8 lầm tưởng về tiền khiến nhiều người nghèo trọn đời
Đâu là những lầm tưởng về tiền bạc lớn nhất? Xác định và hiểu rõ những điều này sẽ giúp mọi người khắc phục các sai lầm tài chính cá nhân, từ đó tăng cơ hội làm giàu.
Lầm tưởng 1: Bớt mua cà phê hàng ngày có thể thay đổi cuộc chơi tài chính
Bạn có thể đã nghe điệp khúc này: Mua cốc cà phê hàng ngày sẽ giết chết cơ hội làm giàu khi bạn về hưu.
Douglas Boneparth, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận và là thành viên của Hội đồng cố vấn của CNBC, cho biết mọi người không cần phải quá khắt khe hay khắc khổ với các quyết định về tiền bạc để thành công về mặt tài chính.
Boneparth cho biết, hy sinh những chi phí nhỏ mang lại niềm vui cho chúng ta gần như không quan trọng bằng những quyết định lớn như mua nhà hay mua xe.
Ông cũng chia sẻ: "Sống cả một đời mà không có một thú vui nào đó thì mới là lãng phí. Đồng thời, cần phải có kỷ luật và sự nhất quán trong việc đặt cho mình một mục tiêu tài chính”.
Lầm tưởng 2: Các đại lý ô tô cung cấp tỷ lệ vay tốt nhất
Erin Witte, giám đốc bảo vệ người tiêu dùng tại Liên đoàn Người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết, những người mua ô tô thường tin rằng khi họ trả tiền mua xe thông qua đại lý, họ sẽ có mức giá tốt nhất. Điều đó đôi khi có thể đúng nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Witte nói: "Điều mà người tiêu dùng có thể không biết và điều mà các đại lý hầu như sẽ không bao giờ nói, đó là đại lý đang được bên cho vay trả tiền để hoạt động kinh doanh và thường đi kèm với mức lãi suất cao. Do đó, các đại lý nhiều khả năng sẽ phải lấy giá sản phẩm cao hơn, để kiếm lại nhiều tiền hơn”.
Lầm tưởng 3: Các cố vấn tài chính luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bạn
George Kinder, người đi tiên phong trong lĩnh vực tư vấn tài chính “lập kế hoạch cuộc sống” cho biết có một quan niệm sai lầm rằng mọi cố vấn tài chính đều là “người được ủy thác”.
“Điều đó không đúng”, anh nói.
Cố vấn ủy thác có nghĩa vụ pháp lý phải đặt lợi ích kinh tế và tài chính của bạn lên trên lợi ích của họ. Ví dụ, luật sư cũng có các nghĩa vụ ủy thác riêng đối với khách hàng và bác sĩ cũng có các nghĩa vụ ủy thác riêng đối với bệnh nhân. Nhưng không phải mọi cố vấn tài chính đều có nghĩa vụ ủy thác với khách hàng.
Điều quan trọng là phải cân nhắc điểm này khi chọn một cố vấn tài chính. Bạn có thể hỏi một chuyên gia tài chính xem họ có phải là người được ủy thác hay không trước khi hợp tác kinh doanh với họ.
Lầm tưởng 4: Thuê một cố vấn chỉ có lợi cho những người giàu có
Shlomo Benartzi, nhà kinh tế học hành vi và giáo sư danh dự tại Trường Quản lý Anderson của UCLA, cho biết lời khuyên tài chính toàn diện - hướng dẫn tập trung vào tiết kiệm, nợ và bảo hiểm, ngoài các khoản đầu tư - có thể giúp tăng thu nhập hơn 7% một năm.
Lợi nhuận khổng lồ đó đến từ đâu? Nó đến từ việc loại bỏ những sai lầm tốn kém và tận dụng những chiến thắng chắc chắn.
Ví dụ, Benartzi cho biết, hiều người chọn sai chương trình bảo hiểm y tế, chọn trả phí bảo hiểm quá cao để được khấu trừ nhỏ hơn một chút. Hoặc mọi người thường không trả trước các thẻ tín dụng có lãi suất cao nhất, lãng phí tiền cho các khoản thanh toán lãi.
Ông nói: "Mặc dù các hộ gia đình và cơ quan quản lý vẫn lo ngại về chi phí tư vấn tài chính, nhưng chính việc không có tư vấn tài chính toàn diện mới dẫn tới những sai lầm về tiền bạc đối với tất cả mọi tầng lớp”.
Lầm tưởng 5: Không đáng để trả hết nợ thế chấp sớm
Quay trở lại một suy nghĩ thông thường, bạn có thể nhận được lợi nhuận cao nhất ở đâu với số tiền kiếm thêm? Nếu lãi suất thế chấp vượt quá khả năng hoàn vốn của bạn trên thị trường, bạn nên trả hết khoản thế chấp càng nhanh càng tốt.
Christine Benz, giám đốc tài chính cá nhân và kế hoạch nghỉ hưu tại Morningstar, cho biết sự khôn ngoan thông thường - so sánh tỷ lệ thế chấp với lợi tức đầu tư - cũng dễ gây hiểu lầm. Cô ấy chia sẻ rằng mọi người vẫn nghĩ trả hết một khoản thế chấp nhanh hơn "hầu như không bao giờ là một ý tưởng tuyệt vời" khi so sánh với thị trường chứng khoán.
Lầm tưởng 6: Không cần khoản tiết kiệm khẩn cấp
Chuyên gia tài chính cá nhân Suze Orman cho biết: “Chuyện hoang đường nghiêm trọng nhất là mọi người nghĩ rằng họ không cần một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp độc lập, trong khi thực tế là họ cần”.
Những khoản tiết kiệm này không nên được góp chung với các khoản tiết kiệm khác, hoặc được tính như một phần của kế hoạch tiết kiệm dài hạn cho học phí đại học, một chiếc ô tô mới hoặc một kỳ nghỉ,…
Thay vào đó, khoản này nên là một quỹ an toàn, chỉ được khai thác trong những trường hợp khẩn cấp - chẳng hạn như để chi trả cho những khoản thanh toán gấp rút trong trường hợp bạn vừa mới mất việc.
Lầm tưởng 7: Phải theo dõi thị trường chứng khoán hàng ngày
Chuyên gia Portnoy cho biết: “Hầu như không có thông tin giá trị nào trong chuyển động hàng ngày của thị trường.
Trên thực tế, các cố vấn thường cảnh báo rằng việc tập trung vào những biến động hàng ngày của thị trường có thể góp phần tạo ra những động thái mà sau này bạn sẽ hối hận, chẳng hạn như bán vào thời điểm không thích hợp .
Anh nói thêm: "Việc theo dõi những tin tức mới nhất có thể rất thú vị và cuốn hút. Tuy nhiên, việc đầu tư thành công thực sự nhàm chán. Hãy xác định rõ mục tiêu của bạn, lập kế hoạch, xây dựng danh mục đầu tư và tập trung vào những thứ cần thiết khác”.
Lầm tưởng 8: Tiền có thể khiến bạn hạnh phúc nhất
Các nghiên cứu đã liên kết tiền bạc với hạnh phúc. Nhưng chính những gì mọi người làm với tiền bạc mới là yếu tố quyết định họ có hạnh phúc hay không
Có thêm tiền trong ngân hàng luôn khiến bạn hạnh phúc hơn nhưng nó sẽ không khiến bạn trở thành phiên bản hạnh phúc nhất của chính mình.
Một lầm tưởng lớn về tiền bạc chính là mọi người nghĩ rằng tiền là thứ sẽ khiến cuộc sống của họ hạnh phúc nhất. Nếu bạn tìm ra con người mà bản thân thực sự muốn trở thành, điều đó mới khiến bạn hạnh phúc nhất. Và sau đó bạn có thể sử dụng số tiền của mình để hiện thực hóa ước mơ.