6 đề xuất nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo vùng Tây Nguyên
PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu ra 6 đề xuất nhằm nâng cao vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số có tôn giáo tại các tỉnh Tây Nguyên.
PV: Qua nghiên cứu, PGS. TS có nhận định chung thế nào về vấn đề dân tộc, tôn giáo tác động tới phụ nữ dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên?
PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan: Khu vực Tây Nguyên có 54 dân tộc, với số dân khoảng 5,8 triệu người; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 37,65%, với nhiều tôn giáo khác nhau, chủ yếu là Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài. Ngoài ra, có nhiều hiện tượng tôn giáo mới (còn gọi là "đạo lạ") với nguồn gốc và cách thức sinh hoạt khác nhau.
Mối quan hệ dân tộc và tôn giáo là vấn đề hết sức phức tạp. Giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ tạo được sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường, điều kiện cần để đảm bảo phát triển bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kết hợp với những nỗ lực của chính quyền địa phương và của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, sau gần 40 năm đổi mới, nhìn chung, các tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên đã có những biến đổi phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thích nghi đồng hành phát triển cùng dân tộc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, mối quan hệ dân tộc và tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, như: Bất cập trong quản lý, triển khai thực hiện chính sách tại một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo; sự phân hóa giàu giàu nghèo, phân hóa thu nhập khá lớn giữa các dân tộc. Còn tồn tại những bất cập trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, người dân tộc thiểu số làm công tác dân tộc, tôn giáo. Tổ chức bộ máy và lực lượng chức năng làm công tác dân tộc, tôn giáo còn thiếu và chưa ổn định…
Đặc biệt, những năm gần đây có sự xuất hiện nhiều cơ sở "đạo lạ" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới. Hiện tượng tôn giáo mới hoặc được du nhập từ bên ngoài vào như Pháp luân công, Thanh Hải vô thượng sư, Tịnh độ đạo tràng, Pháp môn diệu âm, hoặc hình thành trên địa bàn như Tin lành Đề ga, đạo Hà Mòn, Tin lành Đấng Christ. Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo tham gia sinh hoạt, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số.
Sự xuất hiện, hoạt động tuyên truyền của các hiện tượng tôn giáo mới đang có những tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội trên địa bàn, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Những vấn đề bất cập nêu trên đều tác động trực tiếp đến phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo, cần phải nhận diện rõ các vấn đề này để có những biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác vận động phụ nữ.
PV: Trong thời gian tới, với chức năng đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam cần làm gì phát huy hiệu quả công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số có tôn giáo, thưa PGS.TS?
PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan: Để có những biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác vận động phụ nữ vùng Tây Nguyên, theo tôi cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp nền tảng có ý nghĩa quyết định là đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc/phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo ở Tây Nguyên. Khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao thì các sinh hoạt đức tin cũng sẽ trở nên trong sáng và thuần khiết hơn.
Hội LHPN các cấp, nhất là cấp cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tôn giáo chủ động trong sinh kế, phát triển kinh tế, không để kéo dài tình trạng trông chờ ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Tiếp tục đầu tư, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn. Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân/phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo. Tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số đi theo các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng…
Thứ 2, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây không phải việc riêng của Hội LHPN Việt Nam mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động phụ nữ là không thể thiếu.
Trong đó, cần xây dựng chiến lược và đảm bảo nguồn quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ; xây dựng lực lượng cốt cán là người dân tộc thiểu số/phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo; Thực hiện chính sách mở, linh hoạt trong tuyển dụng người dân tộc thiểu số, trong thực hiện các tiêu chí kết nạp đảng viên căn cứ vào từng đối tượng và địa bàn đảm bảo tính ưu tiên đặc thù riêng. Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, của Hội phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tổ chức sinh hoạt lối sống mới, văn minh trong vùng dân tộc thiểu số.
Thứ 3, thay đổi cách tiếp cận và đa dạng hóa phương thức vận động, tập hợp phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo. Việc tuyên truyền không chỉ hướng tới phụ nữ, mà còn phải tiếp cận theo nhóm đối tượng có ảnh hưởng quan trọng đến phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, như: chồng, con, cha mẹ, ông bà, trưởng dòng tộc, người có uy tín.
Nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động cũng thường xuyên được thay đổi. Thiết kế các chương trình, và phát triển các mô hình, các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả thu hút hội viên phụ nữ; Tăng cường sử dụng người dân tộc tại chỗ trong việc hướng dẫn, vận động, tập hợp và tổ chức phụ nữ vào các nhóm phù hợp.
Cải tiến sinh hoạt chi/tổ hội phụ nữ, phấn đấu tăng tỉ lệ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo, phát huy vai trò hội viên nòng cốt dân tộc thiểu số, tôn giáo. Vận động các chi hội phụ nữ hoạt động hiệu quả có điều kiện kết nghĩa, hỗ trợ giúp đỡ các chi hội còn nhiều khó khăn và các gia đình hội viên nghèo…
Thứ 4, thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp làm công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Phát hiện, tạo nguồn và giới thiệu nguồn cán bộ Hội, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, người có đạo cho cấp ủy Đảng cùng cấp để phát triển đảng viên nữ và bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ 5, làm tốt công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, hội nhóm tôn giáo trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo.
- Thứ 6, giải quyết hiệu quả những vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo và kiên quyết đấu tranh với các thế lực cực đoan, phản động cản trở sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể quần chúng, Hội LHPN các cấp trong vận động chức sắc, tu sĩ, tín đồ thực hiện đúng pháp luật và tham gia phong trào xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!