8-3 này bạn sẽ làm gì cho mẹ?
Hãy dành vài phút ngắn ngủi giữa nhịp sống tất bật để tự hỏi: 8-3 này, mình làm gì cho mẹ?.
Cách đây ít năm, khi biết tin nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu khánh thành, mẹ tôi hay nhắc đi nhắc lại dự định được tham quan, nghe cải lương ở đó. Cứ mỗi dịp lễ tôi được nghỉ dài ngày, mẹ lại hào hứng nhắc đến chuyến đi về Bạc Liêu.
Tuy nhiên, do ngại ngồi xe lâu nên tôi cứ lần lữa. Mẹ tôi thấy con trai bận nên sau mỗi lần hào hứng thì im lặng, chẳng nói gì. Mãi cho đến khi mẹ đột ngột qua đời trong bệnh viện trong lúc cả TP HCM đang phong tỏa vì dịch COVID-19, tôi mới bàng hoàng nhận ra bản thân chưa làm được điều gì cho người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình.
Năm ngoái, khi chị gái nhắc lại chuyện mẹ muốn đi thăm nhà hát, tôi bần thần. Thế là bất chấp công việc dang dở, tôi quyết định chọn 8-3 đi Bạc Liêu như một cách tạ lỗi với mẹ. Giữa ánh nắng chói chang của phương Nam, tôi đi loanh quanh khá lâu quanh khuôn viên nhà hát với suy tưởng mẹ đang đồng hành. Hôm ấy là thứ ba, tới nhà hát vào buổi chiều nên không gian khá vắng lặng, tôi ngồi ở tiền sảnh nghe bài "Dạ cổ hoài lang", lòng nao nao buồn thương.
Trong dòng suy nghĩ miên man, tôi rơi nước mắt nhớ đến bóng dáng thân thuộc của mẹ bên chiếc radio cũ, loáng thoáng nghe mấy điệu nhạc quen thuộc: "Chàng là chàng có hay/ Đêm thiếp nằm luống những sầu tây/ Bao thuở đó đây sum vầy/Duyên sắc cầm đừng lợt í a…". Lời bài hát nói thay bao lời tâm tình của mẹ tôi, khi mới hơn 30 tuổi đã trở thành góa phụ, bao năm lặng lẽ sống vì các con và gia đình vẫn không một câu oán than, trách cứ.
Thi thoảng, những dịp lễ như ngày 8-3, đứa con trai vô tâm là tôi mua vội lẵng hoa tươi đem về tặng vợ, chẳng quan tâm mấy đến người mẹ già quanh năm bận bịu với bếp núc, coi sóc cháu con. Mẹ tôi cũng chỉ mỉm cười góp chuyện cùng con dâu, không mấy buồn lòng. Lòng bao dung của mẹ khiến chúng tôi coi như là chuyện "đáng được hưởng" mà quên mất mẹ mình cũng là một người phụ nữ cần được nâng niu, sẻ chia và trân trọng.
Giống như tôi, chị bạn đồng nghiệp cũng có nhiều tiếc nuối tương tự. Chị kể lúc mẹ chị còn sống, bà vốn rất thích đi du lịch nhưng chị lại chẳng mấy hào hứng đi cùng. Do khoảng cách giữa hai thế hệ, chị không thích chia sẻ với mẹ bất cứ điều gì, ngay cả những ngày được thư giãn hiếm hoi. Còn người mẹ, mỗi lần thấy chị thu xếp quần áo chuẩn bị cho một chuyến đi mới lại lặng lẽ tới bên phụ giúp, có khi là gấp một chiếc áo ấm, có lúc lại bỏ thêm vài đôi tất mềm mại. Bao giờ khi chị rời khỏi nhà, quay đầu nhìn lại cũng thấy hình ảnh mẹ đứng tần ngần rất lâu.
Chị bạn tôi vốn quen được nhận tình cảm yêu thương nên cũng không mấy bận tâm. Cho đến khi mẹ chị đột ngột mắc bệnh ung thư máu cấp, qua đời chỉ sau hai tuần khi nhập viện, chị mới đau lòng nhận ra mọi việc đã quá muộn màng.
Càng đau lòng hơn, khi thu dọn các di vật, chị bần thần nhận ra tất cả món quà mình mua tặng mẹ từ xấp lụa mềm mại ở Hàng Châu đến chiếc khăn choàng ở Hàn Quốc đều còn mới tinh, xếp chỉn chu trong tủ quần áo. Không chỉ như thế, mẹ chị còn tự tay mua len đan rất nhiều đôi tất để dành cho những chuyến đi của chị. Quyển sổ mẹ hay dùng để ghi chép chi tiêu hằng ngày luôn có một mục rõ ràng: tiền cho bé Li (tên ở nhà của chị) đi du lịch. Số tiền xấp xỉ 20 triệu đồng.
Cũng như tất cả những người phụ nữ thương con, mẹ chị cả đời tằn tiện, không dám chi dùng bất cứ điều gì cho bản thân nhưng rất hào phóng khi chăm lo cho con cái. Chị nhìn tất cả di vật ấy của người mẹ yêu thương và nói với tôi trong ánh mắt ầng ậc nước rằng đã có những lúc ích kỷ, chị lạnh lùng khước từ sự quan tâm của mẹ. Chị nói chẳng phải mình bất hiếu, chỉ cứ nghĩ mẹ luôn ở cạnh mình nên vô tâm.
Ngày mai đã lại 8-3. Đây hẳn sẽ là một ngày thật nhiều niềm vui và ngập tràn hoa tươi, quà tặng dành cho những người phụ nữ thân yêu của chúng ta. Thế nhưng, giữa đâu đó thế giới phồn hoa vẫn còn những người phụ nữ âm thầm, lặng lẽ vì con cháu và gia đình, rất cần được yêu thương và trân trọng. Hãy dành vài phút ngắn ngủi giữa nhịp sống tất bật để tự hỏi: "8-3 này, mình làm gì cho mẹ?".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/8-3-nay-ban-se-lam-gi-cho-me-20230306210551334.htm