Thời điểm ăn chuối tốt nhất trong ngày là khi nào?
Chuối là trái cây chứa nhiều kali, vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa, ăn chuối vào đúng thời điểm trong ngày giúp phát huy hiệu quả tối ưu.
Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, để chuối phát huy hiệu quả cao nhất, cần chọn đúng thời điểm, đúng đối tượng và không ăn tùy tiện.
Ăn chuối đúng thời điểm
Lương y Nguyễn Trung Hái cho biết, chuối rất tốt cho tim mạch, tiêu hóa và giảm stress, nhưng nếu ăn khi đói hoặc ăn quá nhiều vào buổi tối có thể phản tác dụng. Thời điểm lý tưởng nhất để ăn chuối là vào buổi sáng (9–10h) hoặc buổi chiều (15–16h) khi dạ dày đã có thức ăn, vì khi đó lượng acid trong dạ dày ổn định.
Chuối giúp cung cấp vitamin B6, kali, magie, đồng thời ổn định đường huyết, làm no lâu, phù hợp với người làm việc trí óc hoặc vận động nhẹ vào buổi sáng.
Không nên ăn chuối khi bụng rỗng (lúc vừa ngủ dậy), vì có thể gây mất cân bằng magie và canxi trong máu và ảnh hưởng đến hệ tim mạch nếu ăn khi đói. Buổi tối, nếu ăn chuối quá trễ có thể khiến tăng bài tiết insulin, ảnh hưởng giấc ngủ hoặc gây tăng cân ở người ít vận động.

Ăn chuối vào đúng thời điểm trong ngày góp phần nâng cao hiệu quả tối ưu (Ảnh minh họa)
Chọn loại chuối và độ chín phù hợp
Chuối là loại trái cây giàu dưỡng chất, nhưng việc tiêu thụ chuối cũng cần lưu ý đến mức độ chín của quả. Chuối chín quá có hàm lượng đường cao hơn nhiều so với chuối chín vừa phải, do tinh bột trong chuối chuyển hóa dần thành đường đơn như glucose và fructose.
Chuối chín quá là lựa chọn không phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường. Ăn chuối chín quá mức thường xuyên có thể làm tăng đường huyết và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị bệnh.
Ngược lại, chuối xanh tuy chứa ít đường hơn nhưng lại giàu tinh bột kháng, loại tinh bột khó tiêu. Khi tiêu thụ nhiều chuối xanh, đặc biệt là ở người có hệ tiêu hóa yếu, dễ dẫn đến hiện tượng đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là táo bón kéo dài.
Những ai cần hạn chế ăn chuối
Ngoài vấn đề liên quan đến lượng đường và tinh bột, chuối còn chứa lượng kali cao, một khoáng chất thiết yếu nhưng nếu dư thừa sẽ gây tác động xấu đến cơ thể, đặc biệt là với người mắc bệnh thận. Ở người bình thường, thận sẽ đào thải kali dư thừa ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận hoặc chức năng thận suy giảm, việc lọc bỏ kali trở nên kém hiệu quả, dẫn đến nguy cơ tăng kali trong máu. Tình trạng này có thể gây rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác, nên người bệnh thận cần đặc biệt hạn chế ăn chuối.
Lương y Hái khuyến nghị, mỗi ngày nên ăn 1–2 quả chuối, chọn chuối chín vừa, ăn cách xa bữa chính 1–2 tiếng để tránh ảnh hưởng hấp thu dưỡng chất. Kết hợp chuối với yến mạch, sữa chua hay hạt khô sẽ tạo thành bữa phụ rất tốt cho tim mạch và tiêu hóa. Ngoài ra, chuối cũng có thể dùng như một bữa phụ buổi chiều hoặc tối nếu biết cách ăn hợp lý.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thoi-diem-an-chuoi-tot-nhat-trong-ngay-la-khi-nao-ar940071.html