68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và những chuyện chưa kể
Cách đây 68 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là một trong những chiến công hiển hách, xứng đáng 'được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh'.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tố Hữu viết bài thơ: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên". Bài thơ có đoạn: "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng". Đó là 3 địa danh tiêu biểu của chiến trường Điện Biên Phủ.
Theo lời kể của ông Trần Xuân Kình (Cựu chiến binh Điện Biên Phủ), nếu như Điện Biên Phủ là tên gọi hành chính của Nhà nước phong kiến từ trước Cách mạng tháng Tám thì Mường Thanh lại là tên gọi dân gian của người Thái Tây Bắc đến tận bây giờ.
Trước thế kỷ XVIII, Điện Biên Phủ nằm trong tay giặc Poọng, giặc Phẻ, những kẻ thống trị ngoại bang đối với người Lự vùng này. Lãnh tụ nghĩa quân nông dân Hoàng Công Chất đã chiến đấu giành lại, lập căn cứ chống lại triều đình Lê - Trịnh. Hiện nay ở thành phố Điện Biên Phủ còn có đền thờ lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Công Chất.
Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, năm 1778, vùng "đất nghịch" này được đặt tên là châu Ninh Biên - một vùng an ninh ở biên giới. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi đổi tên thành Điện Biên Phủ. Điện là trấn giữ, biên là biên giới, phủ là một đơn vị hành chính, chỉ một huyện lớn.
Trong suy nghĩ của dân gian, Mường Thanh được xem là quê hương muôn đời của người Thái, kể cả lúc sống lẫn khi chết. Tên gốc của Mường Thanh theo cách gọi của người Thái cổ là Mướng Thẻn.
Mướng là tên gọi chung một vùng đất, không chỉ là cấp huyện mà còn là từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Thẻn là thượng đế. Từ thế kỷ XIII, một thủ lĩnh người Thái là Lò Lẹt, sợ "phạm húy" thượng đế liền cho đổi tên thành Mướng Thanh. Từ đó, người Việt phát âm chệch đi thành Mường Thanh hoặc Mường Thang. Hơn 700 năm nay, dù cho về mặt hành chính, nhà nước phong kiến đã nhiều lần thay đổi tên gọi, địa danh này vẫn cứ song song tồn tại.
Mường Thanh hiện nay còn là một cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, có diện tích lớn nhất ở Tây Bắc với chiều dài tới 20 km và chiều rộng từ 8 đến 10 km. Người Thái vẫn truyền tụng nhau câu nói: "Nhất Thanh (Mường Thanh), nhì Lò (Mường Lò tức huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), tam Tấc (Mường Tấc tức huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), tứ Than (Mường Than, tức huyện Than Uyên, tính Yên Bái)".
Cứ điểm Him Lam cùng với các cứ điểm đồi Độc Lập và Bản Kéo tạo thành phân khu phòng thủ phía Bắc của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Him Lam có vị trí quan trọng hơn vì nó là một bệ lô-cốt lớn nằm trên một ngọn đồi thuộc bản Him Lam, cạnh một con suối có rất nhiều phiến đá màu đen, án ngữ ngay con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên.
Chiến thắng Him Lam ngày 13/3/1954 trong đợt công kích đầu tiên của quân ta có giá trị lớn là đã mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nơi chiến sĩ xung kích Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đồng đội xông lên.
Còn Hồng Cúm, theo tiếng Thái là Hong Cúm, nghĩa là Khe Cúm. Cứ điểm này cùng với một sân bay nhỏ tạo thành phân khu phòng thủ phía Nam của quân Pháp và đã bị quân ta đánh chiếm trong đợt công kích thứ ba, từ ngày 1 đến ngày 7/5/1954 giành thắng lợi.
Nhân kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rất đông người đổ về Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để được chiêm ngưỡng bức tranh panorama được xem là lớn bậc nhất thế giới.
Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bức panorama "Trận chiến Điện Biên Phủ" là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới. Tác phẩm này được thực hiện tại không gian đặc biệt bên trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Dù bức tranh panorama – Trận chiến Điện Biên Phủ vẫn chưa hoàn thiện tất cả các hạng mục để bàn giao đưa vào phục vụ du khách, nhưng thông qua các phương tiện truyền thông, có rất nhiều du khách quan tâm, mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng bức panorama này.
Do đó, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đơn vị quản lý đã mở cửa để đáp ứng nguyện vọng của du khách được chiêm ngưỡng tác phẩm.
Bức tranh "Trận chiến Điện Biên Phủ" có hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của gần 100 họa sĩ. Những hình ảnh đẹp nhất, những khoảnh khắc điển hình nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa được tái hiện đầy đủ trong không gian nghệ thuật.
Bảo Nguyên