7 thói quen lặp lại mỗi ngày đang gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, số 1 rất nguy hiểm
Các chuyên gia Trung Quốc đã liệt kê 7 thói quen nhiều người đang mắc phải sẽ làm tổn thương não bộ mà không hay biết.
Bỏ qua bữa sáng
Không phải ngẫu nhiên mà bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Sau một đêm dài, dạ dày trong trạng thái trống rỗng và cần được nạp nhiên liệu để vận hành. Cơ thể cũng cần cung cấp đủ năng lượng để phục vụ cho các hoạt động trong ngày.
Không ăn sáng có thể dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu thấp, và điều này rất có hại cho não, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Nguyên nhân là bộ não sử dụng năng lượng hơn bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể (chiếm tới 20% tổng lượng glucose bạn nạp hàng ngày).
Khoảng 2/3 năng lượng mà não có được sử dụng để giúp các tế bào thần kinh phát tín hiệu đến phần còn lại của cơ thể. 1/3 còn lại dùng cho việc bảo trì và chăm sóc tế bào. Nếu thường xuyên bỏ qua bữa sáng, tức là bạn đã vô tình làm thâm hụt nguồn năng lượng đó. Dần dần, não bộ trở nên phản xạ kém vì các tế bào yếu dần và chết đi. Kém minh mẫn, uể oải, không tập trung… tất cả những yếu tố đó khiến hiệu suất làm việc của bạn giảm sút.
Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm hỏng đáng kể các tế bào não và dễ dẫn đến chứng mất trí nhớ, điều này có liên quan đến việc làm mỏng vỏ não. Mặc dù vỏ não bị mỏng đi một cách tự nhiên khi tuổi càng cao, tuy nhiên các nghiên cứu chứng minh việc hút thuốc có liên quan đến việc làm tăng tốc quá trình bào mòn vỏ não, như một dấu hiệu sinh học cho việc suy giảm khả năng nhận thức ở người trưởng thành.
Mặt khác, quá trình phục hồi vỏ não có diễn ra, nhưng với tốc độ rất chậm. Lớp vỏ não là nơi thực hiện chức năng nhận biết như lưu giữ các ký ức, ngôn ngữ và sự nhận thức. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc dừng hút thuốc giúp phục hồi một phần vùng vỏ não bị “ăn mòn”.
Uống không đủ nước
Cơ thể chúng ta được tạo thành từ 70% nước, vì vậy nước rất quan trọng đối với mọi chức năng của cơ thể, bao gồm cả não bộ. Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu bạn tập thể dục với cường độ mạnh trong 2 tiếng, không bổ sung đủ nước, sẽ dẫn đến khả năng nhận thức bị suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đại não.
Ăn quá nhiều đường
Cơ thể và não bộ của chúng ta cần đường để hoạt động tốt, nhưng nếu nạp quá nhiều đường vào cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác nhau. Ngay cả nghiên cứu của Đại học New York chỉ ra rằng, mỗi ngày chỉ cần ăn bình quân 2,5 muỗng đường, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên 54%.
Làm việc trong môi trường căng thẳng
Căng thẳng có thể có tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả đại não. Khi căng thẳng quá độ, cơ thể sẽ tiết ra "cortisol", được mệnh danh là "hormone căng thẳng", không chỉ giết chết các tế bào não, mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, suy giảm trí nhớ.
Theo các chuyên gia, căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nhưng để căng thẳng mạn tính mang lại hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe bản thân. Các nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc để ngăn chặn tác động bất lợi của căng thẳng lên não.
Cách tích cực nhất để giải quyết stress và duy trì bộ não khỏe mạnh là tự thân mọi người tìm cách giảm stress, như ngủ đủ giấc, tập thể dục, kết hợp liệu pháp thư giãn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc đến bác sĩ khi cần thiết.
Thiếu ngủ
Có những ngày bạn cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ và chẳng muốn làm việc chút nào. Đó là vì đêm hôm trước (hoặc nhiều hôm trước nữa) bạn thiếu ngủ. Hậu quả trước mắt thì bạn đã nhìn thấy, còn về lâu dài, thiếu ngủ sẽ gây tác động xấu đến hệ thần kinh.
Lý do là ngủ không đủ giấc khiến tế bào thần kinh hoạt động kém, dẫn tới sự uể oải về tinh thần cũng như thiếu sáng suốt về trí óc. Hơn thế nữa, các giác quan và phản xạ của bạn cũng thiếu nhanh nhẹn, làm tăng nguy cơ gặp tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Nếu bạn để tình trạng thiếu ngủ trở thành mãn tính, những ảnh hưởng nêu trên sẽ tác động vĩnh viễn tới sức khỏe và tinh thần của bạn. Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy mình quá bận rộn đến mức không ngủ đủ, hãy suy nghĩ ngược lại rằng: một giấc ngủ “no nê” sẽ giúp bạn phấn chấn, làm việc hiệu quả và gặt hái nhiều thành tích hơn.
Với những người khó ngủ hoặcmất ngủ, nên tìm đến các liệu pháp an thần thay vì dùng thuốc. Một số bài tập yoga, thiền… cũng giúp não bộ relax và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Ăn quá nhiều
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa béo phì và mất trí nhớ. Tình trạng béo phì xảy ra khi thực phẩm chúng ta ăn thiếu dinh dưỡng, dẫn đến mong muốn ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể về vitamin và khoáng chất. Vì thế, ngay cả khi bạn ăn nhiều, não bộ của bạn vẫn có nguy cơ thiếu chất.
Cách khắc phục là gì? Chọn dùng thực phẩm ít carb, nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh. Loại bỏ thức ăn nhanh (chứa vô số chất béo không lành mạnh), mì gói, thực phẩm đóng hộp, đồ uống có gas… ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày, thay vào đó là ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây…