7 thực phẩm chứa độc tố trong bếp
Khoai tây mọc mầm, trái cây thối, cá chưa bỏ túi mật... đều chứa độc tố và có thể dẫn tới tử vong.
1. Khoai tây mọc mầm
Khoai tây có chứa solanine, một loại alkaloid có hại. Sau khi nảy mầm, hàm lượng solanine trong mắt chồi, rễ khoai tây tăng lên. Người ăn loại khoai tây này có thể bị buồn nôn, đau bụng hoặc nặng hơn là khó thở.
2. Bạch quả tươi
Bạch quả tươichứa các thành phần độc hại như axit, phenol, có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Bạch quả chỉ có thể sử dụng khi đã trải qua quá trình nấu, gia nhiệt. Tuy nhiên, kể cả khi đã nấu chín, bạn cũng chỉ nên ăn mỗi lần dưới 10 hạt bạch quả.
3. Đậu nành tươi
Đậu nành tươi chứa chất ức chế trypsin, cản trở sự hấp thụ protein, kích thích đường tiêu hóa. Ngoài ra, lectin trong đậu nành sống có thể gây buồn nôn và nôn khi tiêu thụ quá mức.
Sau khi đậu nành được nấu chín, các chất độc hại sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn và bạn có thể ăn. Sữa đậu nành cũng cần phải đun sôi trong 8 phút trước khi uống.
4. Mật cá
Túi mật của cá trích, cá trắm cỏ, cá chép và các loại cá khác có chứa mật. Mật nằm ở bụng cá, thường có màu vàng lục nhạt hoặc xanh đen, phải loại bỏ trước khi nấu. Mật cá dù được nấu chín vẫn gây hại cho tế bào con người và có thể khiến bạn buồn nôn, nôn mửa dữ dội, đau bụng cùng các triệu chứng khác.
5. Mía mốc đỏ lõi
Các chất độc do nấm mốc phát triển trong thân mía có thể gây ra những tác hại nhất định cho con người. Các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra sau khi bị ngộ độc nhẹ, trường hợp nặng là co giật, có thể tử vong do suy hô hấp.
Cách nhận biết mía mốc: Vỏ mía thiếu độ bóng, có đốm mốc, mềm, ở phần cuối thân mía sẽ xuất hiện chất kết bông hoặc bông xốp. Sau khi róc vỏ, ruột mía màu sẫm, cấu trúc lỏng lẻo, trong cùi có các sợi màu đen hoặc đỏ.
Bạn cần chọn cây mía có lớp vỏ sáng, ruột màu trắng vàng để đảm bảo không bị nấm mốc.
6. Trái cây thối
Trái cây để lâu thường bị vi sinh vật xâm nhập, trong đó có penicillium và sẽ sinh ra patulin sau khi chuyển hóa. Chất này có thể gây rối loạn chức năng tiêu hóa, phù thận và các bệnh khác.
Khi một phần của trái cây bị mốc, patulin đã lan sang các phần khác của quả. Vì vậy, thấy quả thối, bạn cần vứt bỏ ngay.
7. Hạt dưa bị đắng
Hạt dưa bị đắng do đã nhiễm nấm mốc. Nó có thể chứa aflatoxin, một trong những chất hóa học gây ung thư mạnh nhất. Nếu ăn phải hạt dưa đắng, bạn hãy nhổ bỏ và súc miệng bằng nước.
Theo Ngoisao.net
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/me-be/7-thuc-pham-chua-doc-to-trong-bep/256725.htm