6 loại thuốc cần thận trọng dùng ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe và cần sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc có rủi ro tiềm ẩn với người cao tuổi, cần thận trọng khi sử dụng.
Thuốc chống trầm cảm
Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ té ngã hơn những loại khác.
Ví dụ, thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) dường như có nguy cơ cao hơn, bao gồm: Amitriptylin (amitril), nortriptylin (pamelor)…
Một loại thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Các thuốc này bao gồm: Escitalopram (lexapro), sertralin (zoloft), citalopram (celexa)…
Nếu người bệnh (nhất là người lớn tuổi) đang dùng thuốc điều trị trầm cảm nhưng bị ngã hoặc có nguy cơ bị ngã, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể lựa chọn sang loại thuốc khác ít nguy cơ này.
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần như haloperidol, risperidone, olanzapine và quetiapine có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm nhận thức nhanh hơn và tử vong khi sử dụng cho người già sa sút trí tuệ. Những loại thuốc này có thể được sử dụng để kiểm soát các hành vi của chứng sa sút trí tuệ, nhưng chỉ nên được sử dụng nếu các lựa chọn an toàn khác không thành công.
Thuốc ngủ
Các loại thuốc trị mất ngủ như zolpidem và eszopiclone thường được dùng để điều trị chứng mất ngủ. Tương tự như các thuốc benzodiazepin, thuốc làm tăng nguy cơ mê sảng, té ngã, gãy xương khi sử dụng cho người lớn tuổi. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng thuốc chỉ mang lại hiệu quả cải thiện tối thiểu cho giấc ngủ.
Nếu người cao tuổi đang dùng hoặc đang cân nhắc dùng một loại thuốc trong danh sách trên, cần trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc. Sự hợp tác cẩn thận, chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình, dược sĩ và bác sĩ là cần thiết để xây dựng một chế độ dùng thuốc an toàn và hiệu quả nhất có thể.
Thuốc giảm đau
Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID) như ibuprofen, meloxicam và naproxen được sử dụng phổ biến cả kê đơn và không kê đơn... nên được sử dụng thận trọng ở người lớn tuổi. Khi sử dụng thường xuyên, thuốc làm tăng nguy cơ loét dạ dày và chảy máu dạ dày ở những người trên 75 tuổi hoặc đang dùng các loại thuốc khác làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày như steroid và thuốc làm loãng máu... Ngoài ra, NSAID có thể làm tăng huyết áp, gây tổn thương thận và tăng nguy cơ đau tim.
Thuốc kháng histamin an thần
Thuốc kháng histamine an thần như diphenhydramine và doxylamine thường được sử dụng để điều trị dị ứng hoặc mất ngủ. Thuốc có tính kháng cholinergic cao, nghĩa là ngăn chặn chức năng bình thường của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Do đó, thuốc có thể gây khô miệng, táo bón, bí tiểu và lú lẫn. Nhóm thuốc này đặc biệt nên tránh dùng cho những người già mắc chứng sa sút trí tuệ vì có thể gây lú lẫn và mê sảng nặng hơn.
Thuốc chống co thắt
Nhóm thuốc này ngăn ngừa co thắt bàng quang, ruột hoặc dạ dày. Thuốc được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt, hội chứng ruột kích thích và say tàu xe. Ví dụ về thuốc chống co thắt là dicyclomine, hyoscyamine và scopolamine.
Giống như thuốc kháng histamine, nhóm thuốc này cũng có tính kháng cholinergic cao, nghĩa là thuốc cũng có thể gây khô miệng, táo bón, bí tiểu và lú lẫn. Ở những người già mắc chứng mất trí nhớ hoặc các vấn đề về tiểu tiện như phì đại tuyến tiền liệt cần đặc biệt thận trọng khi dùng các loại thuốc này.
Lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Người cao tuổi do giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch nên hay bị táo bón. Do vậy tỷ lệ người cao tuổi dùng thuốc nhuận tràng cũng nhiều hơn.
Khi dùng một thuốc nào đó cùng với thuốc nhuận tràng rất có thể thuốc đó sẽ bị tống ra ngoài sớm (do thuốc nhuận tràng làm tăng nhu động ruột) sẽ làm giảm hấp thu làm cho tác dụng của thuốc dùng đồng thời với thuốc nhuận tràng giảm hoặc mất tác dụng.
Khi bán thuốc cho người cao tuổi nên hỏi xem họ có đang dùng thuốc nhuận tràng hay không (có thể tự dùng hoặc bác sĩ kê dùng).
Cùng với tuổi tác càng cao thì trí nhớ của người cao tuổi sẽ giảm nên khi dùng thuốc người cao tuổi có thể quên tên thuốc, liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc, liều dùng… Điều này sẽ rất nguy hiểm nên khi dùng thuốc cần có sự trợ giúp của người thân (con, cháu..)
Đau xương khớp, loãng xương ở người cao tuổi khiến họ ngại vận động nên uống thuốc ở tư thế nằm làm cho thuốc không xuống tới dạ dày kết hợp với lượng nước uống ít nên thuốc đọng lại ở thực quản (gây loét với một số thuốc), gây sỏi thận (như sulffamid) nếu uống ít nước. Vì thế, khi uống thuốc nên ở tư thế đứng, và uống với nhiều nước.
Song song với việc lựa chọn những thuốc đặc hiệu trong điều trị thì việc lựa chọn những thuốc có dạng dễ sử dụng là một việc làm cần lưu tâm.
Độ tinh tường của mắt người cao tuổi bị giảm sút nên cần ưu tiên những thuốc có nhãn to rõ để người già dễ đọc, dễ lấy chính xác.
Trong các loại thuốc uống, thì có lẽ những thuốc dạng viên là gây khó chịu nhất với người cao tuổi, nhất là những viên thuốc đóng kích cỡ quá to vì chúng rất khó nuốt. Hãy ưu tiên sử dụng những thuốc dạng viên nhỏ hay dạng nước trong kê đơn điều trị.
Để phát huy cao nhất hiệu quả điều trị của thuốc và hạn chế thấp nhất các tai biến do thuốc gây nên người cao tuổi không nên tự ý sử dụng thuốc.
Khi đang sử dụng thuốc nếu thấy có biểu hiện bất thường, không nên tự ý bỏ hoặc ngừng thuốc hay thay thế thuốc khác mà phải báo cho bác sĩ biết để có cách xử lý phù hợp.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/6-loai-thuoc-can-than-trong-dung-o-nguoi-cao-tuoi.html