75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam
Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời và vinh dự được Bác Hồ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt.
Trong suốt 75 năm qua, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có những bước trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng
Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta được hình thành rõ nét và phát huy mạnh mẽ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, các hoạt động đối ngoại được xúc tiến nhằm đề cao chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp, chính phủ và nhân dân các nước khác đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng tiền bối, ngoại giao đã khéo léo, bản lĩnh thể hiện vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà, góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ. Mặt trận ngoại giao đã sát cánh cùng mặt trận quân sự “vừa đánh vừa đàm” và cụ thể hóa những thắng lợi ở chiến trường trên bàn đàm phán tại Geneva năm 1954, tại Paris năm 1973.
Tại Hội thảo khoa học “75 năm Ngoại giao Việt Nam: bài học kinh nghiệm và định hướng”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới, ngoại giao Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao thế và lực cho đất nước.
Từ những năm 50 của thế kỷ XX, hoạt động đối ngoại được triển khai gồm ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau, làm cho hoạt động đối ngoại thêm phong phú, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại chung, phục vụ đắc lực và thiết thực nhất mục tiêu cách mạng ở từng thời kỳ, góp phần vào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba kênh chủ lực. Mỗi kênh có chức năng, nhiệm vụ riêng với phương thức hoạt động khác nhau nhưng có sự phối hợp nhuần nhuyễn, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho nhau, tạo thế “chân kiềng” vững chắc trên mặt trận ngoại giao, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối chính sách đối ngoại và các mục tiêu cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ.
Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến đổi sâu sắc và phức tạp. Đại hội VII của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội IX đề ra tiếp tục “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Thực hiện đường lối đó, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), với Mỹ (năm 1995).
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Thiết lập và nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Chỉ riêng trong 5 năm (2016 - 2020), Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 3 nước, nâng đối tác chiến lược lên đối tác toàn diện với 1 nước, thiết lập đối tác toàn diện với 5 nước, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 30 nước.
Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, một văn phòng kinh tế văn hóa. Quan hệ với các đối tác hàng đầu không chỉ phát triển mạnh trên kênh Nhà nước, mà còn được đẩy mạnh trên cả kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa có nhiều nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả.
Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và khu vực. Mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông nhưng chúng ta đã khéo léo, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc tích cực tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đẩy mạnh trao đổi về phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, tiếp tục duy trì các cơ chế đàm phán với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực nghiên cứu các khả năng hợp tác cùng phát triển. Việt Nam cũng đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào; đang triển khai việc thực hiện Nghị định thư và Hiệp định Quy chế biên giới Việt - Lào. Với Campuchia, hai nước cũng đã hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc và đang xúc tiến hoàn tất văn kiện ghi nhận những kết quả đã đạt được.
Công tác đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ pháp luật trong việc đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu và hành động chống phá Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, để đạt được và bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, trong mọi chính sách và hoạt động đối ngoại đòi hỏi phải giữ vững độc lập, tự chủ. Chỉ có độc lập, tự chủ mới chủ động tránh được sức ép bên ngoài, đảm bảo được lợi ích của dân tộc. Điều này không có nghĩa là ta chủ trương theo đuổi một chính sách dân tộc vị kỷ vì trong khi đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc mình thì chúng ta đồng thời góp phần tích cực vào đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đối ngoại quốc phòng, an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tích cực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước
Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007. Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á…
Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) và Hiến chương ASEAN; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, Ủy ban Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017, Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, Việt Nam còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương, đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế. Các nước lớn ngày càng coi trọng vị thế của Việt Nam trong chiến lược ở khu vực và trên thế giới.
Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Lực lượng Quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và vai trò đầu tàu trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
Việt Nam chủ động và tích cực trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc ký các hiệp định thương mại đã mở rộng và đa dạng hóa thị trường, quan hệ bạn hàng với nhiều nền kinh tế phát triển và không để nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào một thị trường, góp phần đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện vào chiều sâu.
Tính đến tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước năm 2000. Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014 - 2016.
Vị thế trong các tổ chức và các mối quan hệ đối ngoại đã góp phần làm cho đất nước đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp từ Trung ương tới địa phương, thu hút nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta không ngừng tăng cao. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, dòng vốn FDI tính đến 20/2/2020 có 31.434 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ với tống số vốn đăng ký là 370 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng, cải thiện đáng kể cán cân thương mại. Văn hóa, du lịch, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ … đều đạt những thành quả quan trọng.
Trong bài viết với tiêu đề: "Thành tựu đối ngoại 2019: Bản lĩnh và tinh thần Việt Nam", Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, năm 2020 là thời điểm lịch sử rất quan trọng với đối ngoại Việt Nam, nhất là đối ngoại đa phương. Việt Nam sẽ lần đầu tiên cùng lúc đảm đương đồng thời hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Đó là những trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam. Đó là cơ hội quan trọng để chúng ta đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; là dịp để ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Những trọng trách đa phương này cũng là thời cơ để Việt Nam tranh thủ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa ta và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
Những thành tích vẻ vang đã đạt được trong chặng đường 75 năm trưởng thành và phát triển đã thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của ngành Ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định "Công tác đối ngoại đã trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước”.