70% khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vé tháng
Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000-36.000 khách, ngày cuối tuần 24.000-26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000-8.000 khách/giờ.
Ngày 11- 4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các loại phương tiện giao thông cá nhân.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô.
Trong chương trình, đại diện lãnh đạo đơn vị quản lý giao thông, các chuyên gia và những nhà khoa học về chuyên ngành Giao thông vận tải (GTVT) và đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã đưa ra các giải pháp phát triển phương tiện giao thông công cộng nội đô, đặc biệt là đường sắt đô thị đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân.
Đáng lưu ý, theo Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) Lê Anh Nam, trong hệ thống GTVT ở các đô thị lớn trên thế giới thì hệ thống ĐSĐT được coi là xương sống. Hà Nội với đặc thù là Thủ đô đồng thời là một đô thị lớn nhưng hiện mới chỉ có 1 tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021 và dự kiến trong thời gian tới là khai thác đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy của tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Việc phát triển ĐSĐT ở Thủ đô trong thời gian qua là khá hạn chế so với nhu cầu và cần có các cơ chế, giải pháp và cách thức triển khai mạnh mẽ hơn để thay đổi bộ mặt Thủ đô cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong thời gian tới.
Ông Lê Anh Nam và nhiều đại biểu cùng có chung kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến ĐSĐT đã có trong quy hoạch GTVT Thủ đô với các cơ chế ưu đãi về vốn, thủ tục hành chính rút gọn.
Cùng quan điểm, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội dẫn chứng, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất.
Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000-36.000 khách, ngày cuối tuần 24.000-26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000-8.000 khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%. Nhiều người chia sẻ, từ khi đi làm bằng đường sắt đô thị đã hình thành thói quen đi bộ, tốt cho sức khỏe.
Song, theo TS Vũ Hồng Trường, để ĐSĐT giữ vị trí ngày càng quan trọng, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần rõ nét, đầy đủ hơn nữa. Ngoài mở rộng mạng lưới ĐSĐT thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân, tạo thành hoạt động vận tải toàn diện.
Cho ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, để làm điều đó cần có chính sách đột phá. UBND thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, cụ thể hóa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đích đến là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), nhằm từng bước giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng hành khách lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí.