72 ngày 'hành xác' của vợ chồng Anh lênh đênh trên biển vì Covid-19
Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến chuyến du lịch vòng quanh thế giới của cặp vợ chồng Simon và Kerry, bệnh nhân đa xơ cứng nặng, biến thành cuộc 'hành xác' hơn 2 tháng trời.
Đáng lẽ đây là chuyến du lịch đáng nhớ của cặp vợ chồng người Anh Simon Lafrenais (57 tuổi) và Kerry Lafrenais (47 tuổi). Trái lại, đại dịch Covid-19 đã biến nó thành cuộc đua đầy căng thẳng trên đại dương.
Để trả tiền cho chuyến đi vòng quanh thế giới kéo dài 99 ngày trên con tàu Arcadia sang trọng, hai vợ chồng đã thế chấp căn nhà của họ và vay 36.000 bảng Anh.
Ban đầu, chuyến du lịch được lên kế hoạch vào năm 2023, khi Simon lĩnh khoản lương hưu lần thứ nhất. Tuy nhiên, bệnh đa xơ cứng của Kerry xuất hiện từ 18 năm trước ngày một tệ hơn. Cô bị liệt hoàn toàn và thị giác không còn ổn định. Vì vậy, Simon nhận ra phải thực hiện chuyến đi trước khi quá muộn.
Nhớ lại ngày bật mí chuyến đi dày công sắp xếp với vợ, Simon cho biết: “Cô ấy sững sờ, yêu cầu tôi nói lại về việc ấy và bật khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc”.
Trong những ngày tiếp theo, Kerry phấn khích lên kế hoạch nên mặc gì, tham quan nơi nào. Simon cũng thấy nhẹ nhõm bởi trong 3 tháng sắp tới, đội ngũ y bác sĩ và thủy thủ đoàn sẽ giúp anh chăm sóc vợ.
Tuy nhiên, thay cho những kỳ vọng của hai vợ chồng, đại dịch Covid-19 xuất hiện và biến chuyến du ngoạn thế giới thành một cuộc “hành xác”. Con tàu Arcadia phải lênh đênh trên biển hơn 30.000 km trong suốt 1 tháng mà không được đặt chân lên đất liền kể từ ngày 11/3. Thuyền trưởng cho biết đây là kỷ lục chưa từng thấy đối với tàu du lịch.
Dưới đây là nhật ký của Simon cùng các bài đăng tải trên truyền thông và mạng xã hội trong 72 ngày trên biển của du thuyền Arcadia.
Covid-19 vẫn là mối đe dọa xa vời
Ngày 3/1, một màn pháo hoa rực rỡ diễn ra khi tàu Arcadia khởi hành từ cảng Southampton (Anh). Trong số 2.388 hành khách, có lẽ chẳng ai để ý rằng một đại dịch gây ra bởi loại virus chưa được đặt tên mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).
Simon và Kerry cũng vậy. Họ đang hào hứng với chuyến đi kỷ niệm 15 năm ngày cưới này. Simon viết lên Facebook: “Southampton, xin chào. Bắt đầu chuyến phiêu lưu. Hy vọng sóng yên biển lặng”.
Ngày 15/1, sau khi con tàu vượt Đại Tây Dương và đi vào vùng biển Caribbean, hai vợ chồng lo lắng cho sức khỏe của Kerry nhiều hơn là dịch Covid-19.
Lúc này, họ vẫn chưa biết đến sự tồn tại của dịch bệnh đang lan nhanh từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc hay Thái Lan.
Chân của Kerry trở nên đau nhức bất thường. Triệu chứng này do viêm mô tế bào, một căn bệnh nhiễm trùng gây ra. Các y bác sĩ trên tàu kê thuốc kháng sinh cho Kerry, đồng thời cảnh báo cô có thể phải cắt cụt chi nếu tình trạng tệ hơn.
Ngày 27/1, tàu Arcadia đi qua Panama. Nhờ có thuốc kháng sinh, Kerry đủ sức để thưởng thức cảnh đẹp của cầu Golden Gate và nhà tù Alcatraz khi tới San Francisco, Mỹ. Mặc dù dịch Covid-19 đang lan rộng hơn, tàu Arcadia chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh.
Ngày 3/2, sau một tuần lênh đênh trên biển không có Internet, thông tin về đại dịch vẫn là con số 0 đối với các du khách. Thậm chí, con tàu còn chuẩn bị tiến tới châu Á - nơi các ca lây nhiễm đang tăng theo cấp số nhân.
Ngày 4/2, du thuyền Diamond Princess - con tàu cùng tập đoàn sở hữu Arcadia - bị cách ly tại Nhật Bản sau khi hơn 100 hành khách bị phát hiện dương tính với chủng virus corona mới. Điều này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các tàu khác.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thuyền trưởng của Arcadia hủy bỏ chặng du lịch châu Á. Thay vào đó, các hành khách sẽ dành nhiều thời gian hơn ở Australia và New Zealand.
Ngày 11/2, Kerry nhận được một cái bánh ngọt và thiệp chúc mừng sinh nhật từ thuyền trưởng. Lúc này, lộ trình lại thay đổi lần nữa. Do đảo Tonga bùng phát bệnh sởi, con tàu Arcadia chuyển hướng tới Tahiti - hòn đảo được mệnh danh là “Nữ hoàng Thái Bình Dương”.
Lúc này, chủng mới của virus corona vẫn là một mối đe dọa xa vời đối với các hành khách trên chuyến tàu. Họ lo bị cháy nắng nhiều hơn là căn bệnh đang cướp đi hàng nghìn mạng sống trên đất liền.
Ngày 11/3, Australia và New Zealand trở thành điểm nhấn của chuyến đi của hai vợ chồng nhà Lafrenais. Ở Brisbane, Kerry hào hứng khi được ôm một con koala. Simon thích thú ngắm cảnh ở thành phố Hobart. Anh mô tả khung cảnh đó trên mạng xã hội: “Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được vẻ đẹp ngoạn mục này”.
Nỗ lực chạy thoát đại dịch
Tuy nhiên, đại dịch ngày một tiến gần hơn tới con tàu Arcadia. Du thuyền rời khỏi cảng Fremantle nằm ở khu vực phía tây Australia, nơi vừa xuất hiện 2 hành khách nhiễm bệnh, chỉ vài giờ trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch thế giới.
Từ ngày 12-21/3, du thuyền Arcadia bị từ chối cập cảng ở nhiều nơi, trong đó có Sri Lanka. Đó là khoảnh khắc đau lòng đối với Simon. Cha mẹ anh di cư đến Sri Lanka vào năm 1966, một năm trước khi anh chào đời.
Simon chia sẻ: “Đây là cơ hội cuối cùng để giới thiệu Kerry với người thân ở Sri Lanka. Cô ấy đang yếu dần. Hơn nữa, chúng tôi cũng không đủ tiền để có thể thực hiện chuyến đi này một lần nữa”.
Khi Dubai và Malta đóng cảng, tàu Arcadia phải chuyển hướng từ kênh đào Suez vào Địa Trung Hải.
Simon viết trên mạng xã hội: “Hành trình du lịch vòng quanh thế giới của chúng tôi bị rút ngắn lại. Thông tin xấu xuất hiện mỗi ngày. Những con tàu du lịch trở thành kẻ bị ruồng bỏ của thế giới. Không ai cho chúng tôi hạ neo”.
Ngày 22/3, thời điểm du thuyền Arcadia tiến vào vùng Horn of Africa (tạm dịch: Sừng châu Phi) cũng là lúc đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 30.000 sinh mạng. Chưa có hành khách nào dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng họ vẫn phải tuân thủ giãn cách tối thiểu 2 m và ngồi cách nhau trong các bữa ăn.
Nỗi lo lắng và thất vọng ngày một lớn khi các hành khách bị từ chối cho phép sơ tán ở thành phố Durban (Nam Phi), sau đó buộc phải chờ thêm 5 ngày ngoài biển để được tiếp nhiên liệu và thực phẩm. Simon sợ rằng vợ anh không còn đủ thuốc nếu con tàu bị giữ lại lâu hơn.
Ngày 29/3, con tàu trên đường trở về Vương quốc Anh. Lúc này, hai vợ chồng dành thời gian ở trong cabin nhiều hơn trước những nỗi lo về dịch bệnh. Simon liên lạc với hàng xóm, nhờ họ mua hộ một số nhu yếu phẩm trước khi cả hai về tới nhà. Anh rất ngạc nhiên khi mua sắm online giờ cũng trở nên khó khăn.
“Trong khi giấy vệ sinh cháy hàng, rau và trái cây thì lại còn nhiều. Tôi nghĩ mọi người đã ưu tiên nhầm mặt hàng thiết yếu cho mùa dịch”.
Ngày 12/4, sau 31 ngày lênh đênh trên biển, du thuyền Arcadia cuối cùng cũng cập bến an toàn tại Southampton, nơi xuất phát hồi tháng 1. Không có hành khách nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Lúc này, hơn 110.000 người đã tử vong vì đại dịch Covid-19. Vương quốc Anh trở thành ổ dịch mới của thế giới.
Simon và Kerry đều hiểu rằng mọi chuyện có thể tồi tệ hơn. Họ cũng biết ơn khi nhận được một phiếu bồi thường từ hãng tàu cho chuyến đi 33 ngày vào năm tới. Điều này giải tỏa được nỗi lo lắng của Simon rằng Kerry không có gì để mong đợi sau khi kết thúc chuyến đi đầy thất vọng này.
Hai vợ chồng lái chiếc xe chất đầy hành lý trở về Lincolnshire. Đầu họ đầy những ký ức buồn vui lẫn lộn về hành trình 72 ngày vừa qua và suy nghĩ về tương lai tự cách ly sau những bức tường nhà thân quen.