8 mẫu xe huyền thoại bị đuổi khỏi đường đua vì... quá nhanh

Có những mẫu xe quá nhanh, quá mạnh đến mức các tổ chức thể thao buộc phải cấm chúng để bảo đảm sự công bằng hoặc an toàn.

Trong thế giới xe thể thao và đua xe, tốc độ luôn là thứ được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, có những mẫu xe quá nhanh, quá mạnh đến mức các tổ chức thể thao buộc phải cấm chúng để bảo đảm sự công bằng hoặc an toàn.

Dưới đây là 8 cái tên tiêu biểu đã bị “cấm cửa” chỉ vì… chúng quá vượt trội.

1. Dodge Challenger SRT Demon 170 (2023)

Lý do cấm: Quá nhanh so với tiêu chuẩn an toàn của NHRA

Với công suất khủng lên tới 1.025 mã lực khi sử dụng nhiên liệu E85, chiếc Demon 170 được mệnh danh là “quái thú drag-strip”. Mẫu xe này có khả năng tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 1,66 giây, thành tích đủ để làm lu mờ nhiều siêu xe đắt tiền.

odge Challenger SRT Demon 170

odge Challenger SRT Demon 170

Tuy nhiên, Hiệp hội Đua xe Drag của Mỹ (NHRA) đã cấm Demon 170 tham gia thi đấu chính thức, vì xe không có trang bị bắt buộc như lồng chống lật và dù hãm.

2. BMW M3 GTR (2001)

Lý do cấm: Không đáp ứng quy định về số lượng xe thương mại

BMW từng khiến giới đua xe ngỡ ngàng khi tung ra M3 GTR phiên bản V8 để tham gia giải American Le Mans Series (ALMS). Với động cơ 4.0L V8 thay vì loại 6 xi-lanh truyền thống, chiếc xe đạt 444 mã lực và gần như “vô đối” tại giải đấu năm 2001.

BMW M3 GTR

BMW M3 GTR

Tuy nhiên, theo luật, để hợp lệ, các đội đua phải sản xuất ít nhất một số lượng xe tương tự để bán thương mại. BMW chỉ sản xuất vài chiếc GTR dân dụng, không đủ để đáp ứng quy định. Kết quả là sau mùa giải 2001, BMW M3 GTR bị loại khỏi cuộc chơi vì… quá mạnh mà không “phổ cập”.

3. Nissan Skyline GT-R R32 (1989-1994)

Lý do cấm: Thống trị tuyệt đối giải JTCC

Được mệnh danh là “Godzilla”, chiếc Skyline GT-R R32 là biểu tượng tốc độ của Nissan cuối thập niên 80, đầu 90. Với hệ dẫn động bốn bánh thông minh ATTESA và động cơ RB26DETT tăng áp, R32 đã giành chiến thắng tuyệt đối trong 29 cuộc đua liên tiếp tại giải vô địch xe du lịch Nhật Bản (JTCC) từ năm 1990 đến 1993.

Nissan Skyline GT-R R32

Nissan Skyline GT-R R32

Sự thống trị quá áp đảo của R32 đã khiến ban tổ chức phải đổi luật, cụ thể là cấm hệ dẫn động AWD và động cơ tăng áp trong những mùa giải tiếp theo, gián tiếp kết thúc kỷ nguyên của GT-R tại giải đua này.

4. Williams FW14B (1992)

Lý do cấm: Sử dụng công nghệ điện tử vượt quá giới hạn

Đây là một trong những chiếc xe F1 tiên tiến nhất thập niên 90. FW14B được trang bị hàng loạt công nghệ như hệ thống treo chủ động, kiểm soát lực kéo, và hộp số bán tự động, giúp Nigel Mansell thống trị mùa giải 1992 với 10 chiến thắng trong 16 chặng đua.

Williams FW14B

Williams FW14B

Tuy không phạm luật vào thời điểm đó, nhưng sự vượt trội của Williams đã khiến FIA cấm toàn bộ các hệ thống hỗ trợ điện tử kể từ mùa giải 1994 nhằm đảm bảo rằng tay đua thay vì máy tính là yếu tố quyết định chiến thắng.

5. Chevrolet Corvette C4 (1984-1996)

Lý do cấm: Quá vượt trội trong giải SCCA Showroom Stock GT

Khi Corvette C4 ra mắt, nó đã thống trị hoàn toàn các giải đua xe thương mại tại Mỹ, đặc biệt là hạng Showroom Stock GT của Hiệp hội Xe thể thao SCCA. Từ năm 1985 đến 1987, C4 giành chiến thắng gần như tuyệt đối khiến các mẫu xe khác không có cơ hội.

Chevrolet Corvette C4

Chevrolet Corvette C4

Cuối cùng, SCCA đã cấm Corvette C4 tham gia giải đấu này. Để tiếp tục thi đấu, Chevrolet đã tự tổ chức một giải đua riêng là Corvette Challenge, quy tụ toàn bộ xe C4 thi đấu với nhau.

6. McLaren MP4/4 (1988)

Lý do cấm: Động cơ tăng áp quá mạnh

MP4/4 là chiếc xe huyền thoại trong làng F1. Với động cơ Honda V6 tăng áp 1.5L, chiếc xe này giúp Ayrton Senna và Alain Prost giành chiến thắng 15/16 chặng đua trong mùa giải 1988 - một kỷ lục chưa từng có.

McLaren MP4/4

McLaren MP4/4

Tuy không vi phạm luật, nhưng sự thống trị của McLaren khiến FIA quyết định cấm động cơ tăng áp trong F1 từ năm 1989, nhằm tái cân bằng sức mạnh giữa các đội đua.

7. Porsche 917/30 (1973)

Lý do cấm: Quá nhanh, quá mạnh trong giải Can-Am

Porsche 917/30 sử dụng động cơ tăng áp kép 5.4L, cho công suất tối đa lên tới 1.580 mã lực, ngang ngửa máy bay chiến đấu thời đó. Trong mùa giải Can-Am năm 1973, 917/30 gần như “làm chủ” toàn bộ đường đua.

Porsche 917/30

Porsche 917/30

Vì xe tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu, ban tổ chức Can-Am buộc phải giới hạn dung tích bình nhiên liệu từ năm 1974, khiến Porsche không thể tiếp tục sử dụng mẫu xe này do không đủ nhiên liệu để hoàn thành chặng đua.

8. Brabham BT46B (1978)

Lý do cấm: Sáng tạo kỹ thuật “hợp lệ nhưng bị tẩy chay”

Chiếc F1 kỳ quái này sử dụng một chiếc quạt lớn ở phía sau để hút không khí, tạo lực ép xuống đường cực lớn gọi là “fan car”. Khi xuất hiện tại GP Thụy Điển 1978, BT46B đã chiến thắng áp đảo.

Brabham BT46B

Brabham BT46B

Dù không vi phạm bất kỳ quy định nào, nhưng thiết kế độc đáo này khiến các đội đua khác phản đối dữ dội. Kết quả, Brabham phải rút chiếc xe khỏi các chặng đua tiếp theo vì sức ép dư luận dù nó vẫn hoàn toàn hợp lệ.

Nguồn: Carbuzz

Nguyễn Kim Nhâm

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/8-mau-xe-huyen-thoai-bi-duoi-khoi-duong-dua-vi--qua-nhanh-17076.htm