6 rủi ro sức khỏe cần chú ý khi thời tiết ngày một nóng hơn
Thời tiết nắng nóng hơn đi kèm với nhiều nguy cơ sức khỏe, trong đó có những tình trạng có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tần suất và cường độ của nắng nóng cực độ và sóng nhiệt sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ 21 do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng lên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua nhiều cơ chế trực tiếp và gián tiếp ở đối tượng thuộc mọi lứa tuổi.
6 rủi ro sức khỏe cần chú ý
Theo CDC, các nhóm cần lưu ý bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nóng hơn bao gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Điều quan trọng là nhận ra các triệu chứng bất thường của sức khỏe và thăm khám kịp thời, giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng.
1. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu hay còn được gọi là đau đầu Migraine mô tả tình trạng đau nhức đầu một bên xảy ra một cách đột ngột và khó chịu. Nguyên nhân chính xác khiến tình trạng đau nửa đầu tăng lên vào mùa hè vẫn chưa được xác định nhưng các nhà khoa học giả thiết rằng, cơn đau nửa đầu mùa hè có thể liên quan tới:
- Cường độ ánh sáng mặt trời mạnh hơn làm giảm sắc tố melatonin và gây ra cơn đau nửa đầu: Những người bị chứng đau nửa đầu thường nhạy cảm với ánh sáng, tức là tăng nhạy cảm với ánh sáng. Đây có thể là kết quả của sự rối loạn chức năng trong phần não của con người, nơi chịu trách nhiệm giải phóng melatonin.

Đau nửa đầu hay còn được gọi là đau đầu Migraine mô tả tình trạng đau nhức đầu một bên xảy ra một cách đột ngột và khó chịu (Ảnh: ST)
- Biến động áp suất khí quyển, độ ẩm: Theo Healthline, một nghiên cứu quan sát năm 2023 trên 40.000 người tham gia cho thấy rằng, các loại hình thời tiết khác nhau, bao gồm cả độ ẩm cao hơn, nhiệt độ nắng nóng hơn có thể gây bùng phát và kéo dài cơn đau nửa đầu.
- Mất nước và natri: Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp làm tăng nguy cơ bị mất nước và gây ra các cơn đau nửa đầu vào mùa hè. Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess về các yếu tố môi trường ở hơn 7000 người bị chứng đau nửa đầu cho thấy nhiệt độ không khí cao hơn trong 24 giờ trước khi bệnh nhân đến bệnh viện có liên quan chặt chẽ nhất với các triệu chứng đau đầu, với nguy cơ đau đầu dữ dội cao hơn 7,5% với mỗi lần nhiệt độ tăng thêm 5 độ C.
Bệnh nhân bị đau nửa đầu thường kèm theo các biểu hiện như: Buồn nôn và nôn, cơn đau nhức đầu kéo dài từ 4 - 72 giờ, nhạy cảm với ánh sáng hay tiếng ồn và chóng mặt.
2. Đau tim
Còn gọi là nhồi máu cơ tim, là một biến cố tim mạch nghiêm trọng và nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không phát hiện sớm. Một nghiên cứu năm 2023 trên Circulation cho thấy, số ca tử vong do bệnh tim giai đoạn từ 2036 - 2065 có thể tăng vọt tới 162% do nhiệt độ cao gây ra.

Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch nghiêm trọng và nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không phát hiện sớm (Ảnh: ST)
Điều này được giải thích là do thời tiết nắng nóng khiến cơ thể phải tăng tiết mồ hôi để làm mát, cơ chế này khiến nhịp tim tăng nhanh gây tăng huyết áp - chính điều này khiến tim phải hoạt động liên tục và gia tăng gánh nặng dẫn tới đau tim hoặc các vấn đề về tim khác ở người có yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, bệnh động mạch vành,... Ngoài ra, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể làm tăng tình trạng mất nước, làm suy yếu quá trình lưu thông máu và làm máu đặc lại, khiến tim gặp khó khăn để bơm máu tới các cơ quan.
Các triệu chứng cảnh báo cơn đau tim phổ biến là đau hoặc tức ngực đột ngột, đau cánh tay hoặc đau lưng, đau cổ, mệt mỏi bất thường, cảm thấy mình sắp ngất đi hoặc buồn nôn/nôn mửa, vã mồ hôi hoặc cảm thấy lạnh và ngột ngạt, mệt xỉu hoặc khó thở, ho kèm theo thở khò khè, sưng phù chi dưới, tim đập nhanh hoặc đập không đều. Lúc này cần nhanh tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp để được giúp đỡ.
3. Đột quỵ
Một tình trạng sức khỏe liên quan tới nắng nóng nguy hiểm không kém với nhồi máu cơ tim chính là đột quỵ. Đột quỵ được chia làm 2 dạng, gồm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do huyết khối, đột quỵ do thuyên tắc) và đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu não).

Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn và giảm lưu lượng (Ảnh: ST)
Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn và giảm lưu lượng. Khi đó, não bị thiếu oxy và nguồn cung dinh dưỡng dẫn tới sự chết dần của các tế bào não chỉ trong vài phút.
Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng, một số điều kiện thời tiết bao gồm nhiệt độ cao, đang trở thành những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ cần được chú ý. Đặc biệt ở những người trên 65 tuổi, người đang mắc các bệnh như huyết áp cao, cholesterol cao, các rối loạn tim, bệnh tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm hay thừa cân, béo phì hoặc ở những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, người không uống đủ nước,...
Triệu chứng đột quỵ bao gồm: Yếu hoặc tê liệt một bên mặt, một bên tay và một bên chân; đột nhiên đi lại khó khăn hay khó giữ thăng bằng, phối hợp chi kém; nói lắp, khó khăn trong diễn đạt bằng ngôn ngữ; khó nuốt; suy giảm nhận thức; đau đầu dữ dội; suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ, nhìn đôi (song thị).
4. Say nắng
Còn gọi là sốc nhiệt, là tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ từ bên trong ở mức an toàn (mất cân bằng giữa sản sinh và giải phóng nhiệt) hay có thể hiểu là mất khả năng tự làm mát. Lúc này thân nhiệt tăng quá cao (thường tới 40 độ C) khi tiếp xúc với nhiệt độ cao từ môi trường trong thời gian dài. Có hai dạng sốc nhiệt gồm: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.

Say nắng là tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ từ bên trong ở mức an toàn (Ảnh: ST)
Nhiệt độ tăng cao làm tăng nguy cơ bị say nắng, trong đó kiệt sức do nhiệt không được can thiệp là bước đệm ban đầu dẫn tới tình trạng này. Kiệt sức do nhiệt là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể rằng cơ thể đang quá nóng.
Người bị sốc nhiệt thường có các biểu hiện như nhiệt độ cơ thể tăng cao tới 40 độ C hoặc hơn kèm theo đổ mồ hôi quá mức, da khô nóng và ửng đỏ, nhịp tim nhanh, nhịp thở nông, đau đầu và có những thay đổi trạng thái tinh thần và hành vi như lú lẫn, kích động, co giật, hôn mê.
5. Bệnh thận
Thận là cơ quan đảm nhận chức năng điều hòa chất lỏng, và khi nhiệt độ tăng lên quá cao có thể dẫn tới đổ mồ hôi quá mức cùng với nhiều tác nhân gây căng thẳng khác lên cơ thể - chính là yếu tố khiến bệnh thận phổ biến hơn vào mùa hè. Nhất là khi thận cần chất lỏng để hoạt động mà cơ thể là có xu hướng mất nước cao hơn khi thời tiết nắng nóng hơn và bạn lại không bù đủ lượng chất lỏng cần thiết để thận hoạt động bình thường.

Thận cần chất lỏng để hoạt động mà cơ thể là có xu hướng mất nước cao hơn khi thời tiết nắng nóng hơn (Ảnh: ST)
Theo thời gian, chức năng thận suy giảm dẫn tới bệnh tật là khó tránh khỏi. Thậm chí, một vài nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, nguy cơ mắc bệnh thận tăng lên khi uống đồ uống có đường trong khi tập thể dục hay vận động mạnh trong thời tiết nóng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ chất creatin trong máu cao hơn, cùng với tốc độ lọc cầu thận thấp hơn, đây là dấu hiệu cho thấy có tình trạng tổn thương thận ở nhóm người uống đồ uống có đường.
Khi chức năng thận suy giảm, bạn có thể gặp các triệu chứng sau: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể; khó ngủ; da khô và ngứa hơn; nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm; tiểu tiện có lẫn máu; tiểu nhiều bọt sủi lên như khi đánh trứng; sưng phù bàn chân và mắt cá chân; chán ăn, giảm khẩu vị; thường xuyên bị chuột rút cơ bắp do mất cân bằng điện giải.
6. Tăng huyết áp
Khi thời tiết nóng hơn, cơ thể mất nước nhiều hơn dễ dẫn tới máu trở nên cô đặc từ đó kích thích các cơn tăng huyết áp. Hơn nữa, nếu thường xuyên di chuyển giữa 2 môi trường có nhiệt độ chênh lệch nhau, chẳng hạn như từ phòng điều hòa ra bên ngoài, có thể tăng nguy cơ xảy ra co mạch và gây ra cơn tăng huyết áp.

Khi thời tiết nóng hơn, cơ thể mất nước nhiều hơn dễ dẫn tới máu trở nên cô đặc từ đó kích thích các cơn tăng huyết áp (Ảnh: ST)
Chính vì vậy mà nguy cơ gặp phải các biến cố nghiêm trọng như nhồi máu não, xuất huyết não ở người bị cao huyết áp cũng cao hơn vào mùa hè.
Cơn tăng huyết áp có thể có triệu chứng hoặc không. Khi tự kiểm tra huyết áp của mình có thể thấy chỉ số đo 180 mm Hg/120 mm Hg hoặc cao hơn. Nếu không có triệu chứng nào khác xuất hiện, Hội Tim Mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị chờ 5 phút và đo lại. Nếu chỉ số vẫn cao, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Đặc biệt, nếu người bệnh có các triệu chứng gồm: Đau đầu nghiêm trọng hoặc đau nửa đầu, chóng mặt, rối loạn nhận thức như mê man, lú lẫn, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau ngực, thay đổi thị lực, thở gấp, thở hụt hơi, chảy máu cam, co giật hoặc động kinh thì cần nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Biến chứng của cơn tăng huyết áp khẩn cấp có thể bao gồm suy tim cấp tính, đột quỵ, suy thận cấp, tổn thương võng mạc và hội chứng aortic dissection (phình tách động mạch chủ ủ) thậm chí là đe dọa tính mạng.
Cách để khỏe mạnh hơn khi thời tiết nắng nóng
Theo khuyến nghị của WHO, để đảm bảo sức khỏe khi thời tiết nắng nóng hơn, bạn cần chú ý:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, nhất là vào những thời điểm nhiệt độ tăng cao trong ngày là từ 11 giờ trưa tới 3 giờ chiều. Nếu hoạt động ngoài trời, cố gắng di chuyển vào nơi có bóng râm. Hãy nhớ rằng nhiệt độ cảm nhận được dưới ánh nắng mặt trời có thể cao hơn 10 - 15 độ C.
- Giữ nhà cửa mát mẻ bằng cách mở cửa sổ vào ban đêm để "hạ nhiệt" cho phòng ốc, ngược lại vào ban ngày khi nhiệt độ ngoài trời nắng nóng gay gắt thì cần đóng cửa sổ và kéo rèm để chặn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà.
- Giữ cơ thể mát mẻ và uống đủ nước mỗi ngày.
- Với những người có bệnh lý nền, cần thăm khám sức khỏe định kỳ, uống đúng và đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngay khi phát hiện có các triệu chứng sức khỏe bất thường thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn đối phó, tuyệt đối không chủ quan.
- Sử dụng thêm quạt và máy phun sương khi ở nhà. Lưu ý, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp dẫn tới sự chênh lệch lớn với nhiệt độ môi trường gây sốc nhiệt, thay vào đó bạn có thể bật điều hòa kèm theo quạt mát để tăng lưu thông không khí và cảm thấy mát mẻ hơn.