7 giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các đơn vị tham gia nghiên cứu công nghệ AI cho mục đích bảo vệ thương hiệu nông sản, Đà Lạt sẵn sàng đầu tư xứng đáng cho nhiệm vụ này.

Sáng 26-9, tại khách sạn MerPerle (số 1 Hùng Vương, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), UBND TP Đà Lạt phối hợp cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành.

Nhiều đề xuất, giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, bảo vệ nông dân, giữ niềm tin của người tiêu dùng đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt, các chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân đưa ra tại buổi tọa đàm.

Xử lý triệt để vi phạm giả mạo nhãn hiệu

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 30.000 ha cây trồng nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ thông minh có bước phát triển mạnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 69.000 ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác (gồm 670 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số).

Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 100.000 ha áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đạt 2.400 ha, tăng 2.295 ha; VietGAP 8.500 ha, tăng 5.234 ha và 89.100 tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nước và quốc tế khác, tăng 9.096 ha.

Toàn tỉnh có 34 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền (gồm 25 nhãn hiệu chứng nhận, chín nhãn hiệu tập thể). Trong số đó có hai nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận với 221 chủ thể tham gia chương trình. Trong đó có hai sản phẩm 5 sao, bảy sản phẩm đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao, 311 sản phẩm 3 sao.

Đối với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đến nay đã có 768 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận.

 Chủ trì buổi tọa đàm là TS Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (phải) và ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TIẾN THÀNH

Chủ trì buổi tọa đàm là TS Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (phải) và ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TIẾN THÀNH

Đạt được các kết quả trên và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng trong lòng người tiêu dùng là quá trình lâu dài, nỗ lực của người sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của nông dân. Hội hướng đến việc xây dựng tư duy bảo hộ thương hiệu tới từng nông dân, cán bộ, nhân viên sở, ngành.

Hiện nay, TP Đà Lạt đã và đang phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore với chiến lược quảng bá sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các hội liên quan tăng cường các biện pháp để nông dân nhận diện sản phẩm thật và giả, kịp thời báo cáo với ngành chức năng xử lý khi có sai phạm. Hội cũng tổ chức các lớp nhận diện và cách xây dựng thương hiệu nông sản để đưa ra thị trường một cách hiệu quả.

Về phía người sản xuất, ông Trần Huy Đường, chủ nông trại Langbiang Farm (tỉnh Lâm Đồng), cho biết nông dân tự nhận thức bảo vệ thương hiệu nông sản mình làm ra. Ông Đường ấn tượng khi sang Nhật Bản, thấy nông dân nước này tự in ảnh mình cùng thương hiệu nông sản của trang trại mình lên bao bì. Nông dân phải có QR Code, phải có mã số vùng trồng. Mã số phải làm chi tiết đến từng lô sản xuất, phải được cơ quan quản lý chứng nhận. Hiện nay, một số nơi ở Việt Nam mới chỉ làm được với một số nông sản như sầu riêng.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TỰ SANG

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TỰ SANG

“Ngoài ra, theo tôi, phải có nhãn phụ thông tin nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc “đánh lận con đen” vào siêu thị. Cơ quan chức năng phải thành lập những đội quản lý kiểm tra đột xuất các cơ sở để phát hiện vi phạm” - ông Đường chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Minh Ngọc, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, thông tin việc bảo hộ thương hiệu nông sản nói chung hay bảo hộ các sản phẩm nông sản cụ thể như khoai tây Đà Lạt được địa phương quan tâm triển khai nhiều năm qua. Cái khó là gắn thương hiệu vào sản phẩm nông sản đưa ra thị trường.

Hiện nay, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, hàng trăm sản phẩm nông sản Đà Lạt đã được dán nhãn, đưa lên kệ đến với người tiêu dùng. Đi kèm với quản lý chất lượng là quản lý xuất xứ. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng được Sở NN&PTNT, Sở Công Thương triển khai nhưng chưa nhiều.

“Tôi thấy đề xuất truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và dán nhãn phụ như đại diện một trang trại góp ý là một trong những giải pháp tốt. Sắp tới, Sở KH&CN sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án để xử lý triệt để vi phạm giả mạo nhãn hiệu” - ông Ngọc khẳng định.

Nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Tại hội thảo, TS Dương Thái Trung, chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đề xuất bảy giải pháp xử lý triệt để vi phạm, bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Thứ nhất, cần quản lý chặt nguồn cung bằng các quy định chặt chẽ, cam kết của các thương nhân, tiểu thương kinh doanh nông sản trên địa bàn.

Các tiểu thương/thương nhân phải báo cáo định kỳ (theo tuần, theo tháng) các nội dung nhập nông sản ở đâu, của ai, loại nông sản gì để bán cho ai, ở đâu, giá mua, giá bán, tồn kho trong kỳ báo cáo. Đồng thời phân công công chức, viên chức theo dõi quản lý địa bàn, thương nhân/tiểu thương. Nếu để xảy ra vi phạm, công chức, viên chức đó không kịp thời báo cáo, xử lý sẽ liên đới chịu trách nhiệm.

Thứ hai, về người tiêu dùng, cần có giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người tiêu dùng biết về chất lượng, nhận diện, sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản; các địa điểm phân phối nông sản đúng thương hiệu Đà Lạt.

 Hồng treo gió, một trong những nông sản Đà Lạt được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: LÊ THÀNH

Hồng treo gió, một trong những nông sản Đà Lạt được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: LÊ THÀNH

Thứ ba, thực hiện các giải pháp để hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt với nông sản nhập khẩu.

Thứ tư, tăng cường thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng QR Code đối với nông sản. Quản lý, cấp phát giấy xác nhận thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo hướng chặt chẽ hơn.

Thứ năm, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu nói chung, khoai tây Đà Lạt nói riêng thông qua hợp đồng giữa các bên (nông dân, hợp tác xã, ngân hàng, doanh nghiệp phân phối…).

Thứ sáu, cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đảm bảo đủ mạnh, đủ rộng để có thể phổ biến đến người kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là thông tin về sản lượng, thời vụ thu hoạch, chất lượng và kinh nghiệm phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ bảy, địa phương cần tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an kinh tế…) đối với các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn để kịp thời xử lý vi phạm và ngăn ngừa tái phạm; xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe và làm gương.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), hiện nay Bộ NN&PTNT đang tập trung cho các giải pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản nói chung. Trong đó có thể kể đến chương trình phối hợp giữa ba bộ NN&PTNT, Công Thương, KH&CN triển khai về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với hai bộ Công Thương, KH&CN để tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu.

Cũng theo ông Hòa, dự kiến Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất trình Chính phủ lập đề nghị soạn thảo nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp, ông Hòa cho rằng doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu. Từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Đầu tư mạnh tay về AI để nhận biết khoai tây Đà Lạt

Đà Lạt là một trong những địa phương được quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản trong nhiều năm qua như rau Đà Lạt, cà phê Đà Lạt, chè Đà Lạt.

Gian lận thương mại đối với nông sản Đà Lạt từ cách đây hơn 10 năm, từ năm 2012 đã xảy ra gian lận thương mại mặt hàng nông sản như khoai tây, cà rốt. Năm 2015, rất nhiều tiểu thương Đà Lạt mua nông sản Trung Quốc nhập vào Đà Lạt rồi gắn thương hiệu Đà Lạt. Lúc đó, chính quyền TP Đà Lạt rất kiên quyết không đồng ý, cấm tất cả hành vi nhập nông sản ngoại nhập vào TP Đà Lạt.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận thương mại với nông sản Đà Lạt bao gồm chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, giá thành sản xuất cao, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý.

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Về các giải pháp, thứ nhất, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất.

Thứ hai, đầu tư nghiên cứu bộ giống tốt, Trung Quốc đã nghiên cứu 50 năm, giống biến đổi gen, khoai tây Đà Lạt năng suất thu hoạch chỉ 17-18 tấn/ha, còn khoai tây trồng ở Trung Quốc năng suất thu hoạch 40-45 tấn/ha.

Thứ ba, đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là về giống cây trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ tư, quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ.

Như khoai tây Đà Lạt có những đặc điểm khác khoai tây Trung Quốc về hình dáng, số mắt trên củ khoai, màu vỏ, màu ruột… Tỉnh đã có kế hoạch, từ các dữ liệu trên đủ để sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), để người tiêu dùng có thể quét bằng điện thoại thông minh là nhận biết đâu là khoai tây Đà Lạt, đâu là khoai tây Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù đặt hàng có nhiều đơn vị từ năm 2018, chi ngân sách 1 tỉ đồng cho dự án sử dụng AI để nhận biết khoai tây Đà lạt nhưng vẫn chưa làm được. Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị tham gia nghiên cứu công nghệ này.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản Đà Lạt cả trong và ngoài nước để người tiêu dùng nhận diện rõ hơn về giá trị, chất lượng của sản phẩm.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý cũng đưa ra giải pháp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như chính quyền địa phương, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, công an và quản lý thị trường để quản lý và bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Cuối cùng, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân để nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro.

Buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt, từ cải thiện sản xuất, ứng dụng công nghệ đến tăng cường quản lý và truyền thông. Các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để đạt được hiệu quả cao trong bảo vệ thương hiệu này.

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ý kiến chuyên gia

Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt (Lâm Đồng):

Hàng hóa nhập khẩu phải hợp pháp, không gây nhầm lẫn

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ uy tín của nông sản Đà Lạt, UBND TP yêu cầu: Hàng hóa nhập khẩu phải hợp pháp, hợp lệ, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ra hiểu lầm, nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Đà Lạt.

Ông Nguyễn Đình Thiện

Để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, TP đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đây là cơ sở quan trọng trong triển khai thực hiện phát triển, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận.

LƯƠNG THỊ YẾN VÂN, Giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt:

Cần giúp người tiêu dùng nhận biết nông sản Đà Lạt

Khi nhắc đến trồng khoai, hầu hết nông dân đều rất ái ngại. Lý do vì giá nông sản giả mạo khoai Đà Lạt so với thị trường rất thấp. Người tiêu dùng nếu không phải người trồng thì rất khó nhận biết đâu là hàng Đà Lạt, đâu là hàng giả nên hàng nông sản thật bị lấn át.

Tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành có biện pháp bảo vệ nông sản Đà Lạt, có biện pháp giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là hàng Đà Lạt, đâu là hàng nhập khẩu để người dân chọn lựa.

Bà LƯƠNG THỊ YẾN VÂN

Riêng hợp tác xã của tôi đã làm QR Code quét để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những cơ sở bán các loại không có nguồn gốc và vẫn dán tem hay nhãn nông sản Đà Lạt, gây bức xúc cho nông dân và cả người tiêu dùng.

ThS - luật sư TRẦN THỊ HẢI ANH, Giám đốc Công ty Luật An Bình Phương:

Nhận diện sớm vi phạm

Hiện quy định của pháp luật không phải là không đủ mức độ răn đe. Khung phạt nặng nhất cho hành vi giả mạo thương hiệu là tước giấy phép kinh doanh và phạt tiền rất nặng.

Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt quan trọng nhất là nhận diện hành vi gian lận thương mại, cấm các hành vi đánh tráo sản phẩm để từ đó áp các quy định của pháp luật để xử lý.

ThS - luật sư TRẦN THỊ HẢI ANH

Tôi ủng hộ tất cả nông sản Đà Lạt đều phải truy xuất được nguồn gốc. Từ đây, đặt vấn đề về việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt là rất quan trọng nhằm duy trì uy tín, chất lượng và giá trị kinh tế của các sản phẩm này trên thị trường trong nước và quốc tế.

QUANG HUY - TỰ SANG - VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/7-giai-phap-bao-ve-thuong-hieu-nong-san-da-lat-post812094.html