60 năm làm nhà ở xã hội, Singapore điều chỉnh thế nào để 'bắt trend' khách hàng trẻ
Phòng khách lớn hơn và số phòng ngủ ít đi là một trong những xu hướng mà giới trẻ Singapore muốn có trong căn hộ nhà ở xã hội, điều này phản ánh sự thay đổi trong xu hướng nhân khẩu học và kinh tế tại quốc đảo sư tử.
Trong 6 thập kỷ phát triển, hệ thống nhà ở xã hội của Singapore đã cung cấp nhà ở tiêu chuẩn, giá cả phải chăng cho hàng triệu người dân. Nhưng trước xu hướng xã hội thay đổi và mức sống ngày càng cao, quốc đảo sư tử hiện cho phép người mua nhà linh hoạt hơn trong thiết kế.
Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, sẽ thí điểm thiết kế mới vào tháng 10 tới, với 310 căn hộ 3 và 4 phòng ngủ ở quận Kallang-Whamoa, trung tâm Singapore. Các căn hộ thiết kế mới sẽ có không gian phòng khách và phòng ngủ liền kề, với các cột kết cấu được xoay và giấu vào các cạnh. Đặc biệt, bên trong các căn hộ mới cũng sẽ không có vách ngăn.
Các căn hộ kiểu mới được gọi là "căn hộ trắng" (White Flat), bắt nguồn từ thuật ngữ "vùng trắng" - một diện tích đất được phép sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. HDB truyền thống, tên gọi thường dùng của các căn hộ nhà ở xã hội ở Singapore, có từ 1 đến 4 phòng ngủ và có diện tích lên tới 115 m2. Nhiều căn hộ HDB truyền thống có một phòng chứa đồ và trong các căn hộ được xây dựng từ năm 1996, phòng chứa đồ đó còn có chức năng như một hầm tránh bom được gia cố bằng những bức tường bê tông và một cánh cửa thép lớn.
Nhờ thành công của chương trình nhà ở xã hội HDB, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới, gần 90%. Hiện hơn 80% người dân sống trong nhà ở xã hội. Giờ đây, khi người Singapore ngày càng giàu hơn, ngày càng có nhiều người muốn tự do tùy chỉnh không gian sống của mình, trong khi các xu hướng mới như làm việc tại nhà và thu hẹp quy mô gia đình đã phát sinh nhu cầu về phòng khách lớn hơn và ít phòng ngủ hơn.
Bà Yong Sy Lyng, người sáng lập công ty thiết kế OWMF Architecture, cho biết: "HDB, là nhà ở xã hội, ban đầu chỉ là những căn hộ khuôn mẫu và người mua chỉ cần ở một nơi cơ bản". "Ngày nay không còn như vậy nữa, người mua muốn tùy chỉnh căn hộ của mình một cách tốt nhất".
Bà Lyng cho biết, những căn hộ "White Flats" sẽ giúp chủ nhà tránh được các chi phí tài chính và môi trường khi phá bỏ những bức tường nhiều khi vẫn còn mới, mặc dù khoảng 80% khách hàng của OWMF Architecture đã muốn phá bỏ chúng, trong đó có một số người đã phá bỏ các bức tường phòng ngủ để làm phòng tập khiêu vũ. Tuy nhiên, đối với một số căn hộ đúc sẵn (nhà tiền chế), chủ sở hữu không được phép phá bỏ các bức tường do lo ngại về quy định và an toàn.
Cục Nhà ở và Phát triển Singapore cho biết sau khi thí điểm hoàn tất, họ sẽ xem xét kế hoạch cung cấp các căn hộ "White Flat" ở các nơi khác, tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của khách hàng. Thực tế là các căn hộ không có vách ngăn bên trong cũng sẽ được tính vào giá cả, giá này vẫn đang được chốt.
Việc triển khai căn hộ theo thiết kế "White Flat" đã bổ sung thêm một phân khúc khác vào thị trường nhà ở xã hội ở Singapore, nơi ngày càng có nhiều "thị trường ngách". Từ nửa cuối năm nay, chính quyền Singapore đã triển khai một hệ thống phân loại mới cho các căn hộ mới, dựa trên các đặc điểm vị trí. Việc phân loại ảnh hưởng đến số tiền trợ cấp được cấp, hạn chế cho thuê và điều kiện đủ để bán lại căn hộ.
Bà Kwan Ok Lee, phó trưởng khoa Bất động sản của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Nếu xem cách HDB cung cấp nhà ở giá rẻ cho người Singapore trong quá khứ, thì đó là họ đã tiêu chuẩn hóa mọi thứ". "Nhưng bây giờ, họ phải đa dạng hóa các lựa chọn, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm chi phí".
Nhà ở xã hội Singapore ban đầu là những căn hộ hình chữ nhật, hướng ra hành lang vào những năm 1960 và đến nay đã trải qua một số thay đổi. Kể từ những năm 2000, cửa sổ đã được thiết kế lại để nhìn ra bên ngoài và các căn hộ ở một số quận được thiết kế hướng ra biển. Năm 2013, bếp mở đã được đưa vào thiết kế căn hộ. Đến năm 2020, những người lớn tuổi mua nhà ở một số căn hộ có thể chọn lắp thêm cửa gấp, tạo không gian cho người chăm sóc.
Bà Lee cho biết, bất chấp khả năng chi phí cao hơn và tốn nhân công đi kèm với việc thiết lập các bố cục mới, các thiết kế có khả năng linh hoạt hơn sẽ mang lại kết quả chính sách tích cực về lâu dài. Chẳng hạn, các chủ sở hữu có thể dễ dàng chuyển căn hộ "White Flat" thành các phỏng nhỏ hơn nếu thay đổi về nhân khẩu học, đồng nghĩa với việc nhiều người chọn không gian sống một mình hơn hoặc nếu các đại dịch trong tương lai lại làm thay đổi phương thức làm việc.
"Cung cấp nhiều lựa chọn đa dạng hơn sẽ là hướng đi trong tương lai", bà Lee nói, đồng thời cho rằng: "Điều đó đồng nghĩa là HDB phải tiếp tục xem xét nhu cầu nhà ở thay đổi như thế nào và đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng".