75% các cuộc tấn công mạng đều tận dụng các lỗ hổng trong Microsoft Office

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, biến ransomware thành một dịch vụ cho tội phạm mạng.

Trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng biến đổi không ngừng, các tổ chức và cộng đồng phải đối mặt với cục diện đầy bất ổn. Ngay cả việc mở một email bất kỳ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Bức tranh toàn cảnh về các mối đe dọa an ninh mạng

Theo báo cáo Incident Response Analyst Report 2023 của Kaspersky, 75% các cuộc tấn công mạng đều tận dụng các lỗ hổng trong Microsoft Office.

Về phương thức tấn công, 42,3% nhắm đến các ứng dụng miễn phí có sẵn trên Internet, 20,3% lợi dụng tài khoản bị xâm phạm, trong khi chỉ có 8,5% sử dụng phương thức brute force.

Phần lớn các cuộc tấn công bắt đầu đều sử dụng phương thức như sau: kẻ xấu sử dụng thông tin đăng nhập bị đánh cắp hoặc mua trái phép.

Sau đó, chúng sẽ tiến hành tấn công qua giao thức máy tính từ xa RDP, gửi email lừa đảo (phishing) chứa tệp đính kèm hoặc liên kết độc hại, và lây nhiễm hệ thống thông qua các tệp độc hại giả dạng tài liệu trên các nguồn công cộng. Về mặt tích cực, số lượng các cuộc tấn công trong quý I-2023 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau mỗi cuộc tấn công mạng, hậu quả để lại vô cùng nặng nề: 33,3% tổ chức bị mã hóa dữ liệu, 21,1% bị đánh cắp dữ liệu, và 12,2% bị xâm phạm vào thư mục hoạt động Active Directory.

Một khảo sát do Kaspersky thực hiện năm 2022 cho thấy, ransomware và đánh cắp dữ liệu là hai mối đe dọa mạng lớn nhất (66%).

Theo sau đó là các cuộc tấn công phá hoại (62%), tấn công chuỗi cung ứng (60%), tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) (60%), gián điệp mạng (59%), các cuộc tấn công mạng có chủ đích (APT) (57%), và tấn công khai thác tiền điện tử (56%).

 Các mối đe dọa tấn công mạng phổ biến nhất. Đồ họa: TIỂU MINH

Các mối đe dọa tấn công mạng phổ biến nhất. Đồ họa: TIỂU MINH

Năm 2024, chủ yếu nổi lên các mối đe dọa mạng đến từ tấn công chuỗi cung ứng (6,8%) và lừa đảo nhắm mục tiêu cụ thể (5,1%). Đây là những mối đe dọa rõ ràng, hiện hữu và đang gây nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.

Dựa trên các thống kê năm 2023, các tổ chức chính phủ là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất (27,9%), tiếp theo là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất (17%) và các tổ chức tài chính (12,2%), cùng với các công ty CNTT (8,8%).

 Các mục tiêu bị tấn công mạng nhiều nhất. Đồ họa: TIỂU MINH

Các mục tiêu bị tấn công mạng nhiều nhất. Đồ họa: TIỂU MINH

Châu Á và khu vực CIS là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ sự cố mạng chiếm 47,3%, tiếp theo là Châu Mỹ (21,8%), Trung Đông (10,9%) và Châu Âu (9,1%).

Ông Igor Kuznetsov, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) tại Kaspersky, nhận định: "Ransomware và các cuộc tấn công phá hoại mạng là hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất, gây ra thiệt hại lớn cho các tổ chức."

Theo thống kê, Kaspersky đã chủ động phát hiện và ngăn chặn 437 triệu mối đe dọa trực tuyến, 6,1 tỉ cuộc tấn công mạng, đồng thời bảo vệ an toàn cho hơn 220.000 doanh nghiệp và 325.000 người dùng trên toàn thế giới.

Ransomware theo mô hình dịch vụ (RaaS)

Tội phạm mạng đang có xu hướng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, với động cơ trục lợi về kinh tế. Điều này được thể hiện rõ qua con số 71% các sự cố an ninh mạng được phát hiện có liên quan đến vấn đề tài chính.

Đặc biệt, các cuộc tấn công ransomware đã gia tăng đáng kể, khiến tỉ lệ người dùng bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công an ninh mạng gần như tăng gấp đôi trong giai đoạn 2021-2022.

 Ransomware được bán dưới dạng dịch vụ. Ảnh: Pexels

Ransomware được bán dưới dạng dịch vụ. Ảnh: Pexels

Trên thực tế, phần lớn các cuộc tấn công mạng đều diễn ra khi kẻ xấu có cơ hội thuận lợi, chứ không phải được lên kế hoạch trước. Nhiều băng đảng tội phạm ransomware hoạt động theo mô hình kinh doanh, thực hiện ransomware dưới dạng dịch vụ (RaaS).

RaaS là một quy trình tinh vi, bắt đầu bằng việc nhà phát triển ransomware và nhà phát triển packer đóng gói phần mềm độc hại, sau đó tiếp thị phần mềm này cho các tội phạm mạng khác.

Ông Igor cảnh báo: “Các tổ chức bị mã hóa dữ liệu không nên trả tiền chuộc, vì việc đó sẽ tiếp tay cho nhiều tội phạm mạng khác. Ngay cả khi đã trả tiền chuộc, không có gì đảm bảo rằng kẻ tấn công sẽ hoàn trả dữ liệu. Thực tế, dữ liệu có thể đã bị sao chép và phát tán, hoặc được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công tống tiền tiếp theo.”

Chiến dịch Operation Triangulation nhắm vào người dùng iPhone

Chiến dịch này nhắm vào các thiết bị iOS bằng cách khai thác các lỗ hổng phần cứng trong CPU của Apple, để cài đặt phần mềm độc hại. Đáng chú ý, hacker đã sử dụng 4 lỗ hổng 0-day cực kỳ nguy hiểm để lây nhiễm vào các thiết bị mục tiêu. Chi phí mua những lỗ hổng này trên thị trường chợ đen có thể lên đến hơn 1 triệu USD.

Khi một thiết bị iOS bị nhắm mục tiêu, thiết bị đó sẽ nhận được một tin nhắn iMessage vô hình chứa tệp đính kèm độc hại. Tệp đính kèm này khai thác một lỗ hổng cho phép tự động thực thi mã độc mà không cần người dùng tương tác.

Sau khi được cài đặt, mã độc sẽ kết nối với một máy chủ điều khiển và bắt đầu thực hiện nhiều giai đoạn tấn công. Khi hoàn tất, kẻ tấn công sẽ kiểm soát hoàn toàn thiết bị iOS và xóa sạch tất cả bằng chứng tấn công để che giấu hành vi của mình.

Apple đã vá những lỗ hổng này, tuy nhiên, để bảo vệ thiết bị trước các cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai, người dùng iPhone nên thường xuyên cập nhật phần mềm, định kì khởi động lại máy và tắt iMessage để giảm thiểu rủi ro nhận mã độc qua tin nhắn.

 Nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào người dùng iPhone. Ảnh: Pexels

Nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào người dùng iPhone. Ảnh: Pexels

Bí quyết bảo vệ doanh nghiệp trước tấn công mạng trong năm 2024

Để phòng tránh các cuộc tấn công mạng, các tổ chức cần xây dựng và duy trì một hệ thống bảo mật toàn diện. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa chiến lược bảo mật hiệu quả, đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho nhân viên, cập nhật liên tục thông tin về các mối đe dọa mới nhất, và sử dụng các giải pháp công nghệ bảo mật phù hợp.

Chắc chắn sẽ không có hệ thống nào hoàn toàn an toàn, do đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị người dùng thường xuyên cập nhật hệ điều hành, ứng dụng và giải pháp bảo mật để vá các lỗ hổng bảo mật mới nhất.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/75-cac-cuoc-tan-cong-mang-deu-tan-dung-cac-lo-hong-trong-microsoft-office-post805276.html