6 tiêu chuẩn cơ bản bạn cần biết khi chọn sàn gỗ công nghiệp
Hãy cân nhắc những tiêu chuẩn liên quan đến độ an toàn, độ bền, thẩm mỹ trước khi quyết định mua sàn gỗ cho ngôi nhà của bạn.
Sàn gỗ là chi tiết quan trọng và đắt giá trong ngôi nhà. Hiện nay, nhiều người ưu tiên sử dụng sàn gỗ công nghiệp vì giá hợp lý, nhiều loại, nhiều màu sắc. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, khi lựa chọn sàn gỗ công nghiệp, bạn cần chọn lựa kỹ lưỡng và đặt yếu tố bền, an toàn với sức khỏe lên trên hết.
Theo kiến trúc sư Bùi Mến - người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn thiết kế và thi công nội thất, trước khi quyết định lựa chọn sàn gỗ, bạn hãy cân nhắc các tiêu chuẩn sau đây để chắc chắn loại sàn gỗ đó phù hợp với không gian sống của bạn.
Tiêu chuẩn mài mòn AC (abrasion criteria)
AC - abrasion criteria là thông số đo lường và thể hiện khả năng chống mài mòn ở bề mặt sàn gỗ công nghiệp. Ở ván gỗ lát sàn, lớp bảo vệ trên cùng được thiết kế dạng trong suốt từ sợi thủy tinh và oxit nhôm có chức năng chống ma sát, chống xước cho vật liệu.
AC được quy định bằng các bậc AC từ 1 đến 6. Chỉ số AC càng lớn, khả năng chịu mài mòn càng cao.
Thông thường với nhà ở dân dụng, lời khuyên hãy sử dụng sàn gỗ có chỉ số AC3 trở lên. Những công trình công cộng cần ưu tiên sử dụng loại sàn AC5 để đảm bảo chịu được các tác động ma sát từ kim loại, giày dép nhọn.
Tiêu chuẩn chống cháy B (burn resistant)
Tiêu chuẩn chống cháy là yếu tố vô cùng quan trọng, hãy lưu ý khi lựa chọn sàn gỗ. Bởi, gỗ là vật liệu dễ bắt lửa và nếu rủi ro, có thể gây ra hậu quả lớn. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các công trình công cộng, thương mại, phục vụ lượng lớn người tiêu dùng.
Các loại sàn ván gỗ đáp ứng tiêu chuẩn B1 là những sản phẩm có khả năng chống cháy lan tối thiểu, khó bén lửa và không bùng cháy hoặc tạo nguồn lửa khi tiếp xúc với nguồn cháy. Từ tiêu chuẩn B2 trở lên là các vật liệu kém an toàn, dễ cháy, bạn không nên sử dụng.
Tỷ trọng sàn gỗ HDF (High Density Fiberboard)
HDF là chỉ số đánh giá độ bền của sàn gỗ. Đây là một thông số thể hiện độ đặc của ván gỗ công nghiệp lát sàn.
Các loại sàn có độ đặc, trọng lượng bột gỗ nén ép càng cao thì độ cứng và độ bền càng tăng. Ở những dòng sàn gỗ cao cấp, thông thường tỷ trọng thường đạt trên 850kg/m3.
Tiêu chuẩn khí thải E (formaldehyde)
Một trong những tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng là tiêu chuẩn khí thải. Trong gỗ công nghiệp có sử dụng thành phần keo dính để liên kết bột gỗ, trong keo dính có chứa khí Formaldehyde. Đây là một loại khí độc hại cho sức khỏe nếu tiếp xúc với liều lượng lớn.
Tiêu chuẩn E ra đời để kiểm soát nồng độ khí thải Formaldehyde trong gỗ công nghiệp. Trong đó, những loại ván gỗ đạt chuẩn E1 với nồng độ 0.03ppm hoặc E0 với nồng độ gần như bằng 0 sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Tiêu chuẩn chống nước AQUA
Khả năng chống nước của sàn gỗ là một trong những tiêu chuẩn được nhiều người quan tâm khi lựa chọn mua sàn gỗ. AQUA là tiêu chuẩn đánh giá khả năng chịu nước ở ván sàn gỗ. Thước đo AQUA có thể được tính bằng đơn vị đo lường thời gian, ví dụ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ.
Tiêu chuẩn công nghệ bề mặt (surface technology)
Tiêu chuẩn công nghệ bề mặt là một trong những tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố thẩm mỹ của sàn gỗ.
Hiện nay, sàn gỗ có bề mặt nhám sần được đánh giá có tính thẩm mỹ cao. Công nghệ này sẽ tạo hình, sắp xếp các lớp sao cho trùng khớp với lớp vân gỗ tạo hiệu ứng mô phỏng chân thực gỗ tự nhiên.
Với mỗi loại sàn gỗ công nghiệp, các thông số kỹ thuật đều được công bố rõ ràng. Bạn hãy yêu cầu người bán tư vấn chi tiết từng thông số và cân nhắc lựa chọn sàn gỗ phù hợp với không gian sống của mình.