69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai
Cách đây 69 năm (10/10/195410/10/2023Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Đời sống69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai
Nguyên Thảo
• 10/10/2023 06:26
Cách đây 69 năm (10/10/1954 - 10/10/2023), Thủ đô Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng, sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Hà Nội trong những ngày thu tháng 10 lịch sử, gợi nhớ ngày cách đây 69 năm, lớp lớp đoàn quân tiến vào Thủ đô từ năm cửa ô, hân hoan đi giữa phố phường rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười để tiếp quản Hà Nội. Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cứ vào thời khắc này, những người Hà Nội thế hệ cũ lại bâng khuâng nhớ về giờ phút thiêng liêng đó, với những cảm xúc khó tả.
Ngược dòng lịch sử, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân, dân Hà Nội đã cùng với Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Hai mươi vạn người dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển. Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, Hà Nội lần lượt thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: Khôi phục kinh tế (1954-1957), cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965). Đến cuối năm 1965, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển phong trào thi đua lao động sản xuất ngày càng sâu rộng, ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Giai đoạn 1965-1968 và 1968-1972, quân dân Hà Nội đã anh dũng, kiên cường lần lượt chiến đấu, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, nhân dân Thủ đô bước vào giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội; đồng thời tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Kể từ mùa Thu của 69 năm trước cho đến nay, Hà Nội vẫn nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới. Truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, tinh thần quả cảm được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến, khát vọng vươn lên, là nền tảng vững chắc góp phần tạo ra thế và lực để Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Bước vào công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh, Hà Nội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên ngày càng lớn mạnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa TP hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh "Thành phố Vì hòa bình" (năm 1999) mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng "Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018"...
Công cuộc đổi mới ở Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Các cấp ủy Đảng đã tập trung đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, ban hành Quy định về luân chuyển cán bộ, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp gắn với chức danh, vị trí việc làm, vừa đào tạo trong nước, vừa cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài...
Hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền được thể hiện rõ. Nền kinh tế Thủ đô cho thấy sức bền, khả năng chống chịu cao, trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. 9 tháng 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên từng quý (quý I tăng 5,81%, quý II tăng 5,93%, quý III tăng 6,49%). Cơ cấu kinh tế đã phản ánh rõ kết quả này khi dịch vụ vươn lên chiếm tới 65,88%. GRDP thành phố 9 tháng tăng 6,08%, cao hơn gần 1,5 lần tăng trưởng GDP cả nước (4,24%).
Vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất.
Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Song song với nhiệm vụ thường xuyên, thành phố xác định phải có tư duy và tầm nhìn chiến lược, qua đó đã mạnh dạn triển khai một số chủ trương lớn, có ý nghĩa lâu dài.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Thành phố hiện đang chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 tới. Đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Trên hành trình hướng tới tương lai phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang không ngừng nỗ lực, gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Phát huy khí thế hào hùng của những ngày tháng lịch sử, giờ đây Hà Nội đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là trái tim của cả nước. Với vai trò là một trung tâm công nghiệp lớn, đầu tàu của nền kinh tế đất nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Thủ đô luôn sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, đảm nhận tốt vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Mỗi dấu mốc trên chặng đường phát triển, Hà Nội đã vượt qua chính mình, đang từng bước giải quyết được thách thức đặt ra, để vẫn luôn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, môi trường bình yên và an toàn.
Tôi tin rằng, tinh thần Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 sẽ mãi là động lực, mạch nguồn kết nối Đảng, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân Hà Nội đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, chung sức, đồng lòng, huy động mọi nguồn lực, để tạo thế và lực mới để vững bước phát triển nhanh và bền vững.
PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng