7 thách thức lớn của ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2023
Nợ xấu, áp lực tăng vốn, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát, rủi ro an ninh mạng, cạnh tranh với Fintech và sự co hẹp của thị trường vốn đang là những thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng, theo Vietnam Report.
Theo Khảo sát mới nhất của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 2023 là năm có nhiều thử thách với ngành Ngân hàng, không kỳ vọng sự đột phá trong nửa cuối năm.
Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống
Nợ xấu được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới (tăng 9,1% so với thời điểm một năm trước).
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu và kèm theo đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng đã công bố ghi nhận 7 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỷ đồng. Quý I cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93%, cao hơn so với giai đoạn trước dịch.
Rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản - lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng. Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.
“Tình trạng thách thức từ nợ xấu đặt ra yêu cầu các ngân hàng cải thiện bộ đệm dự phòng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực vững chắc để chống chọi với rủi ro tín dụng”, Vietnam Report nhận định trong báo cáo.
Nguy cơ lạm phát
Khó khăn lớn nhất đối với các ngân hàng theo kết quả khảo sát cách đây một năm là nguy cơ rủi ro lạm phát đã giảm xuống, trở thành thách thức lớn thứ hai với 96,4% ngân hàng bình chọn.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI Việt Nam tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản.
Các ngân hàng lo ngại rằng việc tăng giá điện 3% gần đây, kế hoạch tăng lương cơ sở 20,8% từ tháng 7/2023 và đà tăng giá các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.
Tác động từ kinh tế toàn cầu
Rào cản lớn thứ ba được các ngân hàng chỉ ra là tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp và có rủi ro suy thoái (71,4%). Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất công bố ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm nay. Con số này tăng so với dự kiến 1,7% được đưa ra vào tháng 1 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%.
Thương mại toàn cầu giảm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2023, dẫn đến giảm cầu tín dụng; đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế đều suy yếu.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế tiếp tục thu hẹp khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm, chỉ bằng là 88,4% và 82,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong môi trường tăng trưởng thấp, các doanh nghiệp và cá nhân có xu hướng có nhu cầu vay và đầu tư thấp hơn, ảnh hưởng đến giảm nguồn thu tín dụng và các sản phẩm tài chính khác do các ngân hàng cung cấp.
Thị trường vốn bị thu hẹp
Sau một năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán rơi vào tình trạng đóng băng cùng thanh khoản căng thẳng “gõ cửa” các ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn nói chung và tác động ngược lại đến chất lượng tài sản sinh lãi của ngân hàng, các khoản trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng nắm giữ cũng có khả năng trở thành nợ xấu.
Thị trường vốn bị thu hẹp, suy giảm, phát triển chậm sẽ đè nặng lên hệ thống ngân hàng.
“Sự suy giảm của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bancassurance được nhiều ngân hàng lo ngại sẽ trực tiếp tác động tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng từ khía cạnh rủi ro chất lượng tài sản và xói mòn niềm tin”, báo cáo nêu rõ.
Áp lực cạnh tranh với Công ty Fintech
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) ngày càng tạo ra sức ép đối với các mô hình ngân hàng truyền thống ở thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm cho khách hàng cá nhân - vốn là phân khúc mang lại lợi nhuận cao và ít rủi ro.
Ngân hàng thường yêu cầu nhiều thủ tục, giấy tờ và mất nhiều thời gian để xử lý cho vay, trong khi quy trình cho vay và giải ngân của các công ty Fintech đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều.
Để cạnh tranh, ngân hàng cần phải thay đổi cả về chiến lược kinh doanh, công nghệ và chất lượng dịch vụ .. là những nhiệm vụ không hề đơn giản và không thể giải quyết một sớm một chiều.
Tăng vốn để cải thiện hệ số an toàn
Áp lực tăng vốn điều lệ gia tăng nhằm mục tiêu cải thiện các hệ số an toàn vốn và vị trí xếp hạng của ngân hàng cũng được điểm danh là các thách thức mà ngân hàng cần đương đầu thời gian tới.
Trong năm 2023, nhiều ngân hàng đã công bố trở lại kế hoạch tăng vốn điều lệ đầy tham vọng, trước dự báo thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn.
Thống kê cho thấy tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2023 của 28 ngân hàng có công bố thông tin lên tới hơn 163.000 tỷ đồng, tương đương tăng 26,7%, lên mức gần 776.000 tỷ đồng.
Con số này cao hơn mức kế hoạch kỷ lục tăng thêm 154.000 tỷ đồng của năm 2022, và gấp 1,6 lần kế hoạch tăng thêm 100.000 tỷ đồng của năm 2021. Điều này cho thấy càng về những năm sau này, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng càng trở nên mạnh mẽ hơn nhưng cũng đầy thách thức hơn.
Rủi ro an ninh mạng
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. 100% ngân hàng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, tăng cường an ninh mạng là ưu tiên số một trong những chiến lược trọng tâm năm nay.
Tuy nhiên, đi cùng quá trình này, rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu… cũng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, giao dịch an toàn, bảo mật là tiêu chí thứ hai mà khách hàng xem xét khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng (77%).