7 dấu ấn nổi bật của Thanh Hóa năm 2024
Năm 2024, Thanh Hóa tiếp đà phát triển ổn định với nhiều điểm sáng trong đời sống kinh tế xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2024, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, giúp tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.
Điểm sáng kinh tế vĩ mô
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Thanh Hóa, năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 11,72%, vượt kế hoạch đề ra là 11%, đứng thứ 3 cả nước, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,31%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,84% (công nghiệp 20,09%; xây dựng 8,85%); dịch vụ tăng 8,51%; thuế sản phẩm tăng 5,07%.
Với việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm đã giúp quy mô kinh tế Thanh Hóa tính theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước. Mức này tương đương quy mô kinh tế đã tăng gấp 1,5 lần so với GRDP năm 2021 của tỉnh này.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế phát triển ổn định ở mức cao, năm 2024, Thanh Hóa ghi nhận thu ngân sách tại địa phương ở mức kỷ lục với hơn 54.340 tỷ đồng (vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ), cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 34.000 tỷ đồng và thu từ hoạt động động xuất nhập khẩu trên địa bàn hơn 20.000 tỷ đồng.
Các ngành kinh tế chiến lược tiếp đà phát triển
Trong năm 2024, các ngành kinh tế được định hướng chiến lược phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa như: Công nghiệp, dịch vụ... đều có sự phát triển ổn định, ở mức cao, với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước tăng 19,25%; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp lớn từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi trong năm 2024, đơn vị này vận hành ổn định, liên tục đóng góp lớn vào tăng trưởng chung ngành công nghiệp Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tiếp tục phát triển tốt, trong đó du lịch Thanh Hóa ghi nhận tổng lượng khách kỷ lục, cán mốc hơn 15,3 triệu lượt khách, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt, tăng 16,7%. Tổng thu du lịch của tỉnh này ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đều ghi nhận kết quả khá toàn diện, vượt kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,9% kế hoạch; Chăn nuôi sản lượng thịt hơi các loại tăng 6,7% so với cùng kỳ; trứng gia cầm tăng 8,2%; sữa tươi tăng 16,2%; Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững; toàn tỉnh ước trồng được 12,4 nghìn ha rừng tập trung, bằng 124,5% kế hoạch.
Dòng vốn FDI có dấu hiệu khởi sắc
Năm 2024, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu hút FDI có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian có dấu hiệu hụt hơi so với một số địa phương trong khu vực. Năm nay, Thanh Hóa có 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 422,9 triệu USD.
Trong đó, một số dự án FDI lớn được khởi động như: dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology - Thanh Hóa vốn đầu tư 55 triệu USD, khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Thanh Hóa rộng hơn 10ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD,...
Trong năm 2025, dự kiến sẽ khởi công dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa với tổng số vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, dự án điện khí 2,5 tỷ USD tại khu kinh tế Nghi Sơn...
Thanh Hóa hiện có 174 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 15 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia có nhiều dự án nhất, với 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,053 tỷ USD, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh.
Giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao
UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin, năm 2024, tỉnh này đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 95% trong tổng kế hoạch giải ngân hơn 14.122 tỷ đồng mà Chính phủ giao. Kết quả này đưa Thanh Hóa lọt nhóm tỉnh thành có tiến độ giải ngân nhanh của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tỉ lệ giải ngân cao gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trường THPT Chuyên Lam Sơn; Sở Công Thương; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh đoàn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa.
Nhóm 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao gồm: Thành phố Sầm Sơn; thành phố Thanh Hóa; thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước...
Việc giải ngân với tỉ lệ cao vốn đầu tư công đã giúp tạo nguồn lực, động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa. Đây được xem như "vốn mồi" để kích hoạt, huy động đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được coi là lực đẩy quan trọng để kích thích tăng trưởng, tạo nền tảng cho nền kinh tế bứt phá mạnh mẽ hơn trong trung và dài hạn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ
Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định "Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới".
Năm 2024, tổng huy động vốn đạt 139.295 tỷ đồng, tăng khoảng 6.500 tỷ so với năm 2023. Trong đó, cơ bản nguồn vốn được huy động thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đầu tư nâng cấp Cảng Nghi Sơn, thống nhất phương án đầu tư hạ tầng nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân,...
Ngoài ra, các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã, hạ tầng cấp điện phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống cấp điện, hạ tầng thương mại tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương,... cũng đều được Thanh Hóa quan tâm đầu tư, đồng bộ.
Với việc tập trung đầu tư có hiệu quả phát triển tốt hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển đột phá.
Nhà ở xã hội được chú trọng quan tâm
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận tổng kinh phí ủng hộ gần 241,6 tỷ đồng.
Căn cứ nguồn kinh phí vận động và tờ trình của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh đã thực hiện phân bổ 2 đợt kinh phí, với tổng số tiền 55,82 tỷ đồng cho 820 hộ thuộc đối tượng ưu tiên của diện tái định cư xen ghép và 600 hộ của 6 huyện miền núi.
Từ nguồn kinh phí huy động được, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đã phân bổ nguồn kinh phí vận động của Ban chỉ đạo cấp huyện, xã triển khai xây dựng nhà ở cho 729 hộ nghèo với tổng số tiền 44,77 tỷ đồng.
Tới nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 2.263 nhà được khởi công xây dựng, trong đó xây mới 2.030 nhà, sửa chữa 233 nhà, đã hoàn thành và bàn giao 1.228 nhà, trong đó xây mới 1.015 nhà, sửa chữa 213 nhà.
Một số dự án cụ thể như: 264 căn thuộc 2 dự án là nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hoàng Long và nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, 432 căn hộ còn lại thuộc Dự án nhà ở xã hội Tân Thành và nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa.
Đến nay, tổng số căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành của tỉnh đứng thứ 6, số căn hộ đang triển khai đứng thứ 10 cả nước.
Xóa sổ điểm, tụ điểm tội phạm ma túy
Năm 2024, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (PC04), Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Đề án xây dựng "Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2024- 2025", qua đó đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng PC04 đã phát huy hiệu quả vai trò "tư lệnh" trong phòng chống tội phạm ma túy, qua đó giúp tình hình tội phạm ma túy toàn tỉnh Thanh Hóa chuyển biến tích cực, được kiểm soát tốt, triệt xóa nhiều đường dây tụ điểm về ma túy, đưa Thanh Hóa thành địa bàn "sạch" về điểm, tụ điểm ma túy.
Trong đó có một số vụ việc điển hình như: chuyên án 724D thu giữ 42kg ma túy các loại; chuyên án 319C thu giữ 21 bánh heroin, 2kg ketamine; chuyên án 124D xóa sổ đường dây buôn bán vũ khí nóng, thu giữ nhiều súng, đạn, vật liệu nổ; triệt xóa ổ nhóm tội phạm liên tỉnh liên quan nhiều giang hồ cộm cán như Long "tròn", Hiệp "máu"; triệt xóa giải cứu 58 phụ nữ bị giam lỏng tại quán karaoke G7...
Đây là những kết quả tích cực được duy trì trong nhiều năm qua của phòng PC04, Công an tỉnh Thanh Hóa. Đơn vị nhiều năm liền là đơn vị tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống ma túy giai đoạn 2018 -2023. Năm 2023, Phòng PC04 được trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba và tặng Bằng khen đối với 21 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh. PC04 còn là hình mẫu với nhiều cách làm hay được nhiều đơn vị bạn tới trao đổi, nghiên cứu và học tập.
Về tình hình ANTT chung trên địa bàn, trong năm 2024, lực lượng Công an Thanh Hóa mở các đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm; phòng chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuần tra bảo đảm an ninh trật tự. Qua đó đã khởi tố 1.925 vụ, 4.071 bị can phạm tội về trật tự xã hội, ma túy, quản lý kinh tế, môi trường, tham nhũng chức vụ, công nghệ thông tin, mạng viễn thông...