Đừng vội xóa tên thương hiệu hàng hóa
Sau khi giảm từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành xuống còn 34, thì có 29 tỉnh, thành hoặc bị mất tên hành chính trên bản đồ, hoặc hạ xuống cấp xã, phường.

Trường THPT chuyên Bắc Ninh.
Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở dịch vụ công lập và doanh nghiệp, dịch vụ tư nhân, cũng như hàng hóa tính đến chuyển đổi tên để thuận tiện cho giao dịch, cũng như tiện cho các hoạt động kết nối, giao nhận hàng hóa.
Gần đây nhất là Trường THPT chuyên Bắc Ninh và THPT chuyên Bắc Giang, lần lượt được đổi tên thành THPT chuyên Bắc Ninh số 1 và THPT chuyên Bắc Ninh số 2, sau khi hai địa phương sáp nhập. Hay bảo tàng tỉnh Gia Lai đổi tên thành bảo tàng Pleiku sau khi sáp nhập tỉnh.
Tương tự như thế nhiều loại hàng hóa truyền thống gắn liền với tên tỉnh, thành và địa phương, tồn tại hàng chục, hàng năm trăm năm cũng rục rịch tính chuyện đổi tên cho hợp lệ. Có ý kiến cho rằng, các loại hàng hóa truyền thống nổi tiếng ở các tỉnh được sáp nhập như bánh đậu xanh Hải Dương, chè Thái Nguyên, bánh cáy Thái Bình, chè San Tuyết Yên Bái, kẹo dừa Bến Tre… nên chuyển tên sang tỉnh mới, vì nếu để tên tỉnh cũ sẽ không đúng khi tên tỉnh không còn trong danh mục đơn vị hành chính quốc gia.
Đó là tên thương hiệu lấy theo địa danh tỉnh, còn tên thương hiệu gắn theo địa danh huyện hay làng xã rất nhiều cũng đã bị sáp nhập hoặc xóa hẳn tên. Trước khi sáp nhập cả nước có 10.035 xã, sau khi sáp nhập còn lại 3.321 xã, trong số xã bị sáp nhập có rất nhiều xã có sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), tức là đặc sản địa phương. Hiện nay cả nước có hơn 14.085 sản phẩm OCOP, trong đó 72,1% sản phẩm đạt 3 sao, 25,8% sản phẩm đạt 4 sao và 2,1% sản phẩm 5 sao.
Do vậy, việc có nên đổi tên một sản phẩm địa phương theo địa danh mới hay không cần cẩn trọng và chậm lại một chút, bởi rất có thể bỏ đi tên thương hiệu truyền thống sẽ ảnh hưởng không chỉ đến doanh số mà còn cả du lịch và văn văn hóa.
Điều đầu tiên là xem xét trên phương diện nhận diện thương hiệu. Thông thường với một loại hàng hóa thu hút khách hàng qua hình thức bên ngoài như tên gọi, logo, màu sắc, họa tiết trang trí, quy cách đóng gói, sau đó mới đến hương vị, giá trị dinh dưỡng.
Tuy nhiên, có một điều người ta ít nói đến vì coi nó là điều đương nhiên luôn tồn tại, đó là sự gợi nhớ nằm sẵn trong tâm trí về nguồn gốc, địa danh của sản phẩm. Chẳng hạn khi có ý định mua một đặc sản cho người thân, ngay lập tức người mua xuất hiện một thông tin mang tính định vị: ra Bắc công tác trở về Nam sẽ mua bánh đậu xanh phải là “Bánh đậu xanh Hải Dương”.
Nhà nghiên cứu Dale đã chỉ ra rằng, những loại hàng hóa tồn tại lâu đời nhất vì chúng trung thành với một dạng thức bao gồm công thức chế biến, mẫu mã và địa danh. Điều này khác với một khuynh hướng luôn luôn thay đổi theo tuần, theo tháng, theo thị hiếu mà người ta gọi chung là thời trang (fashion).
Một vấn đề nữa là hàng hóa tạo nên thương hiệu nổi tiếng bao giờ cũng gắn với “chỉ dẫn địa lý” (geographical indication - GI). GI được hiểu là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một địa phương, một khu vực, hoặc một quốc gia cụ thể.
Nó có thể là tên của một vùng, địa phương hoặc quốc gia được gắn kèm với sản phẩm. GI không đơn thuần giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó, mà còn như một cách thức dẫn đường cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Cách nay vài năm, có 2 vị từ Nhật Bản đến gặp tôi, một người là doanh nhân và người còn lại là Giáo sư đại học Kyoto. Họ muốn tôi giúp kết nối và đi thăm nơi sản xuất lụa nổi tiếng của Nam bộ là lụa Tân Châu, sản xuất ra loại lụa Tân Mỹ A, vì họ tìm được thông tin trên mạng xã hội về địa điểm này.
Nhưng nay thị xã Tân Châu không còn tồn tại như một đơn vị hành chính trong 102 xã, phường, đặc khu của tỉnh An Giang mới. Cái tên thị xã Tân Châu không còn được định danh, nhưng nếu cái tên lụa Tân Châu bị xóa thay bằng tên khác thì quả thật khó cho người ngoài địa phương, nhất là khi các doanh nhân nước ngoài đi tìm theo chỉ dẫn địa lý không thấy nữa.
Nói như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí Thư thành ủy Hội An, dù hiện nay thành phố Hội An không còn nữa khi được chia thành 3 phường, nhưng trong đó có một phường mang tên Hội An.
Do vậy dù muốn hay không trên phương diện truyền thông du lịch quốc tế Hội An vẫn là “Hội An City” như xưa nay, bởi khách du lịch nước ngoài muốn tìm đến “Hội An City” chứ không phải là “Hội An ward” (phường Hội An). Chính vì thế, với người nước ngoài vẫn phải tồn tại tên gọi “Đà Lạt City”, “Hội An City”, “Vũng Tàu City”, bởi đó là chỉ dẫn địa danh du lịch.
Tính đến tháng 8-2024, Việt Nam đã bảo hộ 141 chỉ dẫn địa lý công bố quốc tế, cũng như hơn 1.000 sản phẩm được coi là đặc sản gắn liền với địa phương với bạn bè quốc tế. Nếu thay đổi tên gọi theo địa danh mới sẽ “lợi bất cập hại”.
Trở lại với câu chuyện trường THPT chuyên Bắc Giang đổi sang tên mới là trường THPT chuyên Bắc Ninh số 2. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cứ giữ tên cũ có sao đâu, việc giữ lại tên cũ không chỉ giữ gìn ký ức về một địa danh, mà còn là một “học hiệu” có truyền thống lâu đời hơn 30 năm với một bề dày phát triển, và nơi đây có hàng chục học sinh đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế.
Nước Pháp là nơi có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới như rượu vang, phô mai, đùi heo muối, bánh mì… Các sản phẩm này hầu hết được sản xuất từ các gia đình ở những làng rất xa xưa, theo thời gian có nhiều làng không còn tồn tại nữa, nhiều gia đình làm ra nó đã tứ tán tha hương, nhưng nước Pháp vẫn giữ tên sản phẩm gắn với làng và gắn với dòng họ làm ra nó.
Đó chính là bí quyết tạo nên sức mạnh cho hàng hóa. Đừng vội xóa.
Việc có nên đổi tên một sản phẩm địa phương theo địa danh mới hay không cần cẩn trọng và chậm lại một chút. Bởi rất có thể bỏ đi tên thương hiệu truyền thống sẽ ảnh hưởng không chỉ đến doanh số, mà còn cả du lịch và văn văn hóa.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dung-voi-xoa-ten-thuong-hieu-hang-hoa-post124422.html