60 năm Hải quân chiến thắng trận đầu: Biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất Việt Nam

Cách đây tròn 60 năm, chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 là chiến công tiêu biểu đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam và cũng là Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chiến thắng ấy là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; là sự khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn quân, toàn dân ta nói chung.

Từ sự ngang nhiên xâm phạm vùng biển nước ta của tàu khu trục Maddox

Sau những thất bại liên tiếp của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề nghị Tổng thống nên có “một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam”.

Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng một kịch bản chi tiết cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Để thực thi kịch bản này, cuối tháng 7/1964, tàu biệt kích ngụy bắn phá Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An), đồng thời Mỹ đưa tàu khu trục Maddox tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ để khiêu khích, quấy phá nước ta.

 Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.

Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.

Cụ thể, vào đêm 31/7/1964, tàu Maddox, con tàu khu trục đa năng mang số hiệu 731 với 350 sĩ quan và binh lính, thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ ngang nhiên đi dọc bờ biển từ tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đến Thanh Hóa để trinh sát, khiêu khích và uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển 8 hải lý.

Tàu khu trục Maddox có tốc độ 38 hải lý, trang bị rất mạnh với 6 đại bác 127mm, 12 pháo 40mm, 5 giàn ngư lôi, bom chìm, bom phóng và sự yểm trợ của không quân.

Bộ Tham mưu Hải quân lập tức báo cáo Bộ Tổng Tư lệnh để xin chỉ thị. Maddox càng dịch dần về phía vịnh Bắc Bộ càng nghênh ngang. Khi đi qua các khu vực đèo Ngang, hòn Mát, hòn Mê, lạch Trường, khu trục hạm này mở hết công suất radar để do thám lực lượng của ta.

Quyết trừng trị hành động xâm phạm của tàu khu trục Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân được lệnh dùng lực lượng tàu phóng lôi của Đoàn 135 đánh Maddox nếu chiếc tàu này tiếp tục xâm phạm vùng biển của ta. Từ khu tuần phòng Thanh Hóa, 2 tàu tuần tiễu 142 và 146 cũng nhận lệnh chi viện cho các tàu phóng lôi.

Sáng 1/8/1964, tàu Maddox bắn vào hòn Mê gần Đèo Ngang (ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). Ngày 2/8/1964, phân đội gồm 3 tàu phóng lôi mang số hiệu 333, 336 và 339 do phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột chỉ huy rời căn cứ từ đêm 31/7 để tiếp cận Maddox. 12 giờ 30 phút ngày 2/8/1964, phân đội đến được Hòn Mê và ít phút sau, Sở chỉ huy tiền phương lệnh đánh đuổi tàu Mỹ Maddox ra khỏi hải phận nước ta. Tàu Maddox bị trúng đạn bốc cháy khoang mũi, buộc phải rút chạy ra vùng biển quốc tế.

Sự kiện này được dư luận nhiều nước, có cả dư luận Mỹ thừa nhận và kịch liệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn đó của Mỹ. Tuy nhiên, ba ngày sau khi Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển Việt Nam, Hải quân Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ để chính quyền nước này có cái cớ thuyết phục quốc hội ra nghị quyết cho phép tiến hành tấn công miền Bắc.

Ngày 5/8/1964, nhận lệnh của Tổng thống Lyndon B. Johnson, hải quân và không quân Mỹ đồng loạt tấn công miền Bắc, mục tiêu chủ yếu là các căn cứ hải quân nằm ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Đặc biệt, Mỹ triển khai biên đội tàu sân bay USS Ticonderoga, USS Constellation cùng 4 tàu khu trục. Trong đó, USS Constellation thuộc lớp Kitty Hawk có độ choán nước toàn tải hơn 80.000 tấn, được xem là một trong những loại tàu sân bay hiện đại nhất nhì thế giới lúc đó. Trên 2 tàu sân bay có 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A3D2, F8U, F4H”. Cuộc tiến công xâm lược ngày 5/8/1964 được Mỹ đặt tên là “hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên).

 Tàu chiến đấu Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường - Thanh Hóa, ngày 5/8/1964. Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân/TTXVN phát

Tàu chiến đấu Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường - Thanh Hóa, ngày 5/8/1964. Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân/TTXVN phát

Nhờ đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao độ, quân và dân miền Bắc, với nòng cốt là lực lượng Phòng không - Không quân và Hải quân đã anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống và tiêu diệt nhiều phi công Mỹ, giáng cho Mỹ một đòn thất bại nặng nề.

Trong trận chiến đấu này, Hải quân và quân dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên- Trung úy E.Alvarez, lái máy bay A4D, bị bắn rơi lúc 14 giờ 43 phút ngày 5/8/1964 tại vụng Hòn Mối - vịnh Hạ Long.

Mục tiêu chiến dịch đề ra là gây sức ép, đe dọa, lung lạc tinh thần nhân dân và quân đội ta không đạt được. Trên trường quốc tế, hành động của Mỹ đã tạo nên một làn sóng ủng hộ Việt Nam, chống Mỹ xâm lược trên thế giới và cả trong lòng nước Mỹ.

Chiến thắng của sức mạnh chính trị-tinh thần của toàn dân tộc

 Những chiến sĩ Hải quân chiến thắng trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2-8-1964 được tặng Bằng khen của Quân chủng Hải quân. Ảnh: TTXVN

Những chiến sĩ Hải quân chiến thắng trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2-8-1964 được tặng Bằng khen của Quân chủng Hải quân. Ảnh: TTXVN

Tối 7/8/1964, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự Lễ tuyên dương công trạng các đơn vị phòng không và hải quân lập chiến công trong chiến đấu chống cuộc tiến công bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ngày 2 và 5/8/1964.

Trong lễ tuyên dương, Bác khen ngợi: “Các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt.”

Sự kiện đánh đuổi tàu khu trục Maddox và chiến công đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt; đặc biệt tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc nước ta. Sự kiện còn là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường, bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đây còn là chiến thắng khởi đầu cho những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng là khởi đầu trang sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam với những chiến công vang dội sau này đã đi vào lịch sử dân tộc.

Tới hôm nay, chiến thắng trận đầu vẫn để lại nhiều bài học vô cùng quý giá. Đó là tinh thần chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước..

Nguyễn Hà (TH)

Trong trận chiến đấu ngày ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng ngã xuống và bị thương; trong đó có 78 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh. "Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc là chiến thắng của tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh quên mình của đồng bào, đồng chí. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn ghi nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã tham gia chiến đấu làm nên chiến công lịch sử này"- Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc (ngày 2 và 5-8-1964/ngày 2 và 5-8-2024).

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/60-nam-hai-quan-chien-thang-tran-dau-bieu-tuong-cua-y-chi-kien-cuong-bat-khuat-viet-nam-post306192.html