7 năm đằng đẵng lo tìm hài cốt liệt sĩ sau lời trăng trối của mẹ
Hơn 7 năm qua, ông Đặng Ngọc Nga (63 tuổi, trú khối An Đông, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) tình nguyện gác việc gia đình để miệt mài đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Không những vậy, ông Nga còn đứng ra thành lập 'Đội xe máy nghĩa tình', chuyên hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm mộ người thân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ lời trăng trối của mẹ
Ông Nga tâm sự, sinh thời, mẹ ông có kể cho ông nghe chuyện bà đã tự tay chôn cất 3 chiến sĩ bộ đội hy sinh trong trận tiến công cứ điểm của Mỹ ngụy tại đồi Tranh (nay thuộc thị trấn Tân An) vào năm 1970.
Sau ngày giải phóng, bà đã vài lần đưa các lực lượng chức năng đi tìm kiếm khu mộ trên nhưng không có kết quả. Năm 2010, trước lúc lâm chung, người mẹ nắm tay ông và dặn dò, bằng mọi giá phải tìm cho được hài cốt của ba liệt sĩ và quy tập về nghĩa trang.
Thực hiện di nguyện của người mẹ quá cố, sau khi nghỉ hưu, ông Nga gác mọi công việc gia đình, dồn toàn bộ tâm sức cho công cuộc tìm kiếm dấu tích của ba chiến sĩ cách mạng năm xưa. Theo chỉ dẫn của mẹ ông Nga, mộ của 3 liệt sĩ nằm trên đồi Tranh nhưng vị trí chính xác thì bà không nhớ rõ. Vậy là, ông Nga phải lùng sục khắp quả đồi rộng cả chục hec-ta để tìm dấu vết ngôi mộ.
Ròng rã suốt hai năm trời, bất chấp nắng mưa ở cánh rừng phủ xanh cây lá, cuối cùng ông Nga cũng đã hiện thực hóa di nguyện của mẹ.
Danh tính 3 liệt sĩ sau đó được xác định là Lò Văn Nhanh (quê tỉnh Cao Bằng), Nguyễn Văn Dùng và Nguyễn Xuân Quý (cùng quê tỉnh Hải Hưng). Do hoàn cảnh chiến tranh, mẹ ông Nga khi ấy phải an táng 3 liệt sĩ vào chung một mộ. Vì thế, khi cất bốc, quy tập không thể tách riêng hài cốt từng liệt sĩ mà vẫn phải lập ngôi mộ chung.
Ông Nga nhớ lại: “Giây phút tìm được 3 bộ hài cốt, tôi mừng đến phát khóc vì bao nhiêu công sức đổ ra rốt cuộc cũng mang lại kết quả. Sau khi cùng các anh em trong Huyện đội Hiệp Đức tiến hành đưa hài cốt về nghĩa trang, xây dựng mồ mả, tôi mới đăng tin trên mạng và báo, đài nhờ kết nối với thân nhân 3 liệt sĩ”.
Lúc bấy giờ, cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Dùng là anh Nguyễn Văn Kiên nhận được thông tin từ ông Nga đã cùng gia đình đón xe vào Hiệp Đức xác nhận di cốt người thân. Nhắc lại thời khắc niềm vui sướng vỡ òa khi hay tin về người chú biền biệt hơn 40 năm, anh Kiên nghẹn ngào:
“Sau ngày giải phóng, bố và anh em tôi nhiều lần vào miền Trung hỏi thăm tung tích của chú nhưng không lần ra manh mối nào. Khi liên lạc với chú Nga và được chú kể tường tận thông tin về ngày hy sinh của 3 liệt sĩ thì tôi và gia đình đinh ninh có chú mình trong đó. Ngặt nỗi không thể tách rời từng bộ hài cốt bởi xương của cả ba người bây giờ đã trộn lẫn vào nhau.
Vì vậy, hằng năm đến ngày giỗ chú, gia đình tôi lại bắt xe vào Hiệp Đức thắp hương, cung kính trước ngôi mộ chung. Gia đình chúng tôi nguyện khắc cốt ghi tâm công ơn to lớn của chú Nga. Nếu không có chú ấy, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới tìm được hài cốt người thân của mình”.
Tới diễn đàn “Tri ân” và “Đội xe máy nghĩa tình”
Tưởng khi đã thực hiện xong di nguyện của người mẹ, ông Nga sẽ tập trung lo việc gia đình. Không ngờ, câu chuyện ông Nga 2 năm ròng rã lội khắp đồi Tranh tìm hài cốt liệt sĩ vang xa. Nhiều người biết tiếng tìm đến ông để chia sẻ kinh nghiệm, rồi có người nhờ ông hỗ trợ.
Vốn là một cựu chiến binh, từng làm du kích thời chống Mỹ, sau giải phóng đi chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia, ông Nga thấu hiểu nỗi đau mất mát, hy sinh của các gia đình liệt sĩ. Từ đó, ông Nga lại tình nguyện tiếp tục công việc tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ có kết quả cho nhiều gia đình.
Khi được hỏi về số lượng mộ liệt sĩ được ông hỗ trợ tìm kiếm và khai quật, ông Nga bảo rằng rất nhiều, không thể nhớ hết được. Ông chỉ nhớ rõ là đã phát hiện và kết nối cho 7 gia đình nhận diện 8 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Còn lại, phần lớn hài cốt liệt sĩ được khai quật chưa có người thân đến nhận, chính ông là người quy tập về nghĩa trang liệt sĩ và chăm lo hương khói.
Trong quá trình hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sĩ, ông Nga nhận ra rằng, hầu hết những người đến Hiệp Đức tìm hài cốt thân nhân đều ở xa, không thông thuộc địa hình tại đây. Vì vậy từ đầu năm 2015, ông Nga đã vận động thành lập “Đội xe máy nghĩa tình”, chuyên trợ giúp miễn phí cho những người từ phương xa đến Hiệp Đức tìm mộ người thân.
Ý tưởng đề xuất của ông Nga đầy tính nhân văn nên lập tức được nhiều người ủng hộ. Đến nay, đội xe máy nghĩa tình đã có 8 thành viên, trong đó có cả ông Đào Bội Thuyên, nguyên là chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức đã nghỉ hưu.
Đề cập đến điều này, ông Nga chia sẻ: “Chứng kiến các gia đình vất vả khăn gói bắt xe khách lên đây tìm mộ liệt sĩ lại phải phụ thuộc xe ôm, vừa đắt đỏ, vừa bị động, tôi cứ trăn trở tìm cách giúp họ vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Ước tính, đội xe máy nghĩa tình đã thực hiện hàng trăm cuốc xe ôm miễn phí, vượt các cung đường rừng núi gồ ghề, giúp hơn 30 lượt gia đình đi tìm mộ liệt sĩ”.
Nhắc đến các thành viên trong đội xe máy nghĩa tình, bà Nguyễn Thị Nga (quê tĩnh Vĩnh Phúc, hiện cư trú tại TP.Hồ Chí Minh) không giấu được nỗi xúc động. Bà kể: “Hai lần tìm về căn cứ cách mạng Hiệp Đức để dò la tung tích người anh đã hy sinh, tôi và gia đình được các anh trong đội xe máy giúp đỡ rất tận tình. Không chỉ làm tài xế đưa đường chỉ lối miễn phí, các anh còn sắp xếp chỗ ở, tổ chức giao lưu, động viên khích lệ tinh thần.
Đặc biệt, anh Nga còn lo cho từng bữa ăn. Khi gia đình tỏ ý thanh toán chi phí, thù lao thì anh Nga và mọi người nhất quyết không nhận. Được sự quan tâm hỗ trợ của anh Nga và những tấm lòng tại Hiệp Đức, gia đình chúng tôi có thêm niềm tin rằng một ngày không xa sẽ tìm thấy hài cốt anh trai”.
Sau 4 năm thực hiện việc tìm mộ liệt sĩ, năm 2014, ông Nga được kết nạp vào Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Từ đây ông có điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng địa bàn tìm kiếm ra nhiều huyện trong tỉnh.
Để các thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được trao đổi rộng rãi và kết nối nhanh chóng hơn, ông Nga đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân An lập diễn đàn trên mạng xã hội mang tên “Tri Ân”.
Ngay trên trang facebook cá nhân mang tên Đặng Ngọc Nga, những thông tin được ông Nga đăng tải, chia sẻ hầu hết đều liên quan đến việc tìm mộ liệt sĩ, trong đó có rất nhiều lời đề nghị ông giúp đỡ.
Với những cống hiến không mệt mỏi, năm 2015, ông Nga đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam trao tặng giấy khen cho mô hình “Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tìm kiếm mộ người thân hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ”.
Ngày 5/5/2017 vừa qua, ông Nga cùng đội xe máy nghĩa tình đã đưa thân nhân và đồng đội xưa của liệt sĩ Nguyễn Hữu Dũng (quê Hà Tĩnh, hy sinh tại chiến trường Hiệp Đức) đi tìm mộ liệt sĩ này.
Kết quả bước đầu đã xác định được nơi đơn vị của liệt sĩ Dũng (C34, D14, F711) đóng quân vào năm 1972. Và khi tờ báo này lên khuôn, ông Nga vẫn đang miệt mài cùng đội xe máy nghĩa tình hỗ trợ gia đình tiếp tục tìm kiếm nơi an táng ban đầu của liệt sĩ Dũng.