6 kiến nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về phát triển văn hóa

Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra 6 kiến nghị tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị - Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham luận tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bài liên quan

Hôm nay, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội

Văn hóa với nhiệm vụ “soi đường”

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng kiến nghị, Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện 6 nội dung gồm:

Một là, Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Chúng ta cần có "Nhận thức đúng để hành động đẹp".

Hai là, Xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.

Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi "Văn học là nhân học".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Hải Nguyễn/Laodong

Ba là, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị "thương hiệu quốc gia", nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ.

Khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa; "hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại" đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Bốn là, Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập.

Chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ - ấm no - hạnh phúc nơi hình thành con người có văn hóa.

Phải xuất phát từ tình yêu Mẹ Tổ quốc với trách nhiệm lớn lao, nghĩa cử cao đẹp vì Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã để lại cho chúng ta kho tàng di sản và nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, đến người mẹ của từng gia đình - những người mẹ đã trao truyền, lưu giữ văn hóa cho các con các cháu của mình bằng những việc bình dị nhưng rất đỗi cao quý thiêng liêng, từ điệu lý câu hò, làn điệu dân ca, từ điều hay lẽ phải, khuyên nhủ, đến sự hy sinh cao cả "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ".

Những giá trị nhân văn đó cần được đề cao. Văn hóa nuôi dưỡng tình thương, tình thương là cội nguồn sức mạnh.

Năm là, Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Sáu là, Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy kính đề nghị, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/6-kien-nghi-cua-bo-van-hoa--the-thao-va-du-lich-ve-phat-trien-van-hoa-post168503.html