6 vị Tổng thống châu Phi sẽ tới Moskva và Kiev mở đường cho đàm phán hòa bình
Sáu vị nguyên thủ quốc gia từ châu Phi sẽ đi lại giữa hai thủ đô của Nga và Ukraine để tham gia hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình, ít nhất là đạt được một lệnh ngừng bắn.
Sáu vị nguyên thủ quốc gia từ châu Phi sẽ đi lại giữa hai thủ đô của Nga và Ukraine để tham gia hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình, ít nhất là đạt được một lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky đến dự một hội nghị tại Điện Elysee ở Paris vào ngày 9/12/2019. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Nam Phi ngày 17/5 thông báo rằng sáu vị tổng thống của châu Phi dự kiếnsẽ sớm công du tới cả Moskva và Kiev với hy vọng tìm điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Thông tin chi tiết về nỗ lực này vẫn đang được hoàn thiện nhưng các chuyến đi của họ có thể diễn ra vào đầu tháng 6 - hãng Bloomberg đưa tin.
“Sáu nguyên thủ quốc gia sẽ đi lại giữa hai thủ đô (của Nga và Ukraine) để tham gia hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình, ít nhất là đạt được một lệnh ngừng bắn", Tổng Giám đốc Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Zane Dangor cho biết.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các nhà lập pháp vào ngày 17/5, ông Dangor tuyên bố rằng sáng kiến này đã được chia sẻ với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Guterres và nhận được sự ủng hộ từ ông.
“Chúng tôi cũng đã chia sẻ với những bên tham gia khác, bao gồm cả Mỹ. Tổng thống Ramaphosa đã công bố rằng có sự hỗ trợ chung cho sáng kiến này", ông Dangor nói.
Vị quan chức Nam Phi cũng lưu ý rằng Ngoại trưởng nước này Naledi Pandor sẽ gặp người đồng cấp Ukraine ở Bồ Đào Nha trong những ngày tới để thảo luận về sáng kiến châu Phi cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuyên bố của ông Dangor được đưa ra sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 16/5 tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo Ai Cập, Uganda, Zambia, Senegal và Cộng hòa Congo đã bày tỏ sẵn sàng tham gia sáng kiến hòa bình, và rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã đồng ý với sứ mạng của các vị nguyên thủ từ châu Phi.
Trong cuộc họp báo ngày 16/5, Tổng thống Ramaphosa tiết lộ: “Các cuộc thảo luận của tôi với hai nhà lãnh đạo đã chứng tỏ rằng cả hai đều sẵn sàng tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Phi và thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột này".
“Điều đó có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào cách các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức", ông nói thêm.
Nam Phi – một thành viên của nhóm BRICS cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – nằm trong số các quốc gia đã từ chối tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm trừng phạt Moskva về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Tổng thống Ramaphosa đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đất nước của ông có truyền thống không liên kết và khẳng định rằng Nam Phi “đã và sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Moskva sẵn sàng xem xét các đề xuất của các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các quốc gia phương Tây dường như không cởi mở như vậy và dường như chỉ thừa nhận "kế hoạch hòa bình" gồm 10 bước của Tổng thống Zelensky, liên quan đến "sự đầu hàng của Nga", một tòa án chống lại các nhà lãnh đạo Nga, và vấn đề bồi thường thiệt hại cho Ukraine
“Phương Tây tuyên bố rằng đây là kế hoạch duy nhất hiện đang được thảo luận và được họ ủng hộ”, ông Lavrov phỏng đoán, đồng thời lưu ý rằng ông Zelensky đã nhiều lần từ chối tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moskva và đã chính thức loại bỏ các cuộc đàm phàn với Nga chừng nào Tổng thống Putin còn tại vị.
Chính phủ Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm rộng lớn hơn do Mỹ và các đồng minh tiến hành chống lại Nga. Moskva đã cáo buộc Washington và London làm hỏng các cuộc đàm phán hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian với Kiev, diễn ra trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột.