7 gợi ý về dinh dưỡng an toàn và thoải mái cho mẹ bầu trong dịp lễ
Dịp nghỉ lễ là thời gian để mẹ bầu tận hưởng nhưng đừng quên ưu tiên dinh dưỡng an toàn. Hãy lựa chọn ăn uống thông minh để cả mẹ và em bé trong bụng khỏe mạnh suốt kỳ nghỉ.
NỘI DUNG
1. Ưu tiên thực phẩm tươi ngon và lành mạnh là dinh dưỡng số 1 với mẹ bầu
2. Kiểm soát khẩu phần ăn
3. Cẩn trọng với đồ uống
4. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
5. Bổ sung đủ chất
6. Lựa chọn món ăn dễ tiêu hóa
7. Mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh
Những ngày nghỉ lễ mang đến nhiều niềm vui và những bữa tiệc sum vầy nhưng mẹ bầu hãy nhớ ưu tiên dinh dưỡng an toàn, thoải mái.
Thay vì những món ăn có thể không phù hợp, hãy lựa chọn thực phẩm tươi ngon, lành mạnh, kiểm soát khẩu phần và uống đủ nước. Lắng nghe cơ thể và ưu tiên những món dễ tiêu hóa để mẹ bầu và thai nhi cùng tận hưởng một kỳ nghỉ lễ khỏe mạnh, trọn vẹn.
Để vừa tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ, vừa đảm bảo dinh dưỡng an toàn và thoải mái cho mẹ bầu, hãy tham khảo 7 gợi ý sau:
1. Ưu tiên thực phẩm tươi ngon và lành mạnh là dinh dưỡng số 1 với mẹ bầu

Mẹ bầu hãy ưu tiên lựa chọn các món ăn được chế biến từ thực phẩm tươi, nguyên chất.
Mẹ bầu cần xác định trước sẽ cố gắng ăn những nhóm thực phẩm nào và hạn chế những gì. Điều này giúp có sự chuẩn bị tâm lý và kiên định hơn khi đối diện với nhiều món ăn hấp dẫn. Trước khi lấy đồ ăn, hãy dành thời gian quan sát tất cả các món có trên bàn tiệc. Điều này giúp có cái nhìn tổng quan và lựa chọn những món phù hợp nhất. Mẹ bầu hãy ưu tiên lựa chọn các món ăn được chế biến từ thực phẩm tươi, nguyên chất như rau xanh, trái cây, các loại thịt nạc, cá tươi. Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất cũng như chất xơ cần thiết cho cả mẹ và bé. Tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ hộp chứa nhiều muối, chất bảo quản và phụ gia không tốt.
Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và đường: Các món chiên xào, bánh ngọt, kem thường chứa nhiều calo rỗng và không tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Hãy cố gắng hạn chế hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ để thỏa mãn cơn thèm.
2. Kiểm soát khẩu phần ăn
Mẹ bầu hãy nhớ ăn với lượng vừa phải, tránh ăn quá no gây khó tiêu, ợ nóng. Sử dụng đĩa nhỏ hơn và lấy một lượng thức ăn hợp lý cho mỗi lần. Cố gắng ăn chậm rãi và nhai kỹ để cơ thể có thời gian cảm nhận no, đừng cố gắng ăn thêm chỉ vì tiếc hoặc lịch sự.
Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ bầu có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (5 - 6 bữa) để tránh tình trạng đói quá hoặc no quá, giúp ổn định đường huyết và giảm các triệu chứng khó chịu như ốm nghén.
3. Cẩn trọng với đồ uống
70% - 80% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước, nước không chỉ giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể mà còn duy trì nhiệt độ cơ thể, đào thải các chất cặn bã qua hệ thống tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, da và là thành phần chính của chất nhờn bảo vệ các khớp xương…
Mẹ bầu cần uống đủ nước để hỗ trợ tiêu hóa và đào thải các chất không cần thiết nhưng cần tránh xa đồ uống có cồn, nước ngọt có gas, các loại nước ép đóng chai thường chứa nhiều đường và calo rỗng, không tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Thay vào đó, hãy ưu tiên nước lọc, nước ép trái cây tươi (uống với lượng vừa phải), sữa tươi không đường hoặc các loại trà thảo dược, nước canh nhạt an toàn cho thai kỳ.
Khi mang thai, do cơ thể mẹ bầu cần thêm chất lỏng để sản xuất thêm máu và nước ối nên sẽ cần từ 2,5 - 3 l nước mỗi ngày, tùy từng giai đoạn của thai kỳ. Sau tuần 27, mẹ bầu nên bổ sung thêm 500 ml/ngày để tránh nguy cơ sảy thai, sinh non.
Mẹ bầu cũng nên uống nước có nhiệt độ phù hợp, nên dùng nước ấm hoặc có thể uống nước mát chứ không nên uống nước lạnh.
4. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Mẹ bầu tuyệt đối không ăn các món ăn sống, chưa chín để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm.
Trong những ngày lễ, việc lựa chọn địa điểm ăn uống uy tín và đảm bảo vệ sinh là vô cùng quan trọng. Để đảm bảo bữa ăn cho kỳ nghỉ lễ của mẹ bầu không những ngon miệng mà còn an toàn nhất có thể, mẹ bầu tuyệt đối không ăn các món ăn sống hoặc tái như gỏi cá, nem chua, tiết canh, sushi... để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm.
Các món ăn tái sống, chưa chín luôn tiềm ẩn các loại vi khuẩn có hại như Toxoplasma, Listeria và Salmonella. Nếu nhiễm 3 loại vi khuẩn này, mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, dẫn tới nhiễm trùng não bộ thai nhi. Từ đó, mẹ có thể bị sảy thai, lưu thai hoặc sinh non, trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị dị tật. Bên cạnh đó, thực phẩm tái sống khi vào cơ thể cũng sẽ khiến hệ tiêu quá mất nhiều thời gian hơn để xử lý, khiến mẹ bị rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ.
Hãy đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ và bảo quản đúng cách... để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn gây hại cho thai kỳ.
5. Bổ sung đủ chất
Trong những ngày nghỉ lễ, mẹ bầu vẫn cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng cho thai kỳ như acid folic, sắt, canxi, DHA... thông qua chế độ ăn uống đa dạng hoặc các loại vitamin, khoáng chất bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
6. Lựa chọn món ăn dễ tiêu hóa
Ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo, các món luộc, hấp. Tránh các món ăn quá cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các loại thực phẩm gây đầy hơi như đồ nếp, các loại đậu.
7. Mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh
Khi đi chơi hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn những đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây tươi, sữa chua, các loại hạt để kịp thời bổ sung năng lượng và tránh tình trạng đói bụng.
Ngoài chế độ ăn uống, mẹ bầu cũng cần chú ý đến việc nghỉ ngơi đầy đủ và vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga phù hợp để duy trì sức khỏe tốt trong suốt kỳ nghỉ lễ. Quan trọng nhất, mẹ bầu hãy luôn lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến của bác sĩ.