75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông không yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ
Đây là thực tế được đưa ra tại hội thảo 'Thúc đẩy Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ', sáng 18/5 tại Hà Nội.
Thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhấn mạnh: Nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tính riêng quý I/2022, nền kinh tế đã tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào kết quả hoạt động tốt của các lĩnh vực sản xuất và sự phục hồi từng bước của ngành du lịch.
Hội thảo “Thúc đẩy Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP
của Chính phủ”. Ảnh: Hà Anh.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn được coi là thấp hơn so với kỳ vọng là 5,8%, vì dịch bệnh kéo dài 3 năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của doanh nghiệp và người lao động.
Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 0,9 triệu người bị mất việc, 5,1 triệu người phải tạm nghi/tạm ngừng sản xuất kinh doanh và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%, cao hơn đáng kể so với vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%.
Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. Có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đều có độ tuổi khi trẻ, từ 25 đến 3 tuổi, chiếm 73,8%.
Đối với doanh nghiệp, đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trong quý I/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biển gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục.
Chính vì thiếu người làm nên nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng để khỏi phục sản xuất kinh doanh.
“Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, đến 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. Về mặt lâu dài, chúng tôi cho rằng việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chỉ còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên’, ông Thân lo ngại.
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, ngay từ đầu tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay đã gần 10 tháng triển khai, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Hiệp hội DNNVV và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Anh.
Mặc dù quá trình triển khai chính sách nêu trên tương đổi thuận lợi, nhưng thực tế đã phát sinh một số vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp, khiến cho việc triển khai chưa được như mong muốn.
Có ý kiến cho rằng, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang tập trung khôi phục sản xuất - kinh doanh mà quên đi việc phải tính toàn các phương án cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, vì vậy họ chưa để tìm đến chỉnh sách hỗ trợ của nhà nước.
Mặt khác, cũng có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động đào tạo nghề của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các tiêu chí được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như một số người thì hiểu rằng; doanh nghiệp có người lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ ít nhất 12 tháng mới có thể đăng ký nhận hỗ trợ, nhưng có người lại hiểu rằng doanh nghiệp đóng Bảo hiểm thất nghiệp đủ ít nhất 12 tháng là đã đạt tiêu chí.
“Chúng tôi thấy rõ sự khác biệt về nhận thức giữa các doanh nghiệp, dẫn đến không chỉ doanh nghiệp không dám đăng ký để được thụ hưởng hỗ trợ của nhà nước mà vô hình chung còn gây thiệt thòi cho người lao động”, ông Thân nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện cho Bộ LĐTBXH cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, Tổng cục GDNN tiếp tục ban hành văn bản số 258/TCGDNN-ĐTTX ngày 22/2/2022 đôn đốc các địa phương, cơ sở đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; đánh giá việc triển khai thực hiện tại các địa phương, đề xuất các giải pháp thực hiện.
Đồng thời, tổ chức hai cuộc họp với các doanh nghiệp trong nước, sở LĐTBXH, Cơ sở GDNN và với các doanh nghiệp FDI để nắm tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68, Tổng cục GDNN đã đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP; đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người lao động bị thất nghiệp theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động gắn với chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động (Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH ngày 13/12/2021).
Tính đến tháng 5/2022, theo báo cáo của các địa phương, có trên 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước, trong đó 60 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho trên 30.000 lao động.
Sở LĐTBXH của 14 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 36 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 9.000 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 54 tỷ đồng.
Để hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp, hội thảo đã tuyên truyền cụ thể về điều kiện thụ hưởng và cách thức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết 68/NQ-CP.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam sau khi tiếp nhận yêu cầu của doanh nghiệp sẽ phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục ngay cho các doanh nghiệp thời gian tới.