6 món kinh điển nhiều mẹ cho con ăn dặm, chẳng bổ dưỡng lại hại gan thận

Khi bước vào thời kỳ ăn dặm, khả năng tiêu hóa của trẻ vẫn kém nên người mẹ cần lưu ý một số loại thức ăn bổ sung, tránh dẫn tới các tác dụng phụ.

Thông thường, khi bé được 6 tháng tuổi sẽ được mẹ cho ăn dặm. Lúc này, nguồn thực phẩm chính của bé vẫn là sữa, thức ăn dặm chỉ bổ sung để bé làm quen với mùi vị. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm dưới đây được các bác sĩ khuyến cáo không nên làm thức ăn dặm cho bé.

Những loại thực phẩm không nên cho bé ăn dặm

Người mẹ cần lưu ý một số thực phẩm dưới đây, tuy ngon nhưng không bổ dưỡng và nguy hiểm.

1. Cháo trắng

Trong những ngày đầu mới ăn dặm, bé thường được cho ăn bột hoặc cháo trắng. Một số người tin rằng, cháo trắng dễ tiêu hóa, tốt cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, món ăn này không bổ dưỡng như nhiều người nghĩ.

Cháo trắng được làm từ gạo và một lượng lớn nước. Quá trình nấu lâu sẽ khiến hạt gạo nát nhừ, mềm mịn, bé dễ ăn. Trong khi đó, thành phần chính của gạo là carbohydrate, một lượng nhỏ protein và một số vitamin. Món ăn này rất giàu tinh bột, cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng hàm lượng đạm không cao nên không thích hợp cho bé đang phát triển.

Đặc biệt, các loại bột ngũ cốc (bột gạo có bổ dung nhiều chất dinh dưỡng) sẽ tốt hơn là cháo trắng, người mẹ nên chú ý điều này.

2. Nước trái cây đóng hộp

Trong suy nghĩ của nhiều người, nước ép trái cây là thức uống tốt cho sức khỏe. Vì thế, nhiều người mẹ cho rằng, loại thức uống này là một trong những thực phẩm ăn dặm phù hợp cho bé.

Tuy nhiên, nước trái cây đóng hộp chứa rất nhiều đường và các chất phụ gia, hoàn toàn không tốt cho bé lúc này. Khi ăn quá ngọt trong thời kỳ ăn dặm, nó sẽ ảnh hưởng tới mùi vị của bé.

3. Các loại hạt

Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó… rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, nếu để nguyên các loại hạt này để bé ăn thô thì cực kỳ nguy hiểm. Nếu bé còn quá nhỏ, ăn các loại hạt nhỏ dễ gây ngạt thở, nguy hiểm tới tính mạng.

Bên cạnh đó, có một số loại hạt như đậu phộng dễ gây dị ứng cho trẻ em, người mẹ cần chú ý.

4. Món ăn chứa muối

Muối đóng vai trò cung cấp natri và kali cho cơ thể, nhưng đối với trẻ sơ sinh, người mẹ không thể tùy ý thêm muối vào thức ăn.

Bé dưới 1 tuổi không cần bổ sung thêm muối, lượng muối trong thực phẩm thông thường có thể đáp ứng nhu cầu cơ thể cần hàng ngày. Việc ăn nhiều muối có thể dẫn tới một số vấn đề nghiêm trọng ở trẻ như tăng natri máu và hại gan thận.

5. Trứng

Trứng là một loại thực phẩm rẻ tiền nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Một số người mẹ muốn bổ sung trứng vào thực đơn ăn dặm cho con mình. Tuy nhiên, họ có thể chưa biết rằng, trẻ có thể ăn trứng nhưng không được ăn hết cả quả trứng.

Cả lòng đỏ, lòng trắng của trứng gà đều có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng dạ dày của trẻ vài tháng tuổi không có khả năng tiêu hóa và tiếp nhận lòng trắng trứng, rất dễ gây dị ứng.

Vì vậy, người mẹ không nên cho con mình ăn cả quả trứng mà chỉ ăn lòng đỏ, chỉ có thể cho trẻ thích nghi dần với lòng trắng trứng sau khi được 1 tuổi.

6. Mật ong

Mật ong được nhiều người tin là "thần dược" chăm sóc sức khỏe. Một số người mẹ tin vị ngọt tự nhiên của mật ong tốt hơn đường nên cho con ăn.

Tuy nhiên, khi trẻ còn quá nhỏ, sức đề kháng của chúng rất yếu, trong quá trình pha và bảo quản mật ong nếu không được xử lý đúng cách có thể nhiễm khuẩn, trẻ có thể bị ngộ độc.

Tóm lại, thời kỳ ăn dặm của trẻ rất quan trọng, người mẹ càng cẩn thận thì con mình sẽ an toàn và khỏe mạnh. Trong vấn đề ăn uống, người mẹ cần dặc biệt chú ý tới một số loại thực phẩm gây hại cho trẻ nhỏ.

PHAN HẰNG

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-mon-kinh-dien-nhieu-me-cho-con-an-dam-chang-bo-duong-lai-hai-gan-than-20230412090534582.htm