7 năm chinh phục 'giấc mơ Nga'
Suốt 7 năm qua, Nguyễn Thị Dạ Ngân, sinh năm 1995, trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh đã miệt mài hiện thực hóa giấc mơ du học ở xứ sở bạch dương của mình. Trở về nước với tấm bằng thạc sĩ, Dạ Ngân đang viết tiếp trang mới cho cuộc đời mình và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác.
Nhắm mắt là thấy nước Nga
Thỉnh thoảng, Dạ Ngân lại thấy mình của gần 10 năm về trước trong hình ảnh các nữ sinh THPT ở huyện Gio Linh. Bấy giờ, Ngân là một cô bé ở độ tuổi trăng tròn, yêu văn chương, có thể dành cả ngày để cắm đầu vào trang sách. Đặc biệt, những tác phẩm văn học Nga có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với Dạ Ngân. Nhiều lúc cô cảm giác như chỉ cần nhắm mắt là mình có thể đi trên con đường bạch dương nắng tràn, được ngắm những ngôi nhà đẹp như cổ tích hay ôm vào lòng con búp bê Matryoshka. Những lần “nhắm mắt là thấy nước Nga” đó đã nuôi lớn giấc mơ du học ở xứ sở bạch dương trong Ngân.
Khi nghe Dạ Ngân chia sẻ về dự định du học Nga, ba mẹ cô vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con gái đã trưởng thành, có hoài bão lớn, còn lo bởi biết Ngân sẽ khó thực hiện giấc mơ đó. Không giống như bạn bè đồng trang lứa ở các thành phố lớn, bấy giờ, Ngân chưa một ngày học tiếng Nga. Những hiểu biết về xứ sở bạch dương của cô chỉ mới nằm ở trang sách. Trong khi đó, đồng lương giáo viên của ba mẹ khó chắp cánh cho Ngân đến vùng đất xa xôi mà họ chưa từng đặt chân đến. Biết nỗi trăn trở của ba mẹ, Dạ Ngân mạnh dạn khẳng định rằng: “Ba mẹ yên tâm. Con sẽ du học ở nước Nga bằng chính sức của mình”.
Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng ba mẹ của Dạ Ngân vẫn không ngờ con gái lại đỗ thủ khoa vào Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Chỉ một năm sau đó, Ngân giành giải Nhất kỳ thi Olympic tiếng Nga dành cho sinh viên Việt Nam do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức.
Với thành tích này cùng những gạch đầu dòng ấn tượng sau một năm học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, Dạ Ngân trở thành gương mặt sáng giá cho cho tấm vé du học. Tháng 8/2014, cô nhận học bổng toàn phần theo hiệp định ký kết giữa Bộ Giáo dục Nga và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam. Đúng như nguyện ước, Dạ Ngân trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Tula mang tên Lev Tolstoy.
Trước ngày Dạ Ngân sang xứ sở bạch dương, nhiều người đến chúc mừng, động viên cô. Ai cũng vui khi biết Ngân đã thực hiện được giấc mơ của mình. Với suất học bổng toàn phần, nỗi lo của Ngân và gia đình về chi phí sinh hoạt, học tập không còn nữa. Thế nhưng, ba mẹ Dạ Ngân vẫn canh cánh trong lòng nhiều nỗi lo khác. Hai người đều lo lắng rằng, liệu cô con gái bé nhỏ, mới rời xa tổ ấm yên lành, lại luôn nhìn thế giới bằng lăng kính màu hồng của mình… có thể vượt qua những thử thách nơi xứ người hay không? Hiểu những lo âu đầy yêu thương ấy của ba mẹ, Dạ Ngân tự nhủ sẽ nỗ lực để thời gian sống, học tập ở Nga đẹp như giấc mơ.
Dấu ấn nơi đất khách
Dẫu chuẩn bị kỹ hành trang trước khi lên đường nhưng Dạ Ngân vẫn hẫng hụt trong những ngày đầu đến nước Nga. Rào cản ngôn ngữ khiến cô gái từng giành giải Nhất kỳ thi Olympic tiếng Nga và giải Nhất cuộc thi hát tiếng Nga do lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng tổ chức phải lo lắng. Để đuổi kịp bạn bè, Ngân luôn nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần. Trong khi đó, ngày đầu, nỗi nhớ gia đình, quê hương luôn dâng đầy trong trái tim Ngân.
Nhiều khi đang vùi đầu vào sách vở, một bản nhạc Việt Nam dặt dìu vang lên cũng khiến cô thổn thức. Đó là chưa kể đến cái lạnh tê tái của xứ sở bạch dương mà cô gái ở vùng nắng gió Quảng Trị chưa bao giờ gặp. Mỗi khi đau ốm, những kỷ niệm ở Việt Nam lại trào dâng, cồn cào trong lòng Ngân.
Không thể để mình thụt lùi, Dạ Ngân bắt đầu thay đổi để hòa nhập. Cô xây dựng lại thời gian biểu; chủ động làm quen với những người bạn mới; tham gia các hoạt động xã hội… Nhờ thế, mọi việc bắt đầu nằm trong tầm tay Ngân. Cô được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Sinh viên quốc tế của trường, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối đa văn hóa. Cùng với các bạn, Dạ Ngân đứng ra tổ chức nhiều festival văn hóa, các chương trình văn nghệ, lễ kỷ niệm… ý nghĩa. “Em đã có những ngày luôn phải… chạy chứ không thể đi. Thế nhưng, đó là những ngày đẹp nhất của tuổi thanh xuân”, Dạ Ngân chia sẻ.
Khi “đất lạ hóa quê hương”, niềm vui đến với Dạ Ngân ngày càng nhiều. Trong học tập, cô có sự tiến bộ ngoạn mục. Từ không mấy được chú ý, bạn bè bắt đầu nhìn Ngân bằng ánh mắt thán phục. Với những thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động cộng đồng, cô vinh dự nhận học bổng của Tổng thống Putin. Sau 5 năm đèn sách, Dạ Ngân đã tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc. Đó là kết quả mà dẫu trong mơ Ngân của những ngày đầu đến với đất nước Nga chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Quãng thời gian trên ghế giảng đường Nga qua đi quá nhanh đối với Dạ Ngân. Để không còn những tiếc nuối sau ngày trở về Việt Nam, Ngân quyết định theo học thạc sĩ tại Trường Đại học Xã hội Liên Bang Nga ở thành phố Mát-xcơ-va. Ngoài học tập, cô xác định mình phải trải nghiệm nhiều hơn về đất nước, con người Nga và các quốc gia khác trên thế giới. Vì thế, Ngân lên kế hoạch chi tiết để phát triển hài hòa giữa việc học, làm thêm và xê dịch. Cũng từ đây, cô gái người Quảng Trị đã có những trải nghiệm đầy sắc màu, rất ý nghĩa. Đặc biệt, Ngân có nhiều thời gian, cơ hội hơn để giúp đỡ mọi người.
“Trải nghiệm đáng nhớ của em rơi đúng vào thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp ở Nga. Bấy giờ, người Việt ở Nga gặp rất nhiều khó khăn. Một số người mắc COVID-19 mà không biết làm cách nào để được hướng dẫn, chăm sóc y tế. Cùng với các bạn khác, em đã dùng tất cả năng lực, sự hiểu biết và mối quan hệ mình có để giúp đỡ đồng bào. Thật may, ngày tháng khó khăn nhất sớm đi qua”, Dạ Ngân kể.
Nối những nhịp cầu
Trở về Việt Nam sau 7 năm thực hiện giấc mơ, một trong những việc làm đầu tiên của Dạ Ngân chính là viết đơn gửi đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng. Dự định này vốn được Ngân ấp ủ trong thời gian sống, học tập ở Nga. Đi qua những ngày đẹp nhất của tuổi trẻ, Ngân càng hiểu thêm ý nghĩa, giá trị của cuộc sống. Vì thế, ước mong giúp đỡ mọi người càng cháy bỏng trong lòng Dạ Ngân. “Em hiểu giá trị của việc “cho đi” và em mong mình có thể giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta giúp nhau viết tiếp những giấc mơ”, Ngân chia sẻ.
Ít ai biết, từ khi còn ở Nga, Dạ Ngân đã lặng thầm giúp nhiều người viết tiếp những giấc mơ của mình. Thấy con đường mình chọn thuận lợi và đầy ắp niềm vui, Ngân đã mạnh dạn giới thiệu, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ ở Việt Nam. Cô cũng nhiệt tình giúp các bạn trau dồi vốn tiếng Nga.
Ngân cho biết: “Em thấy cánh cửa của các trường đại học Nga ngày càng rộng mở hơn với sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Số suất học bổng toàn phần của Bộ Giáo dục Nga và Bộ GD&ĐT Việt Nam cũng tăng so với trước. Thật tiếc nếu các bạn trẻ không biết những thông tin này và nắm bắt cơ hội, vì thế em muốn làm chiếc cầu nối để giúp các bạn có những kiến thức cần thiết cho việc du học”.
Với suy nghĩ ấy, Dạ Ngân đã lặng thầm làm nhịp cầu cho nhiều bạn trẻ Việt Nam đến với đất nước Nga. Trong số những người mình từng tiếp sức, Ngân rất vui khi có em gái ruột là Nguyễn Thị Thùy Ngân. Nối bước chị, Thùy Ngân đã lựa chọn một ngôi trường đại học trong nước, sau đó tìm kiếm học bổng hiệp định để du học.
Để giúp em có hành trang tốt nhất, Dạ Ngân đã nhiều đêm cùng học tập, ôn luyện và truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng với Thùy Ngân. Ngày nghe tin em gái đỗ Trường Đại học Luật Quốc gia Moscow mang tên Kutafin, Dạ Ngân cảm thấy như mình đang bay trên mặt đất. Sau này, cái cảm giác ấy tiếp tục được nối dài với những cô, cậu học sinh khác ở Việt Nam mà đôi khi Ngân chỉ biết mặt, quen tên trên mạng xã hội.
7 năm ở Nga, Dạ Ngân đã hoàn thành ước nguyện của mình. Hiện tại, Ngân đang ươm mầm, nuôi lớn những giấc mơ khác trên chính quê hương mình. Dẫu biết khó khăn, thử thách đang chờ phía trước nhưng cô luôn tin mình sẽ vượt qua và có những trải nghiệm quý giá. Dạ Ngân luôn nhắc nhủ bản thân, hãy cứ ước mơ, hãy cứ khát khao, rồi thành công sẽ đuổi theo bạn.