6 điểm nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025
Khái quát về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2025. Ảnh: VGP
Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025. Từ đó đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025
Thứ nhất, tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; qua đó tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, mở ra không gian phát triển mới và quan trọng nhất tăng cường cho cơ sở, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các nghị quyết về "bộ tứ chiến lược": Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Trình Quốc hội 44 dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 9. Trong 4 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 98 nghị định, 132 nghị quyết, 914 quyết định và 13 chỉ thị, 54 công điện.
Thứ ba, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có 9 hội nghị với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước…
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội...; đặc biệt tổ chức khánh thành, khởi công đồng loạt 80 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ năm, chỉ đạo theo thẩm quyền, tổ chức rất ý nghĩa, thành công hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân tập trung rất đông tại lễ diễu binh, diễu hành, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, ý thức chính trị rất cao, đồng thời rất trật tự, bảo đảm an ninh, an toàn.
Thứ sáu, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng; trong đó góp phần đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước; tổ chức thành công Hội nghị P4G lần thứ tư và Hội nghị Tương lai ASEAN.
Đặc biệt, trước việc Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng mới, Việt Nam đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động các biện pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực.
Thời cơ để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới.
Đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tinh thần đặt ra là kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.