8 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn vừa ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng thành phố Bắc Kạn phát triển toàn diện, phát huy vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Thành phố Bắc Kạn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Kạn gồm 8 đơn vị hành chính, tổng diện tích tự nhiên 136,99km2, dân số trên 45.000 người. Năm 2012 là thị xã được công nhận đô thị loại III và đến tháng 3 năm 2015 trở thành thành phố thuộc tỉnh.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, thu ngân sách bình quân trên địa bàn thành phố Bắc Kạn từ năm 2015 đến nay tăng trên 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ; kinh tế có bước tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Xây dựng Nông thôn mới đạt được kết quả rõ nét, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; thành phố là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được chú trọng.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn cũng nhận rõ: Hiện nay, thành phố Bắc Kạn chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh về dân số, diện tích, đơn vị hành chính trực thuộc... Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu kinh tế của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn thiếu; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch.
Những hạn chế nêu trên bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu sáng tạo hiệu quả chưa cao; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chất lượng đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, công tác quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; chưa tạo được mặt bằng, quỹ đất thuận lợi để thu hút nhà đầu tư.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đề ra mục tiêu xây dựng thành phố Bắc Kạn tương xứng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; mang bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc; là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư và du khách. Tạo bước chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đưa thương mại, dịch vụ - du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Cụ thể đến năm 2030. tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Bắc Kạn đạt từ 12%/năm trở lên. Tăng thu ngân sách bình quân đạt 13%/năm; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 38%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 4%.
Thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là đô thị loại II; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu đạt 100%; tỷ lệ phường đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 100%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 85%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; diện tích đất cây xanh toàn đô thị 12m2/người dân; đón trên 500.000 lượt khách du lịch/năm.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn xác định: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên trong xây dựng, phát triển thành phố của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thành phố Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố. Xây dựng và phát triển thành phố phải đặt trong mối quan hệ tổng thể gắn kết hài hòa, chặt chẽ, có sức lan tỏa để thúc đẩy các địa phương trong tỉnh cùng phát triển và tạo được sự liên kết với các địa phương trong vùng. Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính phải gắn với định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Định hướng và ban hành các chính sách phát triển thành phố Bắc Kạn gắn với tổng thể quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển thành phố. Xác định phát triển thành phố là nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ tỉnh, nguồn lực của tỉnh có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của thành phố. Đồng thời, thành phố có trách nhiệm phát huy nội lực của địa phương; thu hút đầu tư, xã hội hóa các nguồn lực tạo sự phát triển đột phá, nhanh, bền vững và toàn diện. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai, môi trường; hoàn thành mở rộng địa giới hành chính đáp ứng tiêu chí thành phố thuộc tỉnh; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các cụm công nghiệp và công trình công cộng; Đẩy mạnh phát triển các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch và sản xuất nông - lâm nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế; Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Ban hành cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh; Đẩy mạnh công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; Xây dựng Đảng bộ thành phố Bắc Kạn trong sạch, vững mạnh.