6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam

Ngày 11/4, thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh vừa tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đây cũng là nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA), Hiệp hội Sếu quốc tế (ICF) và Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

6 cá thể sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) này được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) và được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.

Trước khi tới Việt Nam ngày 10/4, đàn sếu đã được kiểm tra sức khỏe, không dùng thuốc mê. Khi vận chuyển, chúng được nhốt trong thùng gỗ với lớp đệm chống va đập và lỗ thông gió, đi cùng là bác sĩ thú y. Sau hơn một giờ bay, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), đàn sếu được đưa tới Thảo Cầm Viên chăm sóc khoảng 2 tuần rồi chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Khuôn viên Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao

Khuôn viên Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao

Ngoài thức ăn công nghiệp chuyên, sếu được huấn luyện bắt cá, cua để giữ bản năng hoang dã. Tràm Chim và Thảo Cầm Viên cũng hoàn tất chuồng nuôi đạt yêu cầu để chăm sóc chúng.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ. Nội dung này cũng nằm trong đề án bảo tồn sếu được Đồng Tháp lên kế hoạch gần hai năm trước. Đề án thực hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim với mục tiêu trong 10 năm nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Tỉnh đặt kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gây đàn ngoài tự nhiên.

Vườn Quốc gia Tràm Chim từng ghi nhận có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ, một trong 15 loài sếu đang tồn tại trên thế giới. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm. Trong các năm gần đây, số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm không có cá thể nào về.

Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Việc triển khai đề án là tín hiệu tích cực nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại đây.

Đề án triển khai trong 10 năm, giúp cho người dân có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ.

Để thực hiện đề án này, ngoài việc nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản còn cần cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.

Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000 - 20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000 - 10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2019 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.

mai linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/6-ca-the-seu-dau-do-dau-tien-tu-thai-lan-ve-viet-nam.669419.html