62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% BHYT
Trong danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế (BHYT) khi vượt tuyến lên cấp chuyên sâu, nhiều nhất là ung thư, rối loạn chuyển hóa.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Trong đó, có danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT (theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 22 của Luật BHYT) khi đi khám chữa bệnh (KCB) tại cấp chuyên sâu.
Theo Bộ Y tế, người tham gia BHYT thuộc trường hợp quy định trong danh mục này không phải thực hiện quy định về chuyển cơ sở KCB. Trong danh sách, nhiều nhất là các bệnh lý về u ác tính, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh...
Cụ thể, các bệnh: viêm màng não do lao (G01*); u lao màng não (G07*); lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh, không xác định (G99.8*); nhiễm mycobacteria ở phổi; nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính, nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi; nhiễm sporotrichum ở phổi (J99.8*); nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn; nhiễm cryptococcus ở phổi; nhiễm mucor ở phổi; nhiễm mucor lan tỏa… được hưởng quyền lợi ngay trong lượt KCB có kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh.
Bệnh nhân suy tim đã có kết luận chẩn đoán giai đoạn 3, giai đoạn 4 cũng được lên thẳng cấp chuyên sâu.
Người mắc các bệnh trong nhóm u ác tính (có mã từ C00 đến C97) có đủ điều kiện sau đây sẽ được lên thẳng cấp chuyên sâu mà không cần làm thủ tục chuyển tuyến theo quy định (còn gọi là vượt tuyến): người dưới 18 tuổi; không áp dụng đối với trường hợp đã được chẩn đoán xác định nhưng không có chỉ định điều trị đặc hiệu.
Với bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân để được lên thẳng cấp chuyên sâu phải đáp ứng một số điều kiện. Đơn cử, người bệnh phụ thuộc insuline (mã E10.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên hoặc có ít nhất 2 trong số các biến chứng: tim mạch, mắt, thần kinh, mạch máu. Bệnh nhân không phụ thuộc insuline (mã E11.7) có biến chứng loét bàn chân độ 2 hoặc có bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên.
Người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi sau khi đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh trong Thông tư 01/2025/TT-BYT.
Trường hợp đã được điều trị ổn định hoặc theo yêu cầu chuyên môn, tình trạng bệnh, cơ sở KCB có thể chuyển người bệnh về cơ sở KCB cấp cơ bản, cấp ban đầu để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Theo quy định của Luật KCB hiện hành, hệ thống KCB được chia thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu - cơ bản - chuyên sâu (thay vì 4 tuyến T.Ư - tỉnh - huyện - xã).
Từ năm 2024 về trước, người mắc một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao muốn lên tuyến trên (không phải nơi đăng ký BHYT ban đầu) phải đi theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến trong năm từ cơ sở y tế tuyến dưới lên cơ sở tuyến trên đủ năng lực điều trị.
Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, danh mục bệnh được phép đi lên tuyến trên mà không cần giấy chuyển tuyến “là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được”, được nghiên cứu kỹ để đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối.
Bộ Y tế đánh giá việc bỏ thủ tục chuyển tuyến này sẽ giúp giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.