7 thói quen gây hại trong nhà bếp
Có những thói quen khiến nhà bếp cũng có thể là nguồn gốc gây hại cho sức khỏe nếu không được giữ sạch sẽ và tuân thủ những quy tắc trong vệ sinh.
Không tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cơ bản như: để chung thức ăn sống và chín, không sắp xếp thực phẩm khoa học, rã đông thực phẩm sai cách… có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Để thức ăn chín và thức ăn sống lẫn lộn
Nhiều người thường chất thức ăn vào tủ lạnh một cách bừa bộn mà không quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Để tránh sự ô nhiễm chéo, chúng ta phải tuân theo các quy định nhất định về cách bố trí thực phẩm trong tủ lạnh.
Theo bà Ellen Shumaker - chuyên gia về Khoa học Thực phẩm tại Mỹ, thực phẩm sống có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh, vì vậy cần đặt chúng ở dưới các loại thực phẩm đã chế biến sẵn để tránh tiếp xúc.
Do đó, nếu muốn thức ăn của mình an toàn cho sức khỏe, cần lưu trữ thực phẩm sống ở giá đỡ dưới cùng của tủ lạnh và giữ các loại thực phẩm đã chế biến ở trên. Chúng ta cũng cần sử dụng nắp và đồ đựng thích hợp, cũng như vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh tích tụ bụi và độ ẩm.
Không sắp xếp đồ ăn một cách hợp lí
Khi xếp đồ vào tủ kệ lưu trữ thực phẩm, nhiều người có thói quen đặt các sản phẩm yêu thích hoặc thường dùng ở phía trước để dễ dàng lấy ra. Tuy nhiên, theo Martin Bucknavage - chuyên gia phụ trách an toàn thực phẩm tại bộ môn Khoa học Thực phẩm của Đại học Pennsylvania State, chúng ta nên áp dụng một phương pháp gọi là "trước trước sau sau".
Theo Bucknavage, phương pháp này bao gồm: Sử dụng sản phẩm cũ nhất trước, dựa trên thời hạn sử dụng được ghi trên bao bì. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo sử dụng hết các sản phẩm trước khi chúng hết hạn và tránh lãng phí thực phẩm, để quên chúng ở phía sau tủ kệ.
Dùng chung dụng cụ để nấu và nếm thức ăn
Một phần thú vị khi nấu ăn tại nhà là nếm thức ăn trong quá trình nấu, giúp đảm bảo sự cân bằng hợp lý của các gia vị. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng cách, việc nếm thử thức ăn có thể dẫn đến sự phát tán vi khuẩn và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, dụng cụ nếm và nấu thức ăn nên là hai dụng cụ khác nhau.
Rã đông đồ ăn quá lâu
Thường khi rã đông thực phẩm, nhiều người để chúng rã đông tự nhiên trên bàn trong khi đi làm hoặc làm việc vặt khác. Tuy nhiên, theo chuyên gia an toàn thực phẩm Martin Bucknavage, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.
Chuyên gia An toàn Thực phẩm Jeff Shumaker cũng nhấn mạnh rằng thực phẩm không nên được để ở nhiệt độ trên 41 độ F và dưới 135 độ F (đối với thực phẩm nóng) trong hơn 4 giờ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, để đảm bảo thực phẩm của bạn được an toàn và ngon miệng, hãy tính toán để thực hiện quá trình rã đông hợp lí, thay vì để thực phẩm rã đông tự nhiên trên bàn.
Để thớt ướt chồng lên nhau
Việc để các tấm thớt chồng lên nhau là một sai lầm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, có thể dẫn đến sự phát triển của nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Thay vì chồng tấm thớt cắt lên nhau, bạn nên để thớt dựng đứng hoặc đặt chúng trên giá để thớt khô một cách nhanh chóng.
Sử dụng khăn lau cho bát đũa
Trong nhà bếp, việc giữ cho bề mặt bếp và dụng cụ luôn sạch sẽ và an toàn là rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và bệnh tật. Một trong những thói quen xấu có thể gây hại đến sức khỏe là lau khô dụng cụ bằng khăn lau chén. Khăn lau chén có thể trở thành một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi nảy nở, đặc biệt là khi chúng được sử dụng để lau khô các dụng cụ còn ướt.
Cho thú cưng vào phòng bếp
Trong quá trình nấu ăn, không nên để thú cưng ở trong nhà bếp. Điều này rất rõ ràng vì động vật có thể làm nhiễm khuẩn khu vực này với lông, nước bọt và các chất bài tiết khác. Mèo và chó đều có thể mang theo vi khuẩn gây bệnh, gây hại đến sức khỏe của con người.