7 quy tắc phỏng vấn xin việc ai cũng nên biết
Chuyên gia nghề nghiệp tiết lộ những quy tắc bất thành văn quan trọng nhất khi phỏng vấn xin việc, những điều rất hiếm khi được tiết lộ với các ứng viên.
Với tư cách ứng viên, bạn thường cảm thấy mình như đang ở trong bóng tối khi cuộc phỏng vấn việc làm kết thúc. Người quản lý tuyển dụng thực sự nghĩ gì về bạn? Sự im lặng sau một cuộc phỏng vấn có nghĩa là gì?
Một số chuyên gia nghề nghiệp đã tiết lộ những quy tắc phỏng vấn xin việc bất thành văn thường không được chia sẻ với các ứng viên. Bạn có thể tham khảo để ghi điểm tối đa với nhà tuyển dụng, giành lấy cơ hội việc làm.
Người phỏng vấn muốn xem một đoạn phim nổi bật thay vì danh sách mọi thứ bạn đã làm
Anyelis Cordero, người sáng lập Propel on Purpose Coaching, dịch vụ hướng dẫn nghề nghiệp được thiết kế cho những người đi làm chuyên nghiệp, cho biết, các ứng viên xin việc chắc chắn sẽ nhận được một số câu hỏi như "Hãy cho chúng tôi biết về bản thân bạn" và "Tại sao bạn quan tâm đến công ty/vị trí của chúng tôi?". Sẽ là một sai lầm nếu bạn lặp lại những điều trong sơ yếu lý lịch.
“Người phỏng vấn mong đợi bạn trình bày ngắn gọn về sự nghiệp của mình. Quy tắc phỏng vấn xin việc bất thành văn ở đây là phải có 'đoạn phim' nổi bật. Vì hầu hết các cuộc phỏng vấn kéo dài 30 phút, nếu bạn không luyện tập, bạn sẽ mắc sai lầm khi dành quá nhiều thời gian cho câu trả lời này và không đủ thời gian để trả lời các câu hỏi khác", Cordero cho biết.

Người phỏng vấn muốn xem một đoạn phim nổi bật, chứ không phải danh sách đầy đủ mọi thứ bạn đã làm. (Ảnh: Getty Images)
Những câu hỏi phỏng vấn xin việc khác cũng có hàm ý ngầm và kỳ vọng. Gorick Ng., cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn “The Unspoken Rules: Secrets to Starting Your Career Off Right” cho biết, cần thể hiện năng lực, sự tận tâm và khả năng tương thích của bạn.
Câu hỏi phỏng vấn "Hãy kể cho chúng tôi nghe về thời điểm khi…?"; "Bạn từng làm công việc tương tự trước đây chưa?"; "Bạn có đầu óc thông minh không?"... thực chất là câu hỏi về năng lực.
Câu hỏi "Bạn có câu hỏi nào cho tôi không?"; "Bạn có quan tâm đến chúng tôi tới mức dành thời gian nghiên cứu đủ để đặt một câu hỏi mà bạn không thể tìm thấy đáp án trên Google không?"... thực chất là câu hỏi về cam kết.
Còn câu "Hãy kể cho chúng tôi nghe về bản thân bạn" thực chất là câu hỏi về năng lực, cam kết và khả năng tương thích.
Để thành ứng viên mạnh, cần hiểu vai trò của từng người phỏng vấn mình
Daniel Space, đối tác kinh doanh cấp cao về nguồn nhân lực cho các công ty công nghệ lớn, cho biết một trong những quy tắc phỏng vấn xin việc bất thành văn để có buổi phỏng vấn thành công là điều chỉnh các câu hỏi và câu trả lời dựa trên vai trò của từng người phỏng vấn.
Sharai Johnson, chuyên gia tìm kiếm tài năng kỹ thuật người Mỹ gốc Latinh và người da đen cho một công ty công nghệ lớn, cho biết cô muốn các ứng viên hiểu được sự khác biệt giữa người tìm kiếm, người tuyển dụng và người quản lý tuyển dụng.
Johnson cho biết, công việc của người tìm kiếm là thu hút sự quan tâm của những tài năng thụ động. Người tìm kiếm có thể lên lịch phỏng vấn đầu tiên, sau đó chuyển giao nhiệm vụ cho người tuyển dụng, người sẽ liên lạc với các ứng viên cho đến khi kết thúc quá trình tuyển dụng nhưng không đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng.
Johnson cho biết: "Một nhà tuyển dụng và một người tìm kiếm có thể bảo vệ, thay mặt cho ứng viên, nhưng cuối cùng, người quản lý tuyển dụng mới thực sự nhận được sự chấp thuận về ngân sách và gửi thông báo có hoặc không tuyển dụng bạn. Điều quan trọng là bạn phải hiểu những bộ phận đó và những con người đó, để biết phải liên hệ với ai và chuyển câu hỏi đến ai".

Quy tắc phỏng vấn xin việc: Để trở thành ứng viên mạnh hơn, bạn cần hiểu vai trò của từng người phỏng vấn bạn. (Ảnh: Shutterstock)
Ngôn ngữ cơ thể tạo nên sự khác biệt lớn
Laura Hunting, CEO của Found By Inc., một công ty tìm kiếm tài năng và giám đốc điều hành chuyên về thiết kế, cho biết một quy tắc phỏng vấn xin việc bất thành văn là ngôn ngữ cơ thể của ứng viên có thể nói lên nhiều điều như chính những từ ngữ họ thực sự nói ra.
"Hãy chú ý đến cách bạn ngồi, những gì bạn làm bằng tay, biểu cảm khuôn mặt, giao tiếp bằng mắt. Ngôn ngữ cơ thể gửi tín hiệu và tác động đến thành công của bạn trong một cuộc phỏng vấn, cho dù người phỏng vấn có nhận thức được tác động của nó đối với phản hồi của họ hay không", Hunting nói.
Hunting khuyên bạn nên đưa ra tín hiệu trên khuôn mặt và giao tiếp bằng mắt để cho thấy bạn là người lắng nghe tích cực. Đây là một bước nhỏ, nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Ngôn ngữ cơ thể của bạn tạo nên sự khác biệt lớn. (Ảnh: Alamy)
Bạn cần chuẩn bị để kể nhiều hơn một câu chuyện về sự nghiệp
Điều quan trọng là phải biết cách kể câu chuyện về sự nghiệp của mình khi tìm kiếm việc làm. Nhưng nếu muốn trở thành ứng viên mạnh hơn nữa, bạn cần nhiều hơn một câu chuyện để kể cho người phỏng vấn, vì họ thường tóm tắt lại cho nhau.
Space cho biết, lý tưởng nhất là bạn nên có ba hoặc bốn câu chuyện thành công để có thể luân phiên trả lời giữa các người phỏng vấn. Ông đã chứng kiến nhiều hội đồng tuyển dụng mà ứng viên bị trừ điểm nếu kể cùng một câu chuyện với mọi người.
“Nếu họ có một câu chuyện tuyệt vời về cách họ bán được hàng cho vị khách thực sự khó tính, đôi khi việc cả 5 người được nghe kể sẽ giúp củng cố câu chuyện, nhưng trong các trường hợp khác, sẽ tốt hơn nếu có những câu chuyện khác nhau”, ông nói.
Việc thúc giục sau phỏng vấn sẽ không đẩy nhanh kết quả
Thật khó chịu khi không nhận được phản hồi nào sau cuộc phỏng vấn mà bạn nghĩ là rất tốt. "Tôi có bị lờ đi không?", bạn có thể thở dài tự hỏi. Tin tốt là sự im lặng thường không phải là do vấn đề cá nhân mà có thể vì các cuộc phỏng vấn khác đang được tiến hành hoặc do bộ máy quan liêu nội bộ.
Tin xấu là những email thúc giục sẽ không đẩy nhanh quá trình. Space cho biết thời gian theo dõi phụ thuộc vào tình hình của bạn, nhưng nếu bạn đã liên lạc, hãy hiểu rằng những lời thúc đẩy sẽ không thay đổi được quyết định của người phỏng vấn.
“Không ai thích nghe điều này. Nhưng tôi vẫn chưa thấy ứng viên nào gửi email cho nhà tuyển dụng và đột nhiên, nhà tuyển dụng lại nói: 'Ồ, tôi quên mất bạn rồi", Daniel Space nói.
Điều thực sự có thể đẩy nhanh việc đưa ra lời mời làm việc là có một lời mời khác trong tay. Nếu bạn nhận được sự im lặng sau cuộc phỏng vấn xin việc, có thể bạn đang được đưa vào danh sách chờ. Sự im lặng đó có thể có nghĩa là họ thích bạn, nhưng không thích bạn đủ để đưa ra lời mời làm việc ngay lập tức, vì vậy họ đang phỏng vấn các ứng viên khác.
“Đây là tín hiệu để bạn tăng giá trị thị trường và đòn bẩy để chứng minh với công ty này rằng, 'Này, nếu tôi đủ tốt cho công ty kia, thì tôi cũng đủ tốt cho quý vị'. Nếu bạn nhận được một lời đề nghị khác và sắp hết hạn chấp nhận, hãy cho công ty này biết và xem họ có thể đẩy nhanh quyết định không'", chuyên gia Gorick Ng. giải thích.

Việc theo dõi sau phỏng vấn sẽ không giúp đẩy nhanh việc đưa ra lời đề nghị. (Ảnh: Getty Images)
Thư cảm ơn có thể là mở rộng quan hệ, nhưng không giúp bạn có công việc
Thư cảm ơn có thể là cách để kết nối với ai đó sau buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên điều đó rất hiếm khi tạo ra sự khác biệt đáng kể về việc có được tuyển dụng hay không.
Chuyên gia Space cho biết: "Nếu đưa ra quyết định dựa trên chuyện này thì đó là lãnh đạo kém, vì ứng viên chỉ cần làm thêm một bước mang tính hành chính thay vì thể hiện kỹ năng hoặc giá trị của họ. Trong 20 năm ngồi làm việc với các nhà lãnh đạo của 8 công ty khác nhau trong quá trình tuyển dụng hàng loạt, chưa bao giờ tôi thấy nhà quản lý nào nói rằng: 'Ồ, chúng ta nên chọn người này vì họ đã gửi thư cảm ơn".
Dù cảm thấy nhà tuyển dụng rất tốt, hãy hỏi những người đã làm việc ở đó
Bernadette Pawlik, chiến lược gia nghề nghiệp với 25 năm kinh nghiệm tuyển dụng giám đốc điều hành, cho biết một trong những nguyên tắc phỏng vấn xin việc bất thành văn của bà là không bao giờ nhận việc mà không trao đổi với đồng nghiệp,
Nói chuyện với những người từng làm việc với vị sếp tiềm năng, bạn sẽ có cái nhìn về văn hóa quản lý và công ty rõ nét hơn so với bất kỳ câu trả lời cẩn thận nào bạn nhận được trong cuộc phỏng vấn xin việc.
Pawlik cho biết: “Sẽ không ai nói: 'Vâng, tôi là một nhà quản lý tồi tệ'... Nhưng nếu bạn hỏi những người đồng cấp tiềm năng của mình về cách thức công việc được thực hiện và họ không đề cập đến sự hỗ trợ của người quản lý, điều đó thấy ông chủ tiềm năng này có thể là một nhà quản lý tồi”.
Bà nói thêm: “Thực tế hàng ngày tạo nên sự khác biệt giữa việc bạn háo hức đi làm hay đi làm với suy nghĩ: 'Ôi trời, còn bao nhiêu ngày nữa mới đến thứ Sáu".
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/7-quy-tac-phong-van-xin-viec-ai-cung-nen-biet-ar943987.html