77% diện tích san hô bị tẩy trắng trên toàn cầu vì nhiệt độ đại dương tăng
Tình trạng san hô bị tẩy trắng đang diễn ra trên quy mô kỷ lục toàn cầu khi nhiệt độ đại dương trên toàn thế giới ngày càng ấm lên.
Ngày 17-10, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết rằng tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt trên khắp thế giới được báo động từ tháng 2-2023 hiện là độ lan rộng đang ở mức nhanh nhất từng được ghi nhận, theo hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu vệ tinh, 77% diện tích rạn san hô trên thế giới, ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ - từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương - cho đến nay đang phải chịu áp lực về nhiệt ở mức độ gây ra tẩy trắng, vì biến đổi khí hậu cùng El Nino khiến nhiệt độ đại dương trên toàn thế giới ngày càng ấm lên nhanh.
"Sự kiện này vẫn đang gia tăng về phạm vi không gian và chúng ta đã phá vỡ kỷ lục trước đó hơn 11% mà chỉ trong khoảng một nửa thời gian. Điều này có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng trong phản ứng cuối cùng của các rạn san hô trước hiện tượng tẩy trắng này" - ông Derek Manzello, điều phối viên của chương trình Coral Reef Watch của NOAA cho biết.
Tháng 4-2024, NOAA đã tuyên bố đây là tình trạng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư kể từ năm 1998. Kỷ lục trước đó diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017, và tình trạng tẩy trắng hàng loạt khi đó ảnh hưởng đến gần 66% diện tích rạn san hô trên thế giới, theo Reuters.
Tình trạng san hô bị tẩy trắng xảy ra khi san hô phải chịu áp lực do nhiệt độ môi trường tăng, buộc chúng phải thải ra các vi tảo màu sắc sống trong mô của san hô. Nếu không có những loại vi tảo hữu ích này, san hô sẽ trở nên nhợt nhạt, dễ bị đói và mắc bệnh. Một san hô bị tẩy trắng chưa chết, nhưng nhiệt độ đại dương cần phải hạ xuống thì các rạn san hô mới có hy vọng phục hồi.
Việc san hô bị tẩy trắng hàng loạt sẽ có những tác động nghiêm trọng đến môi trường của các đại dương, nghề đánh bắt hải sản cũng như du lịch. Hàng năm, các rạn san hô cung cấp khoảng 2.700 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ, theo ước tính năm 2020 của tổ chức Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN).
"Có vẻ như nó sẽ phá vỡ kỷ lục về mặt tác động. Chúng ta chưa bao giờ có sự kiện san hô bị tẩy trắng lớn như vậy trước đây" - ông Manzello nói với Reuters.
Để ứng phó với tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt, các nhà khoa học đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp đặc biệt về rạn san hô trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) tại Colombia, dự kiến vào cuối tháng 10, theo Reuters. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về các chiến lược cuối cùng để ngăn chặn sự tuyệt chủng về mặt chức năng của san hô, bao gồm các hoạt động tài trợ và biện pháp bảo vệ.