70 cán bộ quân y Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19 trước khi đến Nam Sudan
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho lực lượng quân y làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan trước khi lên đường vào cuối tháng 3.
Sáng 16/3, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 cho 70 nhân viên thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) trước khi đến Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình vào cuối tháng 3.
Đây là điểm thứ 2 tại TP.HCM, sau Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) thực hiện tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca.
Dự kiến, mũi tiêm thứ 2 cho các cán bộ, nhân viên của BVDC 2.3 sẽ được thực hiện ở Nam Sudan.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, việc tiêm vắc xin Covid-19 thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và sự chủ động phòng chống dịch khi đưa lực lượng nhân viên bệnh viện dã chiến vào đất nước Nam Sudan.
Theo ông Sơn, có 2.100 cán bộ, nhân viên của bệnh viện sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sau lực lượng của BVDC 2.3 gồm: Lực lượng làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1, Bộ đội Biên phòng tại tỉnh Tây Ninh, cán bộ nhân viên tại các khoa Khám bệnh, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Xét nghiệm…
Ngoài ra, bệnh viện sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tiêm vắc xin cho lực lượng biên phòng tham gia kiểm soát cửa khẩu, điểm chốt chặn của tỉnh Tây Ninh.
Thay mặt cho cán bộ, nhân viên của BVDC 2.3, Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BVDC 2.3 chia sẻ, đây là sự khuyến khích, động viên nhân viên bệnh viện nỗ lực, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phái bộ Nam Sudan.
Ông Hòa cũng bày tỏ sự cảm ơn của Chính phủ, Ban chỉ đạo Cục quân y, Bệnh viện Quân y 175 đã ưu tiên cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho cán bộ, nhân viên bệnh viện dã chiến trước ngày lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phương tiện chẩn đoán điều trị còn thiếu thốn.
Là bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm phẫu thuật cho bệnh nhân tại Nam Sudan, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Ngoại, BVDC 2.3 chia sẻ: “Trước khi tiêm, tôi có tìm hiểu về vắc xin của hãng AstraZeneca. Là người làm nghề nên tôi hiểu bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tỷ lệ không mong muốn nhất định nên không cảm thấy lo lắng gì. Tôi cũng như các đồng đội của mình cảm thấy an tâm hơn khi được chích vắc xin ngừa Covid-19 và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong vài ngày tới”.
Bác sĩ Nam cũng cho biết, quá trình huấn luyện của BVDC 2.3 không có sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội Anh, Mỹ, Úc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, đây là quá trình huấn luyện đặc biệt nhất từ trước tới nay.
Đại úy Trần Thuận Trang, Điều dưỡng trưởng, Khoa Khám bệnh, BVDC 2.3 chia sẻ, công việc phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nên khi được tiêm vắc xin, chị cảm thấy tự tin hơn khi thực hiện nhiệm vụ.
Trung úy chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Như Ngọc, Khoa Ngoại, BVDC 2.3 bày tỏ, khi biết mình là một trong những nhân viên y tế đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19 chị cũng cảm thấy lo lắng, hồi hộp, bởi đây là loại vắc xin mới. Tuy nhiên, sau khi tiêm chị cảm thấy nhẹ nhàng, yên tâm, không còn cảm giác như lúc đầu.
Giám sát việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho cán bộ, nhân viên bệnh viện dã chiến, Đại tá Nguyễn Hữu Mỹ, Cục Phó Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng) cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Ở Nam Sudan, mỗi ngày có trên 100 ca mắc mới.
Ở Việt Nam, tuy dịch đã được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Quyết liệt chống dịch nhưng triệt để dập dịch là biện pháp toàn thế giới và Việt Nam đang áp dụng.
Ở trong nước, do điều kiện hạn chế nên mới có hơn 117.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 và được Chính phủ phân bổ cho Bộ Quốc phòng, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc đi vào vùng dịch, trong đó có bệnh viện dã chiến.
Do lượng vắc xin có hạn và cần tiêm kéo dài, Đại tá Nguyễn Hữu Mỹ cũng đề nghị cán bộ, nhân viên bệnh viện dã chiến tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Liên Anh