Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam

Chiều 20/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm 'Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam'.

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi Tọa đàm. Đồng chủ trì, có bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, cùng sự tham dự của 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Báo cáo Việt Nam 2045, nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam, do chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện, gửi đến Tọa đàm rất sát thực tiễn của Việt Nam trong mấy thập kỷ qua, là cứ liệu rất quan trọng góp phần để Việt Nam khai mở được những điểm nghẽn hiện nay trong vấn đề thương mại với thế giới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu ý kiến tại Tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu ý kiến tại Tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ mong muốn được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế chia sẻ, hỗ trợ tích cực, cùng những thông điệp có giá trị của Tọa đàm hôm nay nhằm tiếp tục nghiên cứu nhằm đóng góp vào quá trình xây dựng tư duy, tầm nhìn, định hướng chiến lược, những giải pháp trọng tâm, để Việt Nam thực hiện hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Hội nhập thương mại toàn cầu đã mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam, GDP bình quân đầu người tăng từ 682 USD (theo giá USD năm 2023) lên 4.347 USD vào năm 2023, đạt mức tăng trưởng bình quân 5,1%/năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tốc độ tăng trưởng cao hơn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện trong cải cách chính sách, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nắm bắt các cơ hội từ bối cảnh toàn cầu đang biến đổi..."

Bà Manuela V. Ferro phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Manuela V. Ferro phát biểu tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, từ báo cáo nói trên, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ những thay đổi, tác động đến quá trình phát triển của Việt Nam trong bối cảnh phát triển trong và ngoài nước, đồng thời chỉ ra những thách thức, cơ hội, kinh nghiệm của một số quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế thu nhập trung bình lên trung bình cao.

Các đại biểu dự Tọa đàm cũng phân tích về tính tất yếu phải thay đổi mô hình mô hình tăng trưởng của Việt Nam và những động lực tăng trưởng mới để giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập cao trong hai thập kỷ tới.

Nhiều ý kiến nêu rõ những nhận diện về vị thế thương mại của Việt Nam hiện nay và các điều kiện tiên quyết để Việt Nam khẳng định vị thế thương mại cao hơn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Từ đó, khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc những cải cách chính sách, thể chế để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực, như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước gắn kết nước ngoài, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giáo dục, đào tạo lực lượng lao động, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số...

HOÀNG LÂM - VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-vi-the-thuong-mai-trong-mot-the-gioi-dang-thay-doi-con-duong-den-tuong-lai-thu-nhap-cao-cua-viet-nam-post845979.html