7 đứa trẻ thần đồng nổi tiếng mọi thời đại

Không phải tất cả đứa trẻ tài năng đều sẽ đạt được những thành tựu vĩ đại khi trưởng thành, nhưng 7 người đã làm được điều đó.

1. Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791): Mozart là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Mới 4 tuổi, thiên tài âm nhạc Mozart đã có thể chơi đàn harpsichord và đến 5 tuổi đã tự sáng tác những bản nhạc đơn giản. Khi lên 7 tuổi, gia đình Mozart đã thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên nhằm thể hiện tài năng âm nhạc phi thường của thần đồng nhí và người chị gái Maria Anna. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực nhạc thính phòng, giao hưởng, opera. Ảnh: Johann Nepomuk della Croce.

2. John von Neumann (1903-1957): Theo các nhà viết tiểu sử, khi mới lên 6 tuổi, nhà toán học người Mỹ gốc Hungary John von Neumann đã có thể nói chuyện với cha mình bằng tiếng Hy Lạp cổ điển. Trong các bữa tiệc, thần đồng nhí này còn có khả năng ghi nhớ cả trang danh bạ điện thoại, rồi dễ dàng trả lời các câu hỏi về tên, số điện thoại, địa chỉ, hoặc thậm chí là đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối trang. Khi trưởng thành, von Neumann được công nhận là nhà toán học lỗi lạc nhất thời đại. Ông đã có những đóng góp to lớn và quan trọng trong nhiều lĩnh vực như toán học, vật lý, kinh tế học và khoa học máy tính. Ảnh: NJSZT.

3. Sor Juana Inés de la Cruz (1648-1695): Sinh ra trong gia đình không kết hôn và gặp khó khăn về tài chính, Juana đã sớm bộc lộ trí tuệ vượt trội. Bà biết đọc từ năm ba tuổi. Khi được gửi đến sống cùng ông bà ngoại tại Mexico, bà đã tiếp cận được một thư viện. Tại đây, Juana đọc ngấu nghiến mọi loại sách và chỉ mất khoảng 20 bài học để thông thạo tiếng Latin. Năm lên 8, bà đã sáng tác vở kịch thơ đầu tiên của mình. Ngày nay, Juana được nhớ đến là một trong những nhà văn quan trọng nhất của thời kỳ Baroque trong văn học Mexico, một biểu tượng của trí tuệ và sự kiên định vượt lên mọi định kiến. Ảnh: Miguel Cabrera.

4. Srinivasa Ramanujan (1887-1920): Thiên tài toán học Srinivasa Ramanujan sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở làng Erode (Ấn Độ). Không có điều kiện học hành nhưng với trí nhớ siêu phàm, niềm đam mê mãnh liệt với các con số, cậu bé đã tự học toán qua những quyển sách cũ và bắt đầu phát triển những công thức riêng từ khi còn rất trẻ. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Ramanujan đã để lại hơn 3.900 định lý, công thức và khám phá. Nhiều trong số đó đến nay vẫn được các nhà khoa học hiện đại nghiên cứu và ứng dụng trong vật lý lý thuyết, số học, trí tuệ nhân tạo... Ảnh: Kristina Armitage/Quanta Magazine.

5. Stevie Wonder (1950-nay): Mặc dù bị mù bẩm sinh và lớn lên trong nghèo khó, Stevie Wonder (tên khai sinh Steveland Judkins Morris) đã trở thành một nhạc sĩ tài năng. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã tự học cách sáng tác, hát và thành thạo nhiều nhạc cụ như piano, organ, harmonica và trống. Năm 1962, khi mới 12 tuổi, Stevie bắt đầu thu âm và biểu diễn chuyên nghiệp dưới nghệ danh Little Stevie Wonder. Ông được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll vào năm 1989 khi mới 38 tuổi và được tạp chí âm nhạc Rolling Stone xếp ở vị trí thứ 9 trong danh sách những ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ảnh: Blackenterprise.

6. Blaise Pascal (1623-1662): Ông là nhà toán học, vật lý học và triết gia lỗi lạc người Pháp thế kỷ 17. Theo tiểu sử do chị gái của ông, bà Gilberte viết, Blaise đã tự mình xuất sắc trong toán học mà không cần bất kỳ sự hướng dẫn nào. Năm 15 tuổi, Blaise đã xuất bản công trình toán học đầu tiên của mình - Tiểu luận về các đường conic. Hai năm sau, ông tiếp tục tạo ra một cuộc cách mạng khi phát minh ra cỗ máy cộng trừ cơ học đầu tiên. Vào những năm 1640 và 1650, Pascal đã khẳng định vị thế là một trong những bộ óc toán học và khoa học vĩ đại nhất châu Âu, đồng thời còn có những đóng góp sâu sắc trong các lĩnh vực tôn giáo và triết học. Ảnh: Henry Hoppner Meyer.

7. Judit Polgár (1976-nay): Judit Polgár là một đại kiện tướng cờ vua người Hungary. Bà được nhìn nhận là kỳ thủ nữ mạnh nhất thế giới từ trước tới nay. Từ nhỏ, bà đã được cha mình đào tạo chơi cờ vua. Trong suốt sự nghiệp của mình, Judit luôn né tránh các giải đấu chỉ dành cho nữ. Thay vào đó, bà tập trung thi đấu với những kỳ thủ nam hàng đầu thế giới và thường xuyên giành được những chiến thắng vang dội. Bà từng đánh bại nhiều nhà vô địch thế giới như Garry Kasparov, Boris Spassky, Anatoly Karpov... Ảnh: Hungary Today.

Ngọc Bích

Theo Bách khoa toàn thư Britannica

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-dua-tre-than-dong-noi-tieng-moi-thoi-dai-post1572025.html