60 năm Thông tấn xã giải phóng: 'GP10' cho trận đánh cuối cùng, là tấm gương sáng
Trong số 149 phóng viên GP10, có 123 phóng viên nam, 26 phóng viên nữ; ngoài ra còn có các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh chính thức lên đường tham gia các mặt trận từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau.
Mùa Thu lại về gợi nhớ sự ra đời của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được đánh dấu bằng việc phát tin đầu tiên vào ngày 15/9/1945 bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử 2/9/1945.
Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển, TTXVN đã đào tạo nhiều lớp phóng viên. Nhưng khi nói tới “GP10” (Giải phóng – khóa phóng viên thứ 10 của TTXVN), nhiều người nhận diện được ngay là lớp phóng viên chiến trường, một trong những "thế hệ vàng", đã trở thành một danh hiệu, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) và TTXVN.
Mùa Thu năm 1972, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ, TTXVN đã tuyển chọn những sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng của miền Bắc gồm một số khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ đã được tuyển chọn về TTXVN học thêm nghiệp vụ phóng viên để đi chiến trường, gọi là GP10.
Biết là gian khổ hy sinh, nhưng anh chị em phóng viên GP10 là thế hệ thanh niên Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… đều với tinh thần tự nguyện, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần. Đây là lớp phóng viên chiến trường của TTXVN với quy mô lớn nhất, chất lượng, chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất - trận đánh cuối cùng - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong số 149 phóng viên GP10, có 123 phóng viên nam, 26 phóng viên nữ; ngoài ra còn có các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh chính thức lên đường tham gia các mặt trận từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Ngày 16/3/1973, đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên của các phóng viên GP10- Một vinh dự không phải ai cũng có được. Đó là ngày lớp phóng viên GP10 rời miền Bắc thân yêu với cây bút, quyển sổ và máy ảnh trên tay lên đường ra mặt trận, đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.
Nhớ lại những ngày làm việc tại TTXGP, chúng tôi vừa phải làm rẫy vừa làm phóng viên biên tập tin, ảnh, không ít người bị sốt rét rừng run bần bật, nhiều lúc không được cung cấp gạo, thực phẩm kịp thời phải ăn đậu xanh cả tuần, bụng đói cồn cào. Rồi những tháng ngày gian lao, phóng viên GP 10 lăn lộn tại các chiến trường ở địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ đói cơm, nhạt muối, khốc liệt, miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”, sốt rét triền miên, Đồng bằng sông Cửu Long- Rừng U Minh cực nam của Tổ quốc quanh năm sống cùng cây đước, cây tràm trong vùng ngập nước, và đặc biệt là tham gia năm mũi tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phóng viên GP10 đã có mặt kịp thời phản ánh những tin tức, hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân, dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” làm náo nức lòng người, cùng cả nước một thời hào hùng, một thời đi vào lịch sử của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trưa 30/4/1975.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, đã có những phóng viên GP10 ngã xuống, một số là thương binh đã để lại một phần máu xương tại chiến trường miền Nam. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới hai Liệt sỹ lớp GP10 đã hy sinh trên đường hành quân tại ngã 3 Đông Dương thuộc tỉnh Attapeu của nước bạn Lào lúc 10 giờ 10 phút ngày 2/4/1973, bỏ lại phía sau hoài bão lớn.
Đó là các Liệt sỹ: Trần Viết Thuyên quê Hà Tĩnh; Phạm Thị Kim Oanh quê Thái Nguyên. Lớp phóng viên GP10 đều day dứt, đau đáu khi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt hai liệt sỹ Trần Viết Thuyên, Phạm Thị Kim Oanh mặc dù có chụp được ảnh kỷ niệm lưu lai phần mộ tại tỉnh Attapeu của nước bạn Lào và cũng đã cử người cùng với Đội K53 Kon Tum lần theo dấu vết cũ đi tìm nhưng chưa có kết quả.
Xin thắp một nén hương tưởng nhớ hai Nhà báo - Liệt sỹ Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh cùng hơn 260 Nhà báo - Liệt sỹ của TTXVN đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải đất nước, chiếm 2/3 Nhà báo Liệt sỹ của cả nước.
Sự hy sinh, mất mát thật lớn lao. Trong số 149 thành viên của lớp GP10, đến nay đều đã nghỉ hưu, ở độ tuổi U70 và U80, tính đến hết tháng 8/2020 đã 24 người qua đời, trong đó có 2 liệt sĩ, 22 người bị các bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc da cam khi làm phóng viên chiến trường, chủ yếu là bị ung thư.
Nhiều anh chị em bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, bị di chứng sốt rét ác tính trong chiến khu, bưng biền trước đây vẫn bám đuổi dai dẳng, tái phát hành hạ, đang phải chống chọi với những bệnh tật quái ác, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều phóng viên GP10 khi chiến tranh đã lùi xa.
Được tôi rèn trong những năm gian lao kháng chiến cứu nước, nhất là những năm công tác tại TTXGP là phóng viên chiến trường, anh chị em phóng viên lớp GP10 gắn liền với lịch sử hào hùng của TTXVN và đất nước, không ngừng trưởng thành và ngày càng phát huy tác dụng. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, dù ở vị trí công tác nào, anh chị em phóng viên lớp GP10 đều cần mẫn, năng nổ, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng trở thành những phóng viên, biên tập viên, cây viết chủ lực tại các Ban biên tập, các tòa soạn, ấn phẩm của TTXVN.
Trong bài viết “Phóng viên GP10 là tấm gương sáng” trong cuốn sách “GP10: Bốn mươi năm - Một danh hiệu”, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đánh giá: “Sự đóng góp của phóng viên lớp GP10 đối với sự nghiệp vẻ vang của TTXVN rất có ý nghĩa. Các anh chị lớp GP10 là một trong những lớp phóng viên ‘liền anh, liền chị’ đã nêu một tấm gương sáng không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần cho sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà thế hệ trẻ hôm nay và kế tiếp luôn luôn biết trân trọng, phát huy để không bị ‘tụt hậu’, tiếp tục vươn lên, đưa sự nghiệp TTXVN không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trang sử hào hùng vẻ vang của TTXVN mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp cao quý của phóng viên lớp GP10 và các thế hệ phóng viên, biên tập viên, cán bộ công nhân viên lớp trước”./.
Vũ Xuân Bân, cựu phóng viên, biên tập viên TTXGP, nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước - TTXVN