6 năm ngày mất Nhà báo Hữu Thọ: Nhớ tác giả câu nói nổi tiếng 'mắt sáng - lòng trong - bút sắc'
Nhiều người làm báo chúng ta và cả nhiều người hoạt động ở lĩnh vực khác, nhớ và thường dẫn câu nói nổi tiếng 'Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc', mỗi khi nói, viết về nhà báo, nghề báo.
Tác giả câu tổng kết đó, là nhà báo Hữu Thọ. Ông đã rời cõi tạm để đi vào thế giới vĩnh hằng cách đây tròn 6 năm (ngày 13/8/2015, chỉ 3 ngày sau khi dự Đại hội lần thứ X - Hội Nhà báo Việt Nam). Đó cũng là lần cuối cùng tôi có dịp được nói chuyện với Ông.
Nhà báo Hữu Thọ và tác giả Trần Bá Dung trong chuyến về thăm ATK Thái Nguyên, 20.4.2010. Ảnh: Hà Phương Thiện.
Trước đó, có lần Ông khuyên tôi: Cậu tổ chức nhiều hội thảo nghiệp vụ, nên có những tổng kết sau hội thảo, điều gì đã đưa được vào thực tiễn nghề báo, điều gì chưa làm được, vì sao? Điều này, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa làm được!
Trong nghề báo, những nhà báo giỏi thường có những tổng kết về nghề rất đáng nhớ. Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng số một, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, để lại cho chúng ta cả một di sản “tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí”. Với Nhà báo – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thích nhất câu tổng kết của Ông, tổng kết về làm báo của một vị tướng trận mạc: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”.
Các nhà báo lão thành mà tôi may mắn có dịp được gần, được làm việc, được biết và được đọc, được học, lại có những tổng kết đặc sắc khác. Với Phan Quang là “Đọc, Đi, Nghĩ, Viết”. Với Hà Đăng là “Tổng biên tập là nhà báo của các nhà báo, là người làm chính trị và người lãnh đạo”. Với Hữu Thọ, tôi muốn nhắc lại câu nói nổi tiếng của Ông khi nói về nghề báo cao quý, vinh quang và nhọc nhằn: “Làm cái nghề này phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề”. Ông coi đó là “Mấy lời tâm sự xin bộc bạch với các bạn mới vào nghề để cùng nhau suy nghĩ mà “giữ đạo nhà”.
Đây là bài nói chuyện của Ông nhân ngày ra trường của khóa đại học báo chí thứ 11, Phân viện (nay là Học viện) Báo chí và Tuyên truyền, ngày 18/6/1996. Lúc đó, Ông vừa làm Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), (trước đó là Tổng Biên tập báo Nhân Dân) vừa kiêm nhiệm Trưởng Khoa Báo chí. Sau này, trong các tuyển tập của Ông, bài nói chuyện này đều được đăng trang trọng với tiêu đề Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc.
Trong bài nói chuyện, Ông không giải thích, không chiết tự rạch ròi từng câu, chữ ấy. Nhưng thông điệp đọng lại và cũng là điều Ông muốn “tâm sự, bộc bạch” cùng các nhà báo sắp vào nghề lúc bấy giờ, là: Nhà báo trẻ vào nghề cần được trang bị, cần tự nhận thức được lý tưởng cao cả của nghề, các yêu cầu về lòng trung thực, nhân văn của nghề và sự khổ luyện, dụng công để viết cho đúng, cho trúng, cho sắc, cho hay. Những năm cuối đời, dù sức không được khỏe, Ông vẫn thường xuyên cùng các nhà báo lão thành Hà Đăng, Phan Quang… “bộ ba lão thành” (tôi hay nói vậy) có mặt tại các hội thảo nghiệp vụ báo chí do Hội tổ chức; viết tham luận, phát biểu đầy hào hứng, đầy trí tuệ, sắc sảo và thẳng thắn về nghề, với nghề; tham gia đều đặn và đôi lúc có những phát biểu làm xoay chuyển tình thế, xoay chuyển cả nhận thức của các thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia mà tôi luôn phải làm thư ký tổng hợp cho mỗi mùa giải.
Nhiều lần nghe Ông phát biểu, được tâm sự cùng Ông, nghe Ông hỏi han, trao đổi những lúc Ông rỗi, đọc mấy cuốn sách về nghề của Ông, tôi càng hiểu ra, ngộ ra cái ý tứ sâu xa trong ngôn từ mộc mạc, giản đơn mà triết lý của câu nói khái quát: “Làm cái nghề này phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề”.
Nhà báo Hữu Thọ trò chuyện với tác giả (Trần Bá Dung) và các nhà báo khi về thăm ATK Thái Nguyên, 20.4.2010. Ảnh: Hà Phương Thiện.
Mắt sáng là yêu cầu, là kết tinh của nhận thức, trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, thế giới quan, nhân sinh quan của nhà báo. Muốn mắt sáng, nhà báo phải có kiến thức rộng, để có thể phát hiện thấy những cái mới, cái đẹp – dù chỉ mới manh nha trong đời sống - để mà ca ngợi, cổ vũ, động viên, nhân rộng, những điều mà người khác có thể nhìn thấy nhưng không nhận ra.
Muốn mắt sáng “phải có bản lĩnh chính trị để mà xem xét, đánh giá những vấn đề đặt ra trong cuộc sống”. Ông nói với các nhà báo trẻ: “Kiến thức mà người làm báo sử dụng là kiến thức từ cuộc sống, cuộc sống cụ thể trong từng lĩnh vực cụ thể với bề dày cuộc sống của mình đã được tích lũy từ nhiều năm. Đó là một đặc điểm rất quan trọng của người làm báo”; “Anh mang cuộc sống ra phân tích cuộc sống, tất nhiên là phải kết hợp với những quan điểm, đường lối nhưng là quan điểm, đường lối đã nhuần nhuyễn trong cuộc sống… Phải có hiểu biết rất dày về cuộc sống. Nếu không đi vào cuộc sống thì làm sao hiểu được, do đó làm sao phân tích sự kiện có lý có tình trong các bài báo” (Bài nói chuyện với lớp phóng viên trẻ báo Nhân Dân, ngày 6/01/1996).
Phải mắt sáng mới dự cảm, dự báo được những điều tốt đẹp có thể trở thành xu thế vận động, thành lẽ sống cao đẹp, từ những việc nho nhỏ, tưởng như rất bình thường, lẩn khuất trong xô bồ của cuộc sống thường ngày. Phải mắt sáng, nhà báo mới có thể phán đoán, để sớm quyết đoán đi đến tìm hiểu, điều tra, viết bài, kịp thời ngăn chặn những cái xấu, cái tiêu cực, cái ác… từ trong mầm mống những suy nghĩ, những hành vi mà người khác có thể bỏ qua. Phải mắt sáng, mới có thể dự cảm thấy trước một mô hình, một phong trào, một tất yếu… từ một việc tử tế nho nhỏ, một sáng kiến hay, một việc làm hiệu quả của một người lao động bình thường.
Mắt sáng là con mắt tinh đời, để nhà báo nhìn ra cái bất thường trong những điều tưởng như bình thường, cũng như cái “bất biến” trong sự “vạn biến”. Giống như một ngư dân, phải “hiểu biết rất dày về cuộc sống” trải qua kinh nghiệm “ăn sóng nói gió” trên ngư trường, mắt sáng mới có thể chỉ nhìn dòng chảy của con nước đã phán đoán được, biết được hướng di chuyển của cả một đàn cá lớn.
Nhà báo Hữu Thọ (bên trái) tại Đại hội lần thứ X - Hội Nhà báo Việt Nam 3 ngày trước khi Ông "rời cõi tạm". Ảnh 3: Ảnh: Sơn Hải
Nhà báo Hữu Thọ viết: “Không giống như bất kì một nghề nào khác, trong nghề báo của chúng ta, nghề nghiệp luôn luôn gắn với lý tưởng. Một bài báo hay, một bức ảnh đẹp không chỉ có công phu miêu tả, công phu chọn nắng, chọn mây, mà còn là ở chỗ nó nói lên điều gì trong tầm sâu tư tưởng của người làm nghề và điều đó làm rung động trái tim ai, thuyết phục ai”. Cái “tầm sâu tư tưởng” mà Ông nói ấy, tôi nghĩ chính là cái làm nên “mắt sáng” của nhà báo.
Mắt sáng, là nhãn quan chính trị, thái độ, tầm nhìn của nhà báo, để nhà báo có thể đảm đương được vai trò chức năng phản biện xã hội, dự báo xã hội và định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Mắt sáng để nhà báo là người “luôn nhìn thấy một cái gì đó về tất cả và nhìn thấy tất cả về một cái gì đó” (Lời một nhà nghiên cứu báo chí nổi tiếng ở Nga).
Lòng tronglà nói về đạo đức làm nghề, đạo đức nhà báo. Theo Ông, “Đối với nghề báo, tấm lòng người làm nghề là rất quan trọng. Nghề nào thì cũng phải có tấm lòng gửi trong tác phẩm, công trình… Tấm lòng, trước hết là sự trung thực và lòng nhân ái, phải có ngay trong lúc xử lí thông tin. Ủng hộ hoặc phê phán, nói phải hoặc nói trái – dù có vội vàng phải đáp ứng tính thời sự - thì cũng nên hiểu bao trùm lên tất cả là tấm lòng. Anh chê người ta nhưng có tấm lòng thẳng thắn, nhân hậu, thì người bị chê đọc bài của anh cũng thấm thía và tự răn mình, cho dù có bị xử phạt cũng không ân hận. Anh khen người ta mà có tấm lòng trung thực và nhân ái thì sẽ làm cho ngòi bút khỏi mắc chuyện bất công “nâng người này để dìm người khác”, hoặc khen ngợi đến tâng bốc, nịnh bợ”. Ông cho rằng, “Rèn cái tài đã khó, giữ cho cái tâm không gợn bẩn, luôn trong sáng, trung thực, thẳng thắn, theo tôi còn khó hơn. Nhất là trong cơ chế thị trường, đồng tiền và cái “danh hão” đang có sức cám dỗ rất lớn”.
Lòng trong cũng chính là “cái tâm không gợn bẩn”, không coi nghề báo là nơi làm giàu, không dùng tấm thẻ nhà báo như một công cụ để làm tiền thiên hạ. Nhà báo “chê người ta nhưng có tấm lòng thẳng thắn, nhân hậu”, thế là “lòng trong”, “tâm sáng”, chứ không phải như “Một số người làm báo tìm tiêu cực để tiêu cực”, không phải “phóng viên đếm tầng”, lại càng không phải dựng chuyện, cài bẫy để tống tiền nhân vật như vẫn thường thấy trên sóng truyền hình.
Nhà báo Hữu Thọ có cách tiếp cận rất riêng khi nói về tấm lòng, về đạo đức nhà báo, từ cách nhìn về “vị trí nghề của ta”. Ông viết: “Nghề báo là nghề thông tin, điều tra, bình luận, phản ánh sự việc, dư luận và tạo ra dư luận. Thực sự là một thứ quyền lực được hình thành tự nhiên. Báo chí tạo ra quyền lực dư luận, cho nên một số người làm báo dễ hiểu lầm là: chính mình là quyền lực, có quyền ban phát để đòi công, có quyền tung ra để trả oán. Và khi đã giữ quyền lực thì bao giờ cũng phải đề phòng bệnh lạm quyền, dễ sinh ra tự cao tự đại, vỗ ngực xưng hùng, có thể làm cho người ta e sợ, nhưng không làm cho người ta yêu thương và kính trọng”. Viết về đạo đức nhà báo, về cái tâm của nhà báo, về “lòng trong” của nhà báo, trên nền tảng nhận thức về quan hệ vị trí xã hội của nghề như thế, tôi nghĩ thật chí lý, chí tình.
Ông đau đáu với tình trạng có những nhà báo tâm không sáng, lòng không trong: “Có một số người trong đội ngũ của chúng ta đã mắc phải như thế, cho nên mới có câu “sợ báo hơn sợ hổ”, nghĩa là họ liệt một số người viết báo đó vào hàng thú dữ trong rừng xanh. Chẳng đáng buồn lắm sao khi phải nghe chuyện đó. Chúng ta là người nắm giữ dư luận thì cũng phải biết dư luận không hay đó, để mà tránh, mà giữ mình”.
Theo cách tiếp cận của Ông về vị trí của nghề báo, tôi nghĩ, nhà báo mà lòng vẩn đục, tâm không sáng thì khi có vị thế, có nghề giỏi, càng dễ trở thành mối họa khôn lường.
Bút sắc là Ông nói về tay nghề của nhà báo, là nghiệp vụ của nhà báo, là việc rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp của nhà báo. Ông nói chuyện với các nhà báo sắp vào nghề: “Làm nghề này thì thế tất là phải luyện ngòi bút, luyện cách cầm máy, cầm dụng cụ thu tiếng, thu hình để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc… Cách miêu tả, cách chọn cảnh, chọn thời gian bấm máy, phải đạt đến mức nào mới có thể nói lên rõ ràng, sâu sắc ý tưởng, tình cảm của người viết, người bấm máy. Cái câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” khuyên mọi người hết lòng luyện nghề. Phải làm nghề cho giỏi, vì có làm nghề giỏi mới có những tác phẩm báo chí sâu sắc, hấp dẫn để phụng sự lí tưởng có hiệu quả cao qua việc tác động vào hàng triệu khán giả, độc giả”.
Và, Ông có một đúc kết, khái quát đủ cả ba yêu cầu, ba tố chất “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”: “Đối với nghề này, không thể chỉ nói một chiều: Đã làm nghề thì chỉ có rèn nghề. Phải rèn luyện tư tưởng, tình cảm và nghề nghiệp”.
Chắc Ông muốn nói: Rèn luyện tư tưởng để mắt sáng, rèn luyện tình cảm để lòng trong, rèn luyện nghề nghiệp để bút sắc. Như thế “mới nên nghề” được.
***
Có một điều vừa vui lại vừa gợn đôi chút suy tư. Không ít lần tôi đọc được (nhiều nhất là dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 21 tháng 6 hằng năm), những bài viết của nhà báo, của lãnh đạo… có câu nói hoặc trích một, hai từ, hoặc biên tập lại hoặc do nhớ sai câu nói mang tính tính giáo khoa của nhà báo Hữu Thọ.
- Dùng cả câu, nhưng sửa từ, thay từ:
“Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”: “Lòng trong” với “tâm sáng” là một, đều là đạo đức nghề báo. Viết thế là vừa thừa, trùng lặp mà lại vừa thiếu một yêu cầu cơ bản nhất mà nhà báo Hữu Thọ đã đúc kết, đó là nhà báo phải có con mắt tinh đời – mắt sáng.
“Trí sáng, lòng trong, bút sắc”: “Trí sáng” có vẻ gần với “mắt sáng” hơn, cùng nói về trí tuệ, kiến thức của nhà báo. Nhưng rõ ràng, Mắt sáng là nói tầm nhìn, khả năng nhìn nhận, phân tích, đánh giá sự vật, thế giới khách quan, rõ hơn và chủ động hơn khi nói Trí sáng (sự thông minh vốn có…, mới chỉ là điều kiện, là tiềm năng để có Mắt sáng). Thậm chí có người còn viết “Bút sáng, lòng trong, bút sắc”?
- Chỉ trích dùng một vài từ trong nguyên bản: Làm báo phải có “lòng trong, bút sắc”, bỏ luôn yếu tố tri thức, nhận thức - “mắt sáng” dẫn đường, chỉ chú ý đạo đức và tay nghề. Hai phẩm chất đó chưa đủ với nghề báo.
- Nhầm lẫn là “lời dạy của Bác Hồ”: Trong một phim tài liệu truyền hình gần đây, khi trích dẫn câu nói của nhà báo Hữu Thọ để đánh giá về nhân vật - một nhà báo cao niên - BTV dõng dạc đọc “ông đã thực sự trở thành nhà báo xứng đáng với danh hiệu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời Bác Hồ đã từng dạy” (!).
Nếu sống lại, chắc Ông – nhà báo được mệnh danh là “Người hay cãi” nhưng mà “cãi hay”, chỉ mỉm cười độ lượng và cảm ơn: viết thế là lòng trong, chỉ có điều bút chưa sắc thôi!
Hà Nội, ngày 13/8/2021