8 lý do không nên hạn chế quyền ghi âm, ghi hình của báo chí tại tòa
Báo chí chính thống sẽ kết nối tư duy của những quan tòa chuyên nghiệp vốn 'xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật' với những mong muốn, ước vọng và lý lẽ đời thường của người dân.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) vừa mới bổ sung quy định rằng: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ”.
Quy định này mặc dù ít được đề cập trên các diễn đàn chính thức của Quốc hội và gần như không được đề cập trong tờ trình Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhưng lại là quy định có tác động sâu, rộng đến công tác thông tin, truyền thông và trực tiếp ảnh hưởng đến tính công khai của công tác xét xử của tòa, đó là quy định về quyền được ghi âm, ghi hình của cơ quan báo chí tại phiên tòa.
Quy định này so với luật hiện hành là hoàn toàn mới. Theo báo cáo về tổng kết thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì Tòa án cho rằng pháp luật về “việc tham dự, đưa tin tại phiên tòa chưa đầy đủ đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tôn nghiêm của tư pháp và bí mật về đời sống riêng tư của người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, ảnh hưởng đến sự tập trung của Hội đồng xét xử trong phiên tòa, tác động đến tâm lý, cuộc sống của Thẩm phán khi bị đưa hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến sự công tâm, khách quan của Thẩm phán”.
Đó cũng là lý do Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi có quy định mới về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp.
Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề toàn diện hơn để đánh giá đúng đắn về sự hợp lý của quy định nêu trên.
Công lý không thể thiếu sự công khai, minh bạch
Tổng quan mà nói, việc hạn chế việc đưa tin, ghi hình của báo chí tại phiên tòa là điều chưa thỏa đáng trong xu thế hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, càng là nghịch lý với cơ quan có chức năng bảo vệ công lý như Tòa án. Vốn dĩ công lý không thể đạt được khi thiếu sự công khai, minh bạch.
Thứ nhất, việc hạn chế quyền tác nghiệp và đưa tin của báo chí tại phiên tòa liệu có mâu thuẫn với nguyên tắc xét xử công khai trong tố tụng không?
Xét xử công khai là nguyên tắc mang tính kim chỉ nam của ngành tư pháp, được quy định trong các luật tố tụng và được hiến định trong Hiến pháp. Việc đưa tin, thông tin một cách chuyên nghiệp, bài bản về phiên tòa và những diễn biến tại phiên tòa là biểu hiện cốt yếu của sự công khai này.
Như một lẽ đương nhiên, công khai là điều kiện tiên quyết để đạt được sự minh bạch và khách quan trong xét xử. Việc hạn chế cơ quan báo chí thông tin tại phiên tòa liệu có tránh được sự hoài nghi của xã hội về sự minh bạch và tính khách quan của vụ việc và bản án. Do đó, quy định hạn chế việc ghi âm, ghi hình của báo chí tại phiên tòa là vấn đề trọng đại, cần xem xét thấu đáo, tránh vì được cái nhỏ nhưng cái mất lại quá lớn.
Báo chí là cơ chế giám sát xã hội
Thứ hai, dưới góc nhìn của hoạt động giám sát xã hội đối với ngành tư pháp thì việc hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình là một bước thụt lùi.
So với giám sát chuyên môn của Viện Kiểm sát hay cơ quan dân cử thì giám sát xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế, từ đó nâng cao vị thế của người dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước và vai trò của tư pháp trong bảo vệ pháp luật theo đó cũng được đề cao.
Ngoài thực hiện chức năng giám sát trực tiếp thì báo chí còn là kênh thông tin thiết yếu để xã hội được biết về vụ việc, qua đó thực hiện vai trò giám sát xã hội của mình. Nếu hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình (hệ quả kéo theo là sẽ bị hạn chế việc đưa tin vì vấn đề rủi ro thông tin khi không có bản ghi âm để đối chiếu) thì có cơ chế nào thay thế để bảo đảm việc giám sát xã hội sẽ được thực hiện?
Thứ ba, ở phương diện tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì có lẽ không hình thức nào tuyên truyền, phổ biến tốt hơn các hoạt động báo chí, truyền thông chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc ghi hình, ghi âm diễn biến trực tiếp tại phiên tòa để có dữ liệu thông tin trên mặt báo chính là cách tác động trực tiếp, rõ ràng nhất đến ý thức pháp luật của người dân.
Điều này có thể thấy rõ trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của báo chí điện tử cũng tỷ lệ thuận, các vụ án lớn, án điểm đều được thông tin chi tiết đến người dân. Từ đó, ý thức pháp luật, hiểu biết về pháp luật, sự tiếp cận và am hiểu pháp luật của người dân cũng được nâng lên so với trước.
Cần trao đặc quyền cho báo chí chính thống
Thứ tư, khi các mạng xã hội càng phát triển mạnh thì báo chí chính thống càng phải được củng cố hơn và càng nên được trao đặc quyền hơn trong việc tiếp cận và thu thập thông tin để khẳng định vị thế của nguồn tin chính thống.
Như một lẽ tất nhiên, khi những thông tin chính thống càng mạnh thì những nguồn tin không chính thống sẽ càng yếu đi.
Thứ năm, thực tiễn cho thấy cũng có những thông tin chưa đúng từ báo chí hoặc có hoạt động tác nghiệp đôi khi có những ảnh hưởng nhất định đến công tác xét xử.
Có thể nói, sai phạm của báo chí trong tác nghiệp cũng như các sai phạm trong các môi trường khác, là điều không tránh khỏi, quan trọng là làm sao để kiểm soát chứ không phải cấm đoán.
Báo chí sai ở đâu thì xử lý ở đó, không vì một vài thông tin chưa đúng trong một vài trường hợp cá biệt mà hạn chế quyền được đưa tin của báo chí, vi phạm nguyên tắc tự do báo chí. Sự hạn chế này không chỉ không đúng với bản thân báo chí mà còn đồng nghĩa với việc hạn chế quyền được thông tin, quyền được biết chính đáng của người dân về những hoạt động vốn phải được công khai.
Báo chí kết nối tòa án với những lý lẽ đời thường
Thứ sáu, việc công khai cũng như cho phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa ở góc nhìn tích cực sẽ lan tỏa những hình ảnh đẹp của những người bảo vệ công lý, đồng thời sẽ lan tỏa những thông điệp tích cực về nền tư pháp.
Thông qua việc ghi âm, ghi hình trực tiếp tại phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải xây dựng và bảo vệ hình ảnh bản thân, bảo vệ hình ảnh nền tư pháp trước truyền thông.
Mặc dù là một thách thức nhưng cũng đồng thời là một phương thức hữu hiệu để mỗi Thẩm phán, những người tham gia tố tụng khác phải rèn giũa chuyên môn, tác phong, tư cách, để mỗi phát ngôn được nói ra tại tòa đều là chuẩn mực.
Thứ bảy, dưới góc nhìn chuyên môn, sự tham gia của báo chí càng sâu rộng, thông tin vụ án càng được biết đến, người dân càng quan tâm, sự tham gia của dư luận xã hội ở phương diện nào đó là cách để lẽ công bằng thuần nhất trong cuộc sống đời thường được len lõi và tác động nhất định đến cách đánh giá, nhìn nhận bản chất vụ việc của tòa án.
Nói cách khác, trong xu thế phát triển của án lệ hiện nay, thì sự cứng nhắc của pháp luật thành văn cần được bổ khuyết bởi những lý lẽ đời thường, mà trong đó vai trò của báo chí chính thống là hết sức quan trọng để kết nối tư duy của những quan tòa chuyên nghiệp vốn “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” với những tư duy, mong muốn, nguyện vọng, những lý lẽ rất đời trong cuộc sống đời thường. Vì công lý không phải của tòa mà công lý thuộc về người dân.
Quốc tế không cấm đoán ghi âm, ghi hình ở tòa
Thứ tám, ở phương diện quốc tế, mặc dù mỗi nước có quy định khác nhau về vấn đề ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, nhưng nhìn chung đều không cấm đoán, trừ những trường hợp đặc biệt mà pháp luật tố tụng Việt Nam cũng đã có quy định.
Đa số các nước đều quy định theo hướng cho phép có kèm theo điều kiện, điều kiện đó có thể là sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, có thể là một cam kết về bảo vệ quyền riêng tư, hoặc ràng buộc trách nhiệm pháp lý kèm theo nếu người đưa tin vi phạm…
Do đó, cần xem lại quy định của Dự thảo để chắc chắn rằng quy định này của pháp luật Việt Nam không trở thành cá biệt.
TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP.HCM