74 người bị ngộ độc thực phẩm ở Khánh Hòa do đâu?
Hàng chục học sinh, người tiêu dùng ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã bị ngộ độc sau khi ăn cơm cuộn.
Ngày 27/4, Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, đã có báo cáo kết thúc vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bán hàng rong trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Theo đó, trên cơ sở kiểm tra, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ, Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm kết luận nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm với hàng chục học sinh, người dân trên địa bàn thị trấn Tô Hạp (Khánh Hòa, Khánh Hòa) ngày 9/4 vừa qua là do vi sinh vật - vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Đây là vi sinh vật - vi khuẩn gây đau bụng nhiều lần, buồn nôn, thời gian ủ bệnh 2-6 tiếng... Các cơ quan chức năng nhận định, các ca ngộ độc có điểm chung là ăn cơm cuộn, cơm nắm do bà Bùi Thị Lương (trú thị trấn Tô Hạp) bán hàng rong gần trường THCS Tô Hạp, chế biến sẵn để vào thùng xốp và bán cho các em ăn sáng.
Trước đó, lúc 10h20 ngày 9/4, Trung tâm Y tế Khánh Sơn nhận được tin báo của Trạm Y tế thị trấn Tô Hạp có bốn em học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.
Chỉ thời gian ngắn sau, có 74 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó 37 học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, 15 học sinh trường THCS Tô Hạp, 22 trường hợp người dân.
Các ca ngộ độc có đặc điểm chung là ăn cơm cuộn, cơm nắm của bà Lương. Theo lời khai của bà Lương với cơ quan chức năng, ngày 9/4, bà Lương đã bán hết 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn; không còn thức ăn đã chế biến.
Nguyên liệu chế biến món cơm nắm, gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xốt mayonnaise, tương ớt, tương cà. Còn món cơm cuộn, gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt xào, dưa leo bào sợi, củ cải muối chua sợi cắt...
Đội điều tra ngộ độc thực phẩm huyện Khánh Sơn không thu được mẫu thức ăn cơm nắm, cơm cuộn đã chế biến mà chỉ lấy 11 mẫu nguyên liệu thực phẩm, gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy, mẫu rong biển cơm cuộn phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus và phát hiện chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin. Kết quả này phù hợp với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Khánh Hòa, do tại thời điểm điều tra, tại cơ sở bà Bùi Thị Lương không còn mẫu thức ăn đã chế biến nên Đội điều tra không lấy được mẫu thức ăn nghi ngờ (cơm nắm, cơm cuộn) của bữa ăn gây ngộ độc thực phẩm. Do đó không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc.
Đơn vị này kiến nghị ngành chức năng phạt hành chính cơ sở chế biến thức ăn tự phát của bà Lương; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho các gia đình, trường học, học sinh về các biện pháp đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bữa ăn học đường, không ăn vặt, ăn đồ ăn bày bán hàng rong...