vay lại, ký hiệp định vay phụ và hợp đồng ủy quyền); các đơn vị còn lại gồm Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 6, số lượng giải ngân cũng rất thấp trên tổng kế hoạch vốn được giao trong năm nay là 34.512,5 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến 27/6/2023, các địa phương mới chỉ giải ngân đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Trong đó, mới có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% gồm Hà Nội, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Bình Định, Kon Tum; 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được lãnh đạo Bộ Tài chính nhìn nhận là do dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế…
Cùng với đó, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải - một trong 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn nước ngoài tính đến thời điểm này cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân 2.020 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,7% cho 14/19 dự án ODA. Trong quá trình triển khai, một số dự án còn gặp phải những vướng mắc chủ yếu là ở công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; nhà tài trợ có ý kiến phản hồi chậm khiến dự án chậm triển khai…
Tương tự, tại Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đến nay đạt khoảng 27,91%. Chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân các dự án, đại diện TP Hà Nội cho biết, nhiều dự án tồn tại những vướng mắc từ các năm trước như chậm giải phóng mặt bằng, 4/9 gói thầu đã dừng thi công do hết thời gian thực hiện hợp đồng và không thể giải ngân; vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị dẫn đến việc phê duyệt điều chỉnh thiết kế dự toán hạng mục của các gói thầu mất nhiều thời gian, kéo dài dẫn đến chậm trễ, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, bổ sung chi phí của các gói thầu.
Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai một số biện pháp như bảo đảm thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định; tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ...