7 công trình được tái sử dụng một cách bất ngờ

Thay vì dỡ bỏ, nhiều công trình kiến trúc được cải tạo và sử dụng cho mục đích hoàn toàn khác ban đầu.

Cisternerne (Frederiksberg, Đan Mạch) là một hồ trữ nước ngầm cũ, cung cấp nước uống cho Copenhagen từ những năm 1850 đến những năm 1930, đồng thời là hồ phản chiếu cho lâu đài Frederiksberg cạnh đó. Khi hồ được rút cạn và phủ kín vào năm 1981, nó được sử dụng làm nơi trưng bày nghệ thuật thủy tinh hiện đại trong một thập kỷ, trước khi trở thành bảo tàng Frederiksberg. Ảnh: Frederiksbergmuseerne.

Gasometer Town (Vienna, Áo): Tháp khí ga được dùng để trữ khí ga tạm thời vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sau này, chúng bị bỏ hoang hoặc phá dỡ. Gaswerk Simmering là công trình gạch đỏ quá đẹp để bị phá hủy. Thay vào đó, chúng được cải tạo thành các khu nhà ở và không gian thương mại. Ảnh: Fromplacetoplace.

Alien Rock (Edinburgh, Scotland): Ban đầu, đây là một nhà thờ được xây dựng từ năm 1843. Nhà thờ có nhiều tên như Newhaven Free và Newhaven St. Andrew’s Parish, trước khi bị bỏ hoang vào những năm 1970. Hai thập kỷ sau, nó được bán và cải tạo thành Alien Rock, khu leo núi trong nhà mở cửa từ năm 1994. Ảnh: Itinari.

Gas Works Park (Seattle, Washington, Mỹ): Từng là nhà máy sản xuất khí ga từ than đá và dầu thô, công trình kỳ lạ này được bảo tồn từ khi đóng cửa vào năm 1956, rồi mở cửa cho công chúng như một công viên từ năm 1975. Giờ đây, Gas Works Park được mở rộng thành 7 khu, dù phần lớn có rào chắn, không thể tiếp cận để đảm bảo an toàn. Đây là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc, cuộc thi thể thao, thả diều hay các cuộc thi nhập vai, rất được yêu thích tại Seattle. Ảnh: UW.

Popeye Village (Mellieha, Malta): Phim trường này được xây dựng làm nơi quay bộ phim Popeye, với hơn 20 công trình bằng gỗ. Bộ phim trở thành bom xịt. Nhưng thay vì phá dỡ hay bỏ hoang nơi này, người dân đảo coi đây là một công viên giải trí có sẵn. Họ dần tiếp quản phim trường, thuê diễn viên, và Popeye Village ra đời. Ảnh: VCMS.

High Line (Manhattan, New York, Mỹ): Cuối thế kỷ 20, tuyến đường sắt trên cao này bị bỏ hoang. Tuy nhiên, khi có nguy cơ bị phá hủy vào năm 1999, việc bảo tồn và cải tạo di tích đô thị này thu hút đông đảo người dân New York. Hàng triệu USD quyên góp và một nhóm cộng đồng đã biến nơi này thành công viên công cộng, hoàn thành từ năm 2009. Ảnh: Timeout.

La Recyclerie (Paris, Pháp): Nằm trong một ga tàu không còn hoạt động ở Petite Ceinture, La Recyclerie tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng, đối lập với các nhà hàng sang trọng trong khu vực. Nơi này cung cấp đồ ăn được sản xuất tại địa phương, và sản phẩm khuyến khích khách hàng tham gia bảo vệ môi trường. Tại đây còn có các không gian dạy làm đồ thủ công, làm vườn, nấu ăn… Đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện cộng đồng như trao đổi hạt giống, đọc sách, hòa nhạc… Ảnh: Eau-a-la-bouche.

An Ngọc

Theo AO

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-cong-trinh-duoc-tai-su-dung-mot-cach-bat-ngo-post1408212.html