60% dân số thiếu ăn, Afghanistan đối diện nạn đói nghiêm trọng
Số người sống trong điều kiện gần như nạn đói ở Afghanistan đã tăng lên 8,7 triệu người, cao hơn 3 triệu so với đầu năm nay. Khoảng 60% dân số Afghanistan đang chịu cảnh thiếu ăn, trong đó có nhiều trẻ em, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gọi đây là một thảm họa.
Tại bệnh viện nhi đồng ở Kabul, cô bé Guldana 2,5 tuổi đang ngồi trên giường, nhưng mệt lả tới mức không thể mở mắt ra được. Cơ thể bé nhỏ của em cuộn trong chiếc chăn, chỉ để hở khuôn mặt hốc hác, tiều tụy.
Guldana là một trong những em nhỏ suýt chết đói được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi ở thủ đô Kabul mỗi ngày. Tình trạng thiếu ăn đang ngày càng gia tăng ở Afghanistan, do khủng hoảng kinh tế trầm trọng kể từ khi Taliban kiểm soát quyền lực cách đây gần 3 tháng.
Cha của Guldana, Jinnat Gul, cho biết ông không có đủ tiền lo cái ăn hàng ngày cho cô bé và 5 anh chị em khác. Công việc thường lệ của Jinnat Gul là đi hết nhà này đến nhà khác, gom nhặt những món đồ bỏ đi và bán lấy tiền. Nhưng 3 tháng qua, mọi thứ đã cạn kiệt và ông gần như không thể kiếm được chút thu nhập nào.
“Trước đây, công việc này mang lại cho tôi chút thu nhập đủ để mua đồ ăn thức uống cho chúng. Chúng tôi được ăn thịt 1-2 lần mỗi tuần”, ông nói. Hiện giờ, gia đình ông chủ yếu ăn khoai tây luộc. Thỉnh thoảng, ông kiếm được ít bánh mỳ ngâm trà xanh cho các con, “chỉ để cho chúng thứ gì đó khiến chúng thôi khóc lóc”.
“Đó là một thảm họa”
Chương trình Lương thực Thế giới ngày 8/11 cho biết, số người bên bờ vực nạn đói đã tăng lên 45 triệu người ở 43 quốc gia. Con số này đầu năm nay là 42 triệu.
Afghanistan là nước “đóng góp” nhiều nhất vào sự gia tăng này. Số người sống trong các điều kiện gần như nạn đói ở Afghanistan đã tăng lên 8,7 triệu người, thêm gần 3 triệu người so với đầu năm nay.
Theo WFP, gần 24 triệu người ở Afghanistan, tương đương 60% dân số, đang chịu cảnh thiếu ăn. Ước tính đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
“Đó là một cuộc khủng hoảng, một thảm họa”, Giám đốc điều hành WFP David Beasley nói trong chuyến thăm tới Afghanistan cuối tuần vừa qua. WFP cũng đang khẩn trương cung cấp lương thực cho người dân tại đây trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt đang tới. Tuy nhiên, để thực hiện nỗ lực này, WFP cần 220 triệu USD/tháng trong năm 2022.
Hạn hán nghiêm trọng trong năm nay tại Afghanistan là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng. Bên cạnh đó nhiều người cũng không có đủ tiền để mua thức ăn.
Tình hình trở nên tồi tệ sau khi Taliban kiểm soát quyền lực ngày 15/8. Chính phủ Taliban sa lầy vào một cuộc khủng hoàng tài chính, khan hiếm tiền mặt. Mỹ và các nước phương Tây khác đã cắt hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Afghanistan, nguồn tiền chiếm phần lớn ngân sách nước này. Giới chức Taliban cũng không thể tiếp cận nguồn dự trữ quốc gia hàng tỷ USD ở nước ngoài. Kết quả là hàng triệu người Afghanistan vẫn chưa được trả lương suốt nhiều tháng qua.
Hàng trăm cơ sở y tế địa phương trên khắp cả nước đã thu nhỏ quy mô hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn do thiếu nguồn tài trợ quốc tế. Điều đó có nghĩa là các gia đình có con bị suy dinh dưỡng phải đi xa hơn để tìm được nơi điều trị, thậm chí không tìm được cơ sở nào.
Bệnh viện Nhi đồng Indira Gandhi đã phải mở rộng không gian dành cho các trường hợp suy dinh dưỡng từ 1 lên 3 phòng, bác sỹ Salahuddin Salah làm việc tại bệnh viện này cho biết. Ít nhất 25 trẻ em được đưa tới bệnh viện trong 2 tháng qua đã tử vong. Hầu hết nhân viên tại bệnh viện, từ các bác sỹ, y tá tới nhân viên vệ sinh, đã không nhận được tiền lương trong 3 tháng qua.
Ngày 8/11, có 18 trẻ em trong khu điều trị suy dinh dưỡng. Khu điều trị tiếp nhận khoảng 30 trường hợp mới trong một tuần, theo ông Zia Mohammed, trợ lý giám đốc phụ trách điều dưỡng.
“Kể từ 2-3 tháng trước, các bệnh nhân suy dinh dưỡng đã gia tăng mỗi ngày”, ông cho biết.
Trên một giường bệnh, cậu bé 4 tháng tuổi có tên Mohammed trông rất tiều tụy, teo tóp, da bọc xương. Cậu bé gầy đến nỗi những đường gân nổi trên trán như tấm bản đồ với các đường nhỏ màu xanh lam.
Mohammed bị sinh thiếu 1 tháng và mẹ của bé đã qua đời vì khó sinh. “Cô ấy chết vì mất nhiều máu, do chúng tôi không có tiền đưa cô ấy đi bệnh viện”, Rahila, mẹ kế của Mohammed cho biết.
Cha cậu bé làm việc trong quân đội của chính phủ đã sụp đổ và do đó ông không có thu nhập kể từ khi Taliban tiếp quản.
Jinnat Gul, cha của Guldana, đưa con gái từ quê nhà ở Shahr-e Now, tỉnh Baghlan tới Kabul cách đây 1 tuần, sau khi bệnh viện địa phương thông báo họ không có đủ nguồn lực để điều trị cho cô bé.
Ông nói rằng, Guldana không phải là đứa trẻ duy nhất ở các vùng quê xa xôi bị suy dinh dưỡng và phải lặn lội tới thủ đô Kabul để điều trị.
“Ở làng tôi, có rất nhiều đứa trẻ ốm yếu, nhưng không có bác sỹ nào để chẩn đoán có phải bọn trẻ bị suy dinh dưỡng hay không”, ông nói./.